Viết gửi những cụ già ở Montreal (*)

BS. Đỗ Hồng Ngọc qua ký hoạ của
BS. Đỗ Hồng Ngọc qua ký hoạ của
Giác Ngộ - Tôi không định viết về Đỗ Hồng Ngọc- Đỗ Nghê với "Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác" vì đã có nhiều người viết rồi. Nhưng đứa bé sơ sinh lại thôi thúc, lại cất tiếng u oa...Thôi thì tôi vụng dại kể về thứ thơ "qua rèm" (Trăng Boston) của Đỗ Hồng Ngọc cho tuyết nghe ở phố Tàu hoặc nhà giữ lão ở Montreal nghe chơi. Gọi là đáp lại tiếng khóc sơ sinh, may ra gửi một chút tình cho Đỗ Nghê thi sĩ... 

Đỗ Nghê thi sĩ tên thật là Người Cầm Ống Tiêm. Đối tượng Trẻ Sơ Sinh. Trong cái sát-na rung cảm chàng dám đại diện cho đời giới thiệu cho "tính bổn thiện" số phận con người thông qua ngũ uẩn. Bé sơ sinh ơi, ngươi là đứa bé nào ở không- thời- gian Từ Dũ-1965 mà diễm phúc vậy. Mới sinh ra liền được nghe kinh Bát Nhã ? Tôi lăn lộn ba đường sáu nẻo giờ mới được nghe lẫn lộn giữa ngộ -mê dày cộp. Sao có thể hiểu được điều gì. Ngươi mới là được nghe cái nghe tuyệt hảo, cái nghe nguyên vẹn gần như là thai giáo - một thứ kinh thơ bất tuyệt giữa chào đời...

Trân trọng chào em
mời em nhập cuộc 
chúng mình cùng chung
số phận 
con người...

Lần khai ngộ này, nhà thơ có cái tên là Thầy thuốc! Đức Mâu-Ni cũng là một Thầy thuốc, một Y vương. Mỗi hành động của ngài là thơ và chữa tâm bệnh cho chúng sinh đó thôi. Thứ bệnh mà em bé sơ sinh sau này sẽ lãnh nhận một cách tự nhiên. Cũng như câu kinh "ngũ uẩn giai không" em đã đón nhận một cách tự nhiên và vô hình chung kia sẽ là "chữ duyên" của nhà Phật đã được gieo từ thuở u oa... 
Thật ra người cầm bút là Đỗ Hồng Ngọc đâu có hiểu cái tâm thức lúc mình viết là gì. Vì, sao có thể thấy được tiền kiếp? Nhưng "văn là người", đây là loại ngôn ngữ thâm sâu của người Việt, văn là cái gien truyền kiếp, văn là tính trội (hiển lộ) cho ta thấy đã có một đời sống tinh thần của Bát nhã Tâm kinh trầm tích hóa chân ngôn. 
Vì vậy, thư cho bé sơ sinh là niềm bật thức vong niên khiến ý thơ hay đến kỳ lạ. An nhiên và nhân hậu biết bao trong đôi mắt vọng ngộ của người bác sĩ - thi sĩ. 
Tôi đọc tập thơ này mà cảm thấy "tâm truyền tâm", một hơi ấm "hít vào" nhẹ nhàng lan tỏa. Và làn khói biếc mùa thu cùng ngôn ngữ thơ tự tại xông lên thứ trầm hương của những bài thơ khác nghe vị thiền thấm đẫm từng trang giấy, trang đời tôi, tha thiết lạ thường. 
Khi viết về Trịnh Công Sơn, Đỗ Nghê hạ bút:

Với em thơ 
chàng thị hiện bông hồng 
với tình nhân
chàng hóa nguồn suối ngọt.
(Kẻ rong chơi) 

Nói về Trịnh Công Sơn cũng là nói về mình. Ai biết ? Vì bằng "diệu âm linh ngữ" trái đất là hòn bi xanh qua thiên nhãn của đứa trẻ trong Đỗ Hồng Ngọc thốt ra. Đích thị là chàng rồi !Thơ tự nó có công năng phối triển và thị hiện tâm hồn. Như nước, "ai nỡ hỏi nó đến từ đâu và trôi về đâu". Không nỡ. Thật là tài hoa. Không nỡ. Thật là thiền. Bởi người đứng trên ngôi vị nào đó, mới không nỡ làm đau lòng nước (chúng sinh) mà thôi! Còn đây trong "Ý nghĩ "rất lạ của thi nhân, ta bắt gặp: "Mảnh đất thân cha nắng sáng đan vườn /Nghe da thịt bao nhiêu lần thối rữa". Phải chăng nếu không có nhiều suy ngộ sao nghe được thân "tứ đại" này đã trải qua nhiều lần tan rã? Và lần này sẽ cùng thơ đi trên con đường tuệ giác. Hiển nhiên rồi. Đọc nhiều sách của ông viết về đời người cùng cái nhìn tuệ mẫn, tôi đoan chắc điều đó. Nhưng nhà thơ còn nợ nhiều lắm. Nợ người, nợ trời, nợ cả một lũ chim non:  

Phòng mạch vừa mới mở
đã có tiếng gõ cửa 
thì ra một chú chim 
kêu bị đau cái mỏ.
(Phòng mạch của chim)

Gói nợ " Bồ tát" đã "ăn cắp" ông lại, dẫu có lần tai biến nguy nan. Có phải nợ "những bệnh nhân "là món nợ đại nguyện không, mà tôi thấy ông "vác tù và hàng tổng" với nhiều anh em văn nghệ. Trong đó có tôi một lần được "chữa bệnh từ xa" : "OK! Em cứ nói anh tư vấn cho!". Nghe mà ham. Xin "Cứ để anh khờ dại / Đừng cho anh khôn ngoan". Ôi cái dại của thiện tri thức. Thật tốt cho chúng ta làm thân với người này để kết nối mạng cơ duyên internet toàn... tịnh độ hiện tiền... Để rồi: 

Khi nhìn nhau xa lạ 
Là rất đỗi thân quen
Khi nói năng vô nghĩa 
Là thác reo trong hồn.

Vâng, mọi hành giả đều phải có cảm nghiệm đó, mà nhận ra nhau, mà kêu lên tiếng kêu hoát ngộ khi đứng giữa Tuyền Lâm trần thế hay của cảnh giới khác cũng vậy cả : 

Nước xanh như ngọc 
Sâu đến tận trời 
Vốc lên một vốc 
Ơi mùa xuân ơi! 

Bút pháp dồn nén. Ngôn ngữ tứ tuyệt. Vạm vỡ và òa vỡ. Như mặc định một thử thách. Làm sao có thể chạm đến chỗ "sâu đến tận trời" đó. Bởi sâu đến đâu là cái thấy biết lý tính, hành giả chưa mở miệng đã lọt xuống vực thẳm. Còn đâu... Thế nên thơ thiền vốn tâm không, nếu còn biết đo đếm thì cái "tâm vô nhất vật" kia khó hiện " bản lai". Trong tôi đầy dự cảm về khu rừng "sở tri chướng" mà giáo lý nhà Phật đã nói. Tôi đốn ngã câu thơ thứ hai vì tự tâm đọc nhầm rằng:  

Nước xanh như ngọc 
Vốc lên một vốc 
Ơi mùa xuân ơi!

Ôi bài Haiku! Nước vỡ hay tôi vỡ. Chẳng biết. Chỉ biết thơ không còn là sỡ hữu. Thơ là của nguồn sống, của muôn loài. Chợt nhận ra mùa xuân không của riêng ta, thì hét lên, tiếng hét vọng vào vách núi mà xuân không cùng ! 
Thế mới biết thơ Đỗ Hồng Ngọc ám ảnh và bắt người ta "bừng sáng" theo cách vượt qua mọi tri kiến của sự phủ dụ của ngôn từ! 

Lâm Hà 2010 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày