Tại TP.HCM, mỗi “tấm thẻ” hiến tạng trao đến người đăng ký đều có một câu chuyện đẹp về lòng nhân ái và nghĩa tình.
Lễ ký kết phối hợp "Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và GHPGVN - Ảnh: Phúc Thịnh |
Hai vợ chồng trẻ cùng đăng ký hiến mô tạng
Năm 2019, anh Trần Lĩnh (sinh năm 1985) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1986), ngụ tại Q.10, TP.HCM, cùng nhau đăng ký hiến mô tạng và hiến xác cho y học. Từ cơ duyên trong một số lần đọc thông tin trên báo chí, xúc động trước những câu chuyện gia đình hiến tạng người thân chết não cứu rất nhiều người, đã làm cầu nối “khởi đầu” cho anh Lĩnh và vợ đến với quyết định hiến mô tạng cứu người và hiến xác cho y học.
“Có lần đọc báo, biết được một anh bị tai nạn giao thông chết não, trước khi chết đi anh ấy đã cứu sống được 7 người. Gia đình cho biết, khi còn sống anh đã có di nguyện muốn làm việc thiện này, và gia đình thực hiện di nguyện của anh. Nên dù chết đi, anh ấy vẫn đang hiện diện trên cuộc đời, giúp ích cho nhiều người. Câu chuyện đó làm tôi càng thêm hiểu rằng, cơ thể này cha mẹ cho rất quý, khi mất đi thì mình cũng đừng phí phạm, nếu có gì đó tặng cho đời thì nên làm, để lại cho đời món quà có ý nghĩa”, anh Trần Lĩnh cho biết.
Anh Lĩnh cho biết thêm, cả hai vợ chồng đều chưa quy y nhưng thường xuyên đến chùa làm công quả, làm việc thiện, đặc biệt thường xuyên nghe pháp và tin luật nhân quả. “Giáo lý Đức Phật đem đến cho tôi nhiều lợi lạc, nhất là pháp bố thí. Có nhiều cách cho đi, và hiến tạng, hiến xác làm cho vợ chồng tôi nhiều suy nghĩ. Hai vợ chồng đều có chung suy nghĩ, thật ra chết đi rồi thân này đâu mang theo được, nên mong muốn để lại cho đời, hiến tạng để người khác có thêm cơ hội sống và hiến xác để bác sĩ có cơ hội sử dụng cho việc nghiên cứu, giúp ích cho y học”, anh Lĩnh chia sẻ.
Khi tâm thiện khởi lên, nó trở thành niềm ấp ủ của hai vợ chồng anh Lĩnh suốt một thời gian dài. Sau này khi vợ anh Lĩnh làm công quả ở chùa Giác Ngộ, Q.10, TP.HCM, biết có sự kiện đăng ký hiến mô tạng cứu người và hiến xác cho y học, vợ anh Lĩnh đã đăng ký tham gia. “Bữa đó mình nhờ anh xã chở qua chùa để đăng ký, mình cũng nói với anh là em đi đăng ký hiến mô tạng, hiến xác cho y học. Anh xã liền nói anh cũng làm hồ sơ đăng ký luôn. Hai vợ chồng rất vui khi cùng nhau thực hiện điều tốt đẹp cho đời”, chị Hằng trải lòng.
Như nhân duyên lành, từ việc hai vợ chồng chị Hằng, anh Lĩnh đăng ký hiến mô tạng, mẹ ruột của chị Hằng cũng đăng ký thực hiện việc ý nghĩa này. Mẹ của chị Hằng nguyên là điều dưỡng của Bệnh viện 115 (TP.HCM), bà hoan hỷ khi có các con hiểu về ý nghĩa hiến mô tạng và hạnh phúc khi cùng con làm được việc ý nghĩa, mà trước đó bà cũng từng có nhiều trăn trở.
“Phật giáo cho vợ chồng tôi góc nhìn sâu sắc về cái chết. Khi chết thì tứ đại đi hết, việc còn lại là ý nghĩa cho đời như thế nào. Khi quyết định đăng ký, chúng tôi sống trách nhiệm hơn với chính mình. Có lần tôi nói với chị thân quen là tôi có ý định đăng ký hiến mô tạng khi qua đời và rủ chị ấy cùng tham gia. Chị nói với tôi rằng, do chị nhậu rất nhiều nên sợ hiến người ta không xài được gì. Đó là điều nhắc nhở chúng tôi, muốn hiến thì giữ gìn cơ thể, để khi mất người khác còn có cái gì xài. Tôi thấy rằng, từ khi đăng ký hiến mô tạng, chúng tôi có nhiều niềm vui, đặc biệt là ý thức sống lành mạnh, giữ cho người sau và cũng là xây tổ ấm hạnh phúc mỗi ngày”, chị Hằng chia sẻ.
Truyền cảm hứng về hiến mô tạng cứu người
Là một vị tu sĩ trẻ thường tham gia các hoạt động của người trẻ, Đại đức Thích Minh Thạnh, sinh năm 1984, (trụ trì chùa Thiên Khánh, P.7, Q.6, TP.HCM) thường chia sẻ về lý tưởng của người con Phật, về hạnh nguyện phụng sự và cho đi, cụ thể là việc hiến mô hiến tạng. “Tôi thường nói vui với các bạn trẻ là thân này chết đi thiêu hoặc chôn uổng lắm, phí lắm; thôi thì hãy hiến xác cho khoa học để tận dụng một cách triệt để có ý nghĩa”, Đại đức cho biết.
Đại đức Thích Minh Thạnh đăng ký hiến mô tạng và hiến xác cho y học từ năm 2022 - Ảnh: NVCC |
Vị thầy trẻ cũng cho biết: “Khi đăng ký tham gia hiến mô hiến tạng thì những người thân xung quanh khuyên là “không nên”, và không ủng hộ thực hiện việc làm này. Họ cho rằng, là người trẻ không nên nói chuyện chết chóc. Nhưng tôi vẫn thực hiện vì tôi hiểu rằng, cuộc sống vốn vô thường, làm gì có ích được thì làm, đừng để lãng phí kiếp người, kể cả là khi chết đi”.
Và để người thân, Phật tử trung niên và Phật tử trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của hành động hiến mô tạng và hiến xác y khoa, Đại đức Thích Minh Thạnh chia sẻ nhiều bài học giáo lý về tinh thần Bồ-tát đạo, tinh thần bố thí. Thầy kiên nhẫn giải thích trong các buổi học giáo lý diễn ra tại chùa: “Bố thí nội tài là cho đi một phần cơ thể của mình để chia sẻ sự sống đến với người khác. Khi con người chết đi, phần thân xác sẽ đem hỏa thiêu hoặc địa táng, hoặc theo một hình thức nào đó. Thân xác của người mất sẽ không còn hữu ích nữa. Nếu thân xác ấy được hiến mô tạng cho người khác thì sẽ rất có ý nghĩa về mặt bố thí, chia sẻ một phần nội tạng cho người thì sẽ cứu được nhiều người đang cần một bộ phận nào đó của người mất. Việc hiến xác cho y học, phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập, đó là sự kết duyên quyến thuộc Bồ-đề cho nhiều đời nhiều kiếp về sau”.
Không dừng ở đó, thầy còn kể câu chuyện tỷ phú Brazil - ông Thane Chiquinho Scarpa đã thay đổi nhận thức của nhiều người về việc hiến mô tạng vào năm 2013. Theo đó, vị tỷ phú đã tuyên bố trên tài khoản Facebook sẽ chôn chiếc “siêu xe” Bentley mới trị giá khoảng 400.000 USD, để nó “phục vụ” khi ông sang thế giới bên kia. Sau thông báo, ông Scarpa hứng hàng loạt chỉ trích về sự lãng phí và cho rằng, lẽ ra ông nên quyên góp từ thiện chiếc xe.
Vào ngày lễ “chôn xe”, ông Scarpa mời đông đảo các cơ quan báo chí tới dự nhưng vào đúng thời khắc chiếc xe Bentley chuẩn bị chôn, ông bất ngờ yêu cầu dừng lại và chia sẻ lý do thực sự của việc chôn xe: “Mọi người đã lên án tôi vì việc cố tình chôn một chiếc Bentley giá triệu đô. Nhưng sự thật là hầu hết mọi người đang chôn đi một thứ còn giá trị hơn nhiều chiếc xe của tôi. Mọi người đang chôn đi những quả tim, lá gan, lá phổi, những đôi mắt và những quả thận. Có biết bao người ngoài kia đang chờ được ghép tạng, còn quý vị lại chôn đi những cơ quan nội tạng khỏe mạnh có thể cứu sống bao sinh mệnh”. Câu chuyện thầy kể về tỷ phú Scarpa đã truyền thêm cảm hứng cho Phật tử, đặc biệt nhiều bạn trẻ khi hiểu ý nghĩa, đã thay đổi nhận thức, quyết định đăng ký hiến mô tạng, và có bạn còn vận động gia đình tình nguyện tham gia.
Từ những cầu nối truyền thông
Sư cô Tuệ Hải (thế danh Đỗ Thị Minh Tâm) sinh năm 1998 là một trong những tu sĩ trẻ tham gia đăng ký hiến mô tạng cứu người khi tuổi đời vừa tròn 24. Từ Biên Hòa, Đồng Nai, Sư cô Tuệ Hải đến TP.HCM để đăng ký và cho biết thực hiện việc làm này ngay khi xem bộ phim Hospital Playlist về đề tài y khoa tại Hàn Quốc: “Khoảnh khắc bác sĩ thực hiện các ca ghép mô tạng cứu người hay cảnh người mẹ bật khóc vì tìm được người hiến tạng cho con gái đã làm cho tôi xúc động. Trong một nhân duyên, biết đến chương trình hiến mô tạng diễn ra tại chùa Giác Ngộ, Q.10, TP.HCM, tôi đã đăng ký”.
Cũng giống như nhiều người trẻ gặp nhiều khó khăn khi đăng ký hiến mô tạng khi qua đời, hành trình đăng ký hiến mô tạng của Sư cô Tuệ Hải cũng vướng một số “rào cản” đến từ gia đình. “Tôi có chia sẻ với gia đình thì ba mẹ và mọi người đã không đồng ý cho đăng ký hiến mô tạng. Ba mẹ và người thân vẫn muốn theo truyền thống là khi mất đi phải còn nguyên xác và được chôn cất nên ngăn cản rất quyết liệt”, Sư cô trải lòng.
Và hiện nay, dù đã đăng ký thành công hiến mô tạng cứu người khi qua đời, nhưng Sư cô Tuệ Hải vẫn đang cố gắng thuyết phục mọi người trong gia đình với hành động cao đẹp này, ngày qua ngày một cách bền bỉ. “Điều con hạnh phúc nhất khi được hiến mô tạng là con có thể mang lại cơ hội sống cho người khác cũng như là thay đổi nhận thức của bản thân để làm một điều tốt cho cộng đồng. Dù người xuất gia hay tại gia thì cũng nên làm những việc tốt đời đẹp đạo. Thân này của chúng ta sau khi chết cũng sẽ trở về với cát bụi và con cũng muốn đóng góp một phần nhỏ để giúp đỡ những người đang cần, mang lại sự sống cho họ. Nên từ đó con đã quyết định đi hiến mô tạng”, Sư cô cho biết thường xuyên tâm tình với ba mẹ như thế, để ba mẹ hiểu và thương.
Trong những nhân duyên của mình, Sư cô Tuệ Hải tùy duyên khuyến khích mọi người tham gia hiến mô tạng cứu người. Sư cô làm điều đó tất cả xuất phát từ tình yêu thương, góp phần thay đổi nhận thức đến một nhóm người: “Khi nhiều người cùng tham gia thì hiến mô tạng, nó sẽ trở thành một hành động nhân đạo phổ biến, thể hiện giá trị nhân văn, tương thân tương ái với mọi người. Ngoài ra, khi chúng ta nghĩ đến việc mang lại cơ hội sống cho người khác thì chúng ta rất vui với hành động nhân văn này. Cuộc sống chúng ta chắc chắn sẽ có thêm ý nghĩa”.