Viết riêng cho má...

Viết riêng cho má...
Viết về má là viết về ngọn nguồn yêu thương, về những tháng ngày đầy những vất vả nhưng không thiếu nụ cười. Viết về má để ghi lại những gì đã trải qua với con, với gia đình mình, chính những điều ấy là chất liệu ngọt ngào để con bước vào đời, thắng lại những cám dỗ đời thường...

Ngày… tháng… năm…

Con gái 12 tuổi, lần đầu tiên con biết thế nào là nỗi buồn mất mát người thân. Bà ngoại ra đi. Má khóc. Nước mắt má lăn dài, ràn rụa. Má kể cho con nghe về quãng đời thơ ấu của má, gắn với bà ngoại. Ông ngoại mất sớm, do bom đạn chiến tranh. Bà ngoại “thân cò nuôi con” qua cuộc chiến khốc liệt của những năm 1968, 1972…

Má lớn lên giữa thời bom đạn và cả sau này, thời bao cấp, đất nước còn nghèo nên phải ăn bo bo mà sống. Ấy thế mà má có phải chịu khổ nhiều đâu, bà ngoại dang tay ra đỡ hết. Ngoại còn có tư tưởng tân thời, quyết cho con đi học, dù ngoại là nông dân chính gốc. Má đi học đàng hoàng, thời đó, năm 1980, đâu có dễ. Rồi má cũng ra trường về làm cô giáo ở quê.

Má kể trong nước mắt: “Má ra trường rồi mà ngoại bây đâu có được sung sướng! Ngoại hổng chịu ở không, hồi má có chồng, rồi sinh tụi bây, ngoại nhận phần nuôi cháu để má yên tâm công tác…”. Má tôi vừa khóc vừa đọc câu “Mẹ già hơn trăm tuổi/Còn thương con tám mươi” trong kinh Vu Lan rồi kể thêm: “Đến lúc nhắm mắt mà ngoại còn dặn dò má phải lo giữ gìn sức khỏe đặng lo cho mấy đứa con nên người, rồi ngoại mỉm cười…”.

Ngày… tháng… năm…

Đến phiên tôi và má tiễn ba tôi về cõi vĩnh hằng, ba mất vì căn bệnh ung thư. Căn bệnh quái ác ấy đã cướp đi của tôi người ba thân thương và lấy đi của má người chồng đầy trách nhiệm. Ba đi, má không khóc. Có lẽ nước mắt của má đã ép hết vào tim. Chỉ có chị em chúng tôi thì vật vã, khóc và nhớ ba. Ba đã từng dạy tôi sống lễ nghĩa, dạy tôi tập viết, từng con chữ của tôi đều có bàn tay ba uốn nắn.

Má thương ba, từ hồi cả hai còn là thanh niên xung phong. Ba với má là thanh mai trúc mã, lớn lên ở làng quê nghèo, cùng đi thi và đậu vào sư phạm. Cả hai người cùng tâm nguyện về quê dạy học bởi ba má yêu quê hương, thương học trò nghèo thiếu cái chữ. Cái tâm, cái tình ấy đã gắn kết ba má lại với nhau, cho chị em tôi được lớn lên. Tôi là chị cả, thằng em tôi nhỏ hơn 5 tuổi, ngày ba đi nó 10 tuổi, nhưng còn khờ, chỉ biết khóc theo tôi.

Má tiễn ba, đầu đội vành khăn tang, khuôn mặt má rắn rỏi, mãi đến sau này má mới nói: “Bây biết sao má không khóc không? Má đã hứa với ba bây là phải vững vàng, không được bi lụy để cho con cái có niềm tin mà sống, mà học tập, chứ có phải má không thương ba bây?”. Nghe má kể, tôi hình dung ra hình ảnh má khóc một mình trong đêm, ướt cả gối. Tình thương của má là vậy đó, nhẹ nhàng, thâm thúy!

Ngày… tháng… năm…

Bước qua những năm tháng khó khăn. Má được đề bạt lên phó hiệu trưởng của trường. Thằng Út học trường của má công tác nên nhiều thầy cô nể má, xin phép nâng điểm để cho nó được hạng xuất sắc. Má nghiêm nghị bảo: “Mình làm nghề giáo, là tấm gương soi cho học trò, do đó mình phải sống thật thà trước tiên, không được thiên vị vì có mối quan hệ… Hơn nữa tôi cũng muốn dạy con mình đi bằng chính đôi chân của nó, không được luồn lách”. Bài học ấy má còn dành cho tôi: “Phải đi bằng chính đôi chân của mình, ba bây thường nhắc như thế”.

Con gái má đã đi bằng đôi chân của mình, nó được năng lượng yêu thương của má, nghị lực sống và tấm gương sáng ngời của ba soi cho nó bước vào đời. Ngày con đậu đại học, má dắt con đi thăm mộ ba và bà ngoại, má nói: “Nhờ cái phước, cái đức của má và anh mà giờ con nó đã trưởng thành rồi nè…”. Má lặng lẽ cắm nhang lên mộ ba và bà ngoại.

Con đi nhập học, má thức cả đêm để chuẩn bị hành lý, và bao nhiêu thứ để con rời xa má lần đầu tiên. Má dặn đủ thứ, rằng con gái đi xa nhà không có dễ, phải sống tử tế, không đua đòi, kín đáo và khiêm hạ…

Ngày… tháng… năm…

Con ra trường được một năm, thằng Út vào đại học. Má lại dắt thằng Út đi báo tin với ba và bà ngoại. Mỗi lần như thế má đều dặn tụi con là phải sống đàng hoàng như ba và bà ngoại nhằm để lại cho con cái bài học làm người. Rồi thì thằng Út cũng rời xa má. Hai đứa con, đứa nào cũng lớn, bôn ba nơi xứ người. Má 50 tuổi, cặm cụi nơi quê nhà với công tác quản lý ở trường.

Cuối năm này thằng Út ra trường, nhận được học bổng du học ở Úc ba năm, học cao học. Còn con cũng đã yên vị ở một cơ quan. Lương của con không cao nhưng cũng chắt chiu được chút ít gửi về cho má hàng tháng, gọi là tiền bồi dưỡng. Hôm rồi con về, má khoe là tiền con gửi, má giữ lại có hơn chục triệu, để mai mốt con có chồng, má sẽ gửi lại cho con làm vốn. Trời ạ, má của con lúc nào cũng vậy, đâu có bao giờ má nghĩ cho riêng mình đâu!

Cũng mới hôm rồi về thăm má, má khoe là dạo này mỗi tối má hay đi chùa, thực tập tụng kinh, niệm Phật nhiều. Má nói tìm thấy niềm vui nơi cửa chùa, và má đã biết thêm về cái lý nhân quả ở đời. Má nhắc con: “Làm gì thì làm cũng phải sống tốt”. Rồi mai mốt, thằng Út đi xa, con sẽ trở về quê, con trở về bên má, con sẽ xin làm cô giáo như má ngày xưa… Con tính hết rồi, má chắc sẽ bất ngờ vì quyết định ấy của con? Con thương má!

Vu lan 2009

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày