Viết từ trại giam Thanh Lâm, Thanh Hóa: Thư gửi Thầy

Bức thư của một bạn đọc gửi từ trại giam Thanh Lâm
Bức thư của một bạn đọc gửi từ trại giam Thanh Lâm
0:00 / 0:00
0:00

Kính bạch Thầy thượng Trí hạ Quảng

Đầu tiên, con xin năm vóc sát đất cung kính đảnh lễ Thầy. Cầu mong Thầy mãi mạnh khỏe, an lạc để dắt dìu chúng con và thành tựu lớn trên con đường hoằng dương Chánh pháp.

Tên con Trần Đức Hữu, là phạm nhân đang cải tạo tại trại giam Thanh Lâm - Thanh Hóa.

Trước đây con đã vài lần viết thư gởi Thầy với nhiều chia sẻ, nhiều khát khao… Thời gian cứ trôi… và con cũng trưởng thành hơn nhờ sự gia trì thầm lặng của Tam bảo, của Thầy Tổ.

Hôm nay con lại được cầm trên tay tờ báo Giác Ngộ số 1072 (16-10-2020), được đọc bài giảng của Thầy, được hiểu biết thêm chút chút… và con có nhiều niềm vui.

Con rất vui và hạnh phúc khi biết Thầy vẫn khỏe mạnh, vẫn thuyết giảng và con cũng thấy con đâu đó trong bài giảng của Thầy. Con biết ơn Thầy sâu sắc lắm, Thầy ạ!. Vì con đã thấy thấp thoáng, mà không… con đã thấy rõ con đường con phải đi… Tất cả là nhờ ơn Tam bảo, nhờ ơn Thầy đã chỉ đường cho con trong thầm lặng. Giờ đây con không thắc mắc gì nữa cả bởi nhân quả vốn công bằng. Con chỉ mới được đọc hai bài giảng của Thầy thôi; à, ba bài mới đúng; nhưng đều là những bài cho con thấy sự khảo nghiệm chính mình. Con bị tù đã 13 năm rồi, Thầy ạ.

Bức thư tay của anh Trần Đức Hữu gửi đến HT.Thích Trí Quảng, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ. Nhận được thư, Trưởng lão Hòa thượng đã có thư hồi âm, đồng thời Ban Biên tập cũng đã có văn bản gửi đến Ban Quản giáo trại giam Thanh Lâm để tán dương và xin phép gửi một số ấn phẩm phù hợp tặng đến phòng đọc sách nơi đây

Bức thư tay của anh Trần Đức Hữu gửi đến HT.Thích Trí Quảng, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ. Nhận được thư, Trưởng lão Hòa thượng đã có thư hồi âm, đồng thời Ban Biên tập cũng đã có văn bản gửi đến Ban Quản giáo trại giam Thanh Lâm để tán dương và xin phép gửi một số ấn phẩm phù hợp tặng đến phòng đọc sách nơi đây

Bạch Thầy!

Hôm nay con viết thư gởi Thầy, trước tiên là muốn được cung kính đảnh lễ Thầy và vô cùng vui mừng khi được biết Thầy vẫn khỏe và hoằng pháp (vì con bị cách ly xã hội nên có biết gì đâu), bài báo Giác Ngộ trước mà con được đọc là số báo trong năm 2017. Vậy là trong 3 năm con mới có duyên được đọc 2 bài báo của Thầy mà sao con đã thấy mình có phước, được hưởng quá nhiều may mắn… nơi cuộc đời này.

Cách đây 10 năm, vẫn là con ở trong tù, con được đọc những bản kinh do Thầy dịch. Thời gian đó trại giam cấm đọc sách tôn giáo; sách Phật sẽ bị thu nếu có, vì vậy muốn giữ thì phải học thuộc thật nhanh… Và con đã cầu mong Phật pháp được đến với phạm nhân, dù phải ở tù bao lâu cũng được, để đổi lại cho tất cả phạm nhân có cơ duyên gặp Phật pháp. Con có nhiều lần suýt bị đi cùm kỷ luật vì bị buộc tội là “truyền đạo” mà bản thân con đâu có đạo để truyền. Chắc chắn Bồ-tát đã hộ trì cho con rất nhiều nên nhiều phen con thoát chết tưởng chừng vô phương cứu chữa. Thế mới lạ lùng…, từ dữ hóa lành. Con đã được nhiều hơn mất nơi cuộc đời này, dù con chỉ là một tù nhân, Thầy ạ.

Mong ước Phật pháp đến với phạm nhân nay đã thành hiện thực. Đã có quy định mới nên hôm nay con mới được cầm trên tay tờ báo Giác Ngộ một cách hợp pháp. Phạm nhân được đọc sách tôn giáo của mình, thư viện trại giam có tủ sách tôn giáo, điều đó mới tuyệt vời làm sao! Vấn đề là cách phạm nhân tiếp xúc và thái độ tiếp xúc như thế nào mà thôi. Chỉ thế mà con vui mừng lắm, chỉ thế mà con thấy sự mong ước của con bao năm nay đã thành hiện thực; thế cũng là thành tựu nguyện.

Rồi nữa, khi con mong ước được theo Thầy xuất gia, được học hạnh Sa-môn… và con đã được Sa-môn Thích Đạo Thịnh (chùa Khai Nguyên – Sơn Tây – Hà Nội) tuyên bố tiếp nhận con trước đạo tràng tứ chúng. Tất cả đều làm con cảm động; và con biết Thầy vẫn hằng dõi theo những chuyển hóa từ chúng con dù không hiện diện nơi đây bằng thân tứ đại. Vậy nên con ý thức rằng: Bằng lòng từ bi của Tam bảo, bằng sự thầm lặng giúp đỡ chúng con mọi nơi mọi lúc thì sự cố gắng thế nào, cung kính thế nào cũng là không đủ với Tam bảo và Thầy Tổ. Một lần nữa con xin năm vóc sát đất nơi đây cung kính lễ lạy Tam bảo, Thầy Tổ đã chưa bao giờ xa rời buông bỏ chúng con.

Giờ đây con lại có mong muốn khắp nơi trên thế giới này, trại giam nào, phạm nhân nào cũng có đủ duyên để được gặp Phật pháp, đều có duyên gặp các thầy, các thiện tri thức để được khai sáng đạo tâm.

Con rất lấy làm xấu hổ khi bản thân chẳng có năng lực gì cả. Về thăm Thầy chỉ là sự làm phiền và quấy rầy; con mong Thầy xá tội cho con bởi những kiến thức chắp vá và tâm tham sân si nghi mạn còn nhiều.

Tủ sách tâm linh tôn giáo ở đây, lượng sách nhỏ nhoi lắm, mà chẳng có nhiều người có năng lực hộ trì để đầu sách phong phú hơn.

Ở đây, anh Hoàng Ngọc Sáu, pháp danh: A Di Đệ là phạm nhân làm việc quyên sách cho thư viện thêm phong phú. Anh Sáu đã đặt được báo Giác Ngộ cả năm bắt đầu từ số 1072. Những số trước đều không có.

Con cầu xin Thầy hộ trì, mong tòa soạn cho chúng con những ấn phẩm cũ và những ấn phẩm khác để chúng con có cơ hội tiếp xúc và tiếp nhận Phật pháp, để căn lành thêm lớn, để có duyên được gặp các thầy khai đạo cho chúng con. Chúng con cần sự hộ trì của tứ chúng.

Cuối cùng, con kính chúc Thầy thân an lạc vô sự, tâm thanh tịnh thành tựu lớn trên bước đường phổ độ chúng sinh. Xin Thầy xá tội cho con!

Chúng con rất cần sách, báo, ấn phẩm Phật giáo

Địa chỉ nhận thư và sách báo:

Trần Đức Hữu, Đội 21, Phân trại số 1, Trại giam Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Trương Tuấn Anh, Thi đua văn hóa, Phân trại số 1, Trại giam Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày