Vitamin C quan trọng đối với sức khỏe

GNO - Vitamin C còn được gọi là ascorbic acid, quan trọng đối với hoạt động của cơ thể, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển một cách bình thường của các mô trong cơ thể.

Vitamin C có ở đâu?

Vitamin C có nhiều trong trái cây tươi và các loại rau củ tươi như: xoài, đu đủ, trái thơm (dứa), dâu tây, kiwi, dưa hấu, bưởi chùm, ớt chuông (xanh và đỏ), cải bó xôi, bắp cải, bông cải, cà chua, khoai tây, bông cải xanh,… theo Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).

Vitamin-C-21.jpg


Các loại thực phẩm có nhiều vitamin C - Ảnh: Internet

Công dụng của vitamin C

Cơ thể sử dụng vitamin C cho nhiều hoạt động khác nhau. Vitamin C cần thiết để cơ thể hình thành collagen. Theo NIH, cơ thể sử dụng vitamin C cho da, gân, dây chằng và mạch máu. Ngoài ra, vitamin C còn được cơ thể sử dụng để phục hồi và duy trì sự khỏe mạnh của sụn, xương và răng, làm lành vết thương.

Vitamin C còn có công dụng phòng chống ung thư, giảm sự phá hủy của các gốc tự do lên cơ thể do các tác nhân môi trường như ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, tia cực tím từ mặt trời - chia sẻ của bác sĩ Sherry Ross, chuyên gia về sức khỏe phụ nữ, Trung tâm Providence Saint John’s (Santa Monica, California).

Dù chưa được chứng minh, một số chuyên gia cho rằng vitamin C giúp làm giảm nguy cơ đối với một số loại ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, thoái hóa điểm vàng, bệnh đục nhân mắt.

Theo Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ, hấp thụ khoảng 500 mg vitamin C mỗi ngày, cùng với beta-carotene, vitamin E và kẽm bổ sung giúp làm giảm tiến triển bệnh thoái hóa điểm vàng lên đến 25%. Vitamin C còn giúp làm chậm sự suy giảm thị lực đến 19%.

Tác dụng của vitamin C với tim mạch vẫn còn nhiều tranh cãi từ các chuyên gia sức khỏe. Một số nghiên cứu cho rằng vitamin C có thể giúp ngăn ngừa chứng đau tim nhờ tác dụng làm chậm sự xơ cứng thành động mạch do ngăn chặn được cholesterol xấu LDL. Số khác thì cho rằng vitamin C không có tác dụng này.

Một nghiên cứu khác của bệnh viện Johns Hopkins kết luận rằng vitamin C có tác dụng nhỏ trong giảm huyết áp cao nhưng không khuyến nghị bổ sung vitamin C như một lựa chọn điều trị.

Ngoài ra, vitamin C còn được dùng để chữa chứng cảm lạnh, rút ngắn thời gian bị bệnh, giảm triệu chứng bệnh.

Thiếu vitamin C gây hại thế nào?

Thiếu vitamin C khá phổ biến. Hút thuốc lá có thể làm giảm lượng vitamin C hấp thụ vào cơ thể. Vì vậy, người hút thuốc lá có nguy cơ thiếu vitamin C rất cao, theo Trung tâm Y khoa Đại học Maryland. Thông thường, các bác sĩ sẽ kê toa dùng vitamin C bổ sung khi thiếu vitamin C.

Thiếu vitamin C dễ gây ra thâm, bầm trên da, viêm lợi (viêm nướu răng) và gây chảy máu chân răng, làm tóc khô và chẻ ngọn, da sần sùi (có vảy), vết thương lâu lành, chảy máu cam và giảm khả năng kháng viêm nhiễm.

Nếu không ăn trái cây và rau củ các loại, bạn sẽ dễ bị thiếu vitamin C và các chứng kể trên, theo bác sĩ Brian Dixon, thuộc USANA Health Sciences.

Hấp thu bao nhiêu vitamin C là đủ?

Lượng vitamin C hấp thụ cần cho cơ thể khác nhau tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính và các yếu tố khác. Cụ thể là khoảng 75 mg đối với nam và 90 mg mỗi ngày đối với nữ giới, theo Đại học Bang Oregon. Phụ nữ mang thai và chăm sóc con cần khoảng 80-120 mg tùy theo độ tuổi.

Theo bác sĩ Kristine Arthur, trung tâm y khoa thuộc Fountain Valley (California), hấp thu quá nhiều vitamin C có thể gây ra sạn thận, nhịp tim bất thường và tiêu chảy.

Huệ Trần
(Theo Live Science)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày