Vô Môn quan là gì?

Vô Môn quan là gì?
HỎI: Xin nêu giùm một sưu khảo ngắn gọn mà đầy đủ về quyển Vô môn quan của Vô Môn Tuệ Khai. (TRẦN VĂN LÂM, Khánh Hòa)

ĐÁP: Thể theo yêu cầu của bạn Lâm, trước tiên xin trình bày tiểu sự Tuệ Khai. Tuệ (Huệ) Khai (1183-1260) là Tăng nhân phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế đời Tống. Sư người Tiền Đường, Hàng Châu (nay là Chiết Giang), họ Lương, tự là Vô Môn, nên người đời gọi là Vô Môn Tuệ (Huệ) Khai. Sư lúc còn bé đã vào đạo, rộng tập kinh luận. Khi trưởng thành, sư độc cư Thiền tư tại hang đá ở Nam Phong trải 6 năm bỗng tỉnh ngộ, bèn ra khỏi thạch thất tham yết các bậc tôn túc ở các núi non, đắc pháp nơi hội hạ của Thiền sư Sư Quán Nguyệt Lâm chùa Vạn Thọ ở Giang Tô.

Năm thứ 11 niên hiệu Gia Định (1218), sư khai pháp tại chùa Bảo Quốc ở An Cát, kế dời đến trụ các chùa Thiên Ninh Long Hưng, chùa Thúy Nham Hoàng Long, chùa Khai Nguyên Tô Châu, chùa Linh Nham, chùa Tiêu Sơn Trấn Giang, chùa Bảo Ninh Kim Lăng.

Năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Định (1229), để chúc thọ nhà vua, sư đã soạn nên quyển Vô môn quan, gọi đủ là Thiền tông Vô môn quan. Sách này tuyển tập 48 tắc công án của các bộ ngữ lục danh tiếng, thêm phần bình xướng và kệ tụng mà hình thành.

Năm thứ 6 niên hiệu Thuần Hựu Lý Tông (1246), sư phụng chỉ đến trụ chùa Hộ Quốc Nhân Vương ở Hàng Châu. Cuối đời, sư trụ bên bờ Tây Hồ. Lý Tông từng hạ chiếu với sư đến điện Tuyển Đức thuyết pháp, rồi ngay trong cung cầu mưa được cảm ứng, nên được ban tứ y Kim Lan và hiệu Phật Nhãn Thiền sư. Sư thân hình khô đét, thần quang sáng rực, tóc tai rối bù, thường mặc y phục cũ rách, bèo nhèo. Năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Định, sư thị tịch, thế thọ 78 tuổi. Sách Thiền tông Vô môn quan của sư đến nay vẫn còn thịnh hành trên đời.

Nói tới tác phẩm của sư mà không kể đến “Vô Môn Tuệ (Huệ) Khai Thiền sư ngữ lục” là một thiếu sót lớn. Sách do sư soạn nhưng được hai môn đệ là Phổ Kính và Phổ Thông biên tập mà thành, và được ấn hành vào năm thứ 9 đời Thuần Hựu Lý Tông (1249), cũng được gọi là “Phật Nhãn Thiền sư ngữ lục”, thu vào sách 120 Vạn Tục tạng.

Quyển thượng tập lục các lời thượng đường thuyết pháp của sư tại Báo Nhân Thiền tự ở Triều Châu vào năm thứ 11 niên hiệu Gia Định Ninh Tông (1218), rồi trải qua các chùa: Thiên Ninh, Sùng Ân Hoàng Long, Hùng Báo Hiển Thân, Quảng Hóa. Quyển hạ tập lục Cáo hương phổ thuyết, Tiểu tham, Tán Phật – Tổ, Kệ tụng, Chân tán. Bài văn “Hậu ký” ở chót quyển có lẽ do lần trùng san vào năm 1279, tức năm thứ 16 đời vua Chí Nguyễn nhà Nguyên thêm vào.

Tiếp theo đây xin trình bày lược khảo về Vô môn quan:

Toàn bộ sách chỉ có một quyển, do Tăng Vô Môn Tuệ (Huệ) Khai đời Tống soạn, tham học Tỷ kheo Di Diễn Tông Thiệu biên tập, gọi đủ là Thiền tông Vô môn quan, thu vào sách 48 Đại Chánh tạng. Tuệ (Huệ) Khai sao lục 48 tắc công án nổi danh thời xưa, thêm vào lời bình và kệ tụng mà làm thành. Các tắc theo tiêu chuẩn của tụng cổ gồm đủ trước tiên cử bổn tắc, kế đưa ra phần niêm, tức bình xướng, sau đó kết bằng bài kệ tụng.

Do bản thân bài tụng cũng được coi như một tắc công án, nên có thể nói sách này gồm 96 tắc công án. Tắc thứ nhất của sách này là công án “Triệu Châu cẩu tử” (Đại 48, tr.292 hạ) với lời bình: “Tham Thiền phải thấu cửa ải Tổ sư. Diệu ngộ phải dứt tuyệt đường tâm. Cửa ải của Tổ chẳng thấu, đường tâm chẳng dứt tuyệt thì nên đều chỉ là loài tinh mị nương cỏ, dựa cây. Hãy nói xem, thế nào là cửa ải của Tổ sư? Chỉ với một chữ Vô ấy, chính là cửa ải duy nhất của tông môn đấy. Liền ghi đề mục là Thiền tông Vô môn quan” (Tham Thiền tu thấu Tổ sư quan. Diệu ngộ yếu cùng tâm lộ tuyệt. Tổ quan bất thấu, tâm lộ bất tuyệt, tận nhị y thảo, phụ mộc tinh linh. Thả đạo, như hà thị Tổ sư quan? Chỉ nhất giá (giả) cá “Vô” tự, nãi tông môn nhất quan dã. Toại mục chi viết “Thiền tông Vô môn quan”, là để nêu rõ ý chỉ toàn quyển sách chỉ nằm tại điểm làm sáng tỏ cảnh địa của chữ “Vô”, đồng thời muốn vào ngộ giới phải lấy “Vô” làm “Môn”, tức “Vô môn” là môn đấy.

Từ trước đến nay, Thiền tông Vô môn quan đã cùng Bích Nham Lục và Thung dung lục thịnh hành trong chốn thiền lâm. Riêng tông Lâm Tế lại đặc biệt liệt sách này vào chánh hệ, nên hết sức trọng dụng.

Sách này được ấn hành vào năm đầu niên hiệu Thiệu Định đời Nam Tống (1228) và được trùng san vào năm thứ 5 niên hiệu Thuần Hựu (1245). (Cũng có thuyết nói năm thứ 3 niên hiệu Thuần Hựu). Riêng ở Nhật Bản thì mãi đến năm thứ 12 niên hiệu Ứng Vĩnh (1405) mới có phúc khắc bản. Về sau thì tại Trung Quốc cũng đã có thêm mấy lần trùng san.

Nội dung sách ngoại trừ 48 tắc công án ra còn có bài tựa của Tập Am Trần Huân đặt ở đầu sách. Đầu sách cũng có ghi biểu văn, tự tự và đề hiệu của Tuệ (Huệ) Khai viết năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Định. Cuối sách có lời hậu tự, vào năm đầu niên hiệu Thiệu Định cùng với các lời bạt của các ông Vô Lượng Tông Thọ, An Vãn, bài Thiền Châm, bài Hoàng Long Tam Quan và tắc thứ 49 do Vô Am truy tìm thêm vào.

Tiếp theo đây, chúng tôi được sự đồng ý của Tiến sĩ Thích Nhật Từ, xin trích một phần bài viết của sư trình bày ý nghĩa cốt lõi của Vô môn quan:

... 48 tắc công án trong tác phẩm này vốn được tập đại thành từ nhiều điển tích Thiền và sách Thiền khác nhau, giới thiệu một cách bao quát các cảnh huống phương tiện dẫn đến khai ngộ bằng phương pháp quán chiếu về thực tại hiện tiền. Vì tính chất quan trọng và giá trị khai phóng tâm cho hành giả, các công án này đã trở thành điển tích Thiền khá quen thuộc với lịch sử Thiền tông.

Lời bình giải của thiền sư Tuệ Khai có thể xem là cẩm nang thiền lý sâu sắc về các công án được giới thiệu trong Vô môn quan. Có nhiều lời bình giải rất cô đọng và súc tích, nhưng toát lên được tuệ giác của một hành giả có kinh nghiệm hướng dẫn tâm linh thiền cho người thực tập.

Các bài kệ tụng trong Vô môn quan mang hai phong cách khác nhau, tùy theo bản chất của từng công án. Một số kệ tụng mang phong cách “trùng tụng” tức tóm tắt nội dung của tắc công án bằng một bài thi kệ súc tích, với chức năng hỗ trợ cho hành giả tập trung vào cốt lõi của thiền lý trong tắc công án. Một số kệ tụng mang tính “trực chỉ” rất cao, không nhất thiết tóm tắt hay liên hệ đến nội dung công án. Có nhiều kệ tụng có giá trị như một “công án mới”, theo nghĩa độc lập nội dung với công án nguyên tác được nêu ra.

Đóng góp của ngài Tuệ Khai không chỉ đơn thuần ở việc tuyển soạn các công án đặc sắc, gây ảnh hưởng lớn trong lịch sử phát triển Thiền tông Trung Quốc, đặc biệt là tông Lâm Tế, mà còn ở chỗ ngài đã cung cấp cho hành giả Thiền tông những lời “khai thị” giản dị nhưng mang tính “điểm tâm” rất nghệ thuật.

Điều quan trọng hơn là, ngài Tuệ Khai không bao giờ có ảo tưởng nâng những lời bình giải của mình về các công án trong quá khứ là “cánh cửa giải thoát” bằng cách xác quyết rằng đó không phải là cánh cửa hay pháp môn tuyệt đối. Ngay cả bản thân của các công án được giới thiệu trong tuyển tập này cũng không nên quan niệm là cánh cửa. Quan niệm về cánh cửa vào đạo tuyệt đối đã sai lầm ngay cách thức trí óc nhị nguyên của con người đặt vấn đề và lý sự về nó. Thông điệp quan trọng của “Vô môn quan” là nhằm nhắc nhở hành giả hãy thể nhập đạo thiền bằng trực tâm để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau.

“Vô môn quan” có hai nghĩa. Theo nghĩa chơi chữ, “Vô môn quan” (chữ Vô môn viết hoa) là cái cánh cửa thiền lý của Vô môn (Tuệ Khai), tác giả của sách “Thiền tông Vô môn quan”, tuyển chọn từ tinh hoa thiền thư. Theo nghĩa ngữ cảnh, “Vô môn quan” (vô môn viết thường) là “cái cửa ải không có lối vào”. Yêu cầu của cuộc chơi “ải không cửa” của ngài Tuệ Khai rất cao. Nếu hành giả nào vượt qua được “ải không cửa” thì người đó đã xem thường Vô Môn Tuệ Khai (Nhược thấu đắc Vô môn quan, tảo thị độn trí Vô môn). Nhưng nếu không vượt qua được “ải không cửa” thì hành giả đã cô phụ và hạ thấp chính mình (Nhược bất thấu đắc vô môn quan, diệc nãi cô phụ tự kỷ). Không vượt qua được cái “ải không cửa” như rơi vào ma trận của chữ nghĩa, chắc chắn sẽ hỏng. Vượt qua được “ải không cửa” thì phỏng có giá trị gì, khi điều đó đã làm cho Thiền sư Vô Môn trở nên bị độn trí? Trong ma trận chữ nghĩa hay vô ngôn này, vấn đề trọng tâm không nằm ở chỗ vượt qua hay không vượt qua được cái ải không cửa, mà chính là thấu hiểu được bản chất ma trận của cái ải không cửa mà thôi. Thấu hiểu được rồi thì ra vào tự tại, đến đi thong dong, không bị vướng víu, không bị câu thúc, thể và dụng không hai, lý và sự viên dung, cửa và không cửa tương tức.

Trên bản chất, các công án Thiền tông Trung Quốc là các cửa ải (quan). Nếu hành giả bám vào cửa ải như bản thân chân lý, hành giả sẽ không có cửa để vào (vô môn). Cái ải của ý thức nhị nguyên thông qua sự nhào nắn của tâm vọng tưởng và hý luận đã làm cho con đường vào cửa giác ngộ đã bị bịt lối. Buông rơi cửa ngõ có thể bị lạc mất đường vào. Nhưng khi nhào bám vào cửa thì cửa bị nghẽn bít. “Lỗi và phải” không nằm ở cửa hay không cửa, mà nằm ở chỗ hữu trước hay vô trước vào cái “ải không cửa” mà ra.

Trong cái “ải không cửa” của Thiền, mọi giả định, quy nạp, loại suy và tổng hợp của óc phân tích trở nên rối  rắm và trói buộc. Phủ định thì rơi vào đoạn kiến. Khẳng định lại rơi vào thường kiến. Thường hay đoạn thì cái nào cũng chấp cả. Hễ chấp thì không còn cửa để vào!

Trong cái ải không cửa của Thiền, nhiều hành giả càng nỗ lực chạy qua thì càng bị vấp té; càng gắng sức bám vào thì bị văng ra. Cái ải không cửa này tuy không có lính gác và miễn hộ chiếu xuất nhập cảnh nhưng không phải ai cũng có thể đi lọt qua dễ dàng! Khi ý thức vừa ngẩng đầu lên thì cái không cửa đó đã trở thành vòng kim cô siết chặt. Khi ý thức gắng gượng đòi tách ly thì ải không cửa trở thành ổ khóa. Ý thức về cửa ngõ đã làm cho nhiều thế hệ hành giả quên mất đường về chân tâm thường trú, mải mê với biết bao hý luận ven đường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày