Vô thường là bình thường

GN - Ngày tôi hay tin V. - con cô Thanh (một bạn đạo lớn tuổi của mình) mất, tôi không tin, vì cậu ấy còn trẻ quá, mới 27 tuổi.

Điều tôi lo hơn nữa, V. là con trai duy nhất của cô, được đầu tư cho đi học ở nước ngoài. V. mất khi khóa học còn vài năm, với bao dự định xa hơn, như học lên tiến sĩ. Làm sao cô Thanh có thể chịu nổi nỗi đau mất mát này...

Anh Pyxabay.jpg
 Tất cả pháp hữu vi/ Như mộng huyễn bào ảnh/ Như sương, cũng như chớp/ Phải nên quán như thế - Ảnh minh họa: Pyxabay

Sống với vô thường

Tôi tất tả đến thăm cô khi gia đình chưa thể đưa V. về nước vì còn nhiều thủ tục, hoặc vận chuyển thi thể về hoặc thiêu rồi đem di cốt. Cô tiếp tôi, có buồn, tất nhiên, nhưng cô không khóc hoặc suy sụp theo hướng quá đau thương. Cô nói “Tội em, còn trẻ mà đi sớm”. Rồi cô và người thân lại bàn bạc chuyện hậu sự cho V. Quyết định được đưa ra, là cô chú sẽ bay sang Nhật - nơi V. học và tử nạn đột ngột do đột quỵ, trước đó cậu ấy có bệnh tim và hơi thừa cân. “Cô chú sẽ qua đó để làm các thủ tục hỏa thiêu V., xong đưa về quê làm đám, sau đó gửi di cốt em vô chùa”, cô kết luận.

Mọi việc cho chuyến đi nhanh chóng được triển khai, cô chú lên đường, không phải để chào mừng ngày V. học xong, nhận bằng tốt nghiệp, mà để nhận thi thể, hỏa thiêu trước khi đưa về nước. Có nỗi đau nào hơn? Tôi tự hỏi, dường như tôi có cảm giác đau khi đặt mình vào hoàn cảnh của cô. Tôi không ngăn được nước mắt nhưng không dám khóc trước mặt cô.

Rồi việc đưa di cốt V. cũng được diễn ra sau hơn 10 ngày cô chú sang Nhật, trong một chuyến bay đặc biệt, bất ngờ. Lễ tang tại quê nhà diễn ra như bao lễ tang khác, đầy sẻ chia cho sự mất mát của gia đình.

Cô đã không khóc vì muốn “để V. ra đi an lòng”. Từ bao giờ cô đã hiểu “sống-chết vốn là điều tất yếu của cuộc đời này, có ai sinh ra mà không chết”, và “cuộc sống là vô thường, luôn có những bất trắc xảy ra, không lúc này thì lúc khác chúng ta phải đón nhận”. Cô nói như đã từng nói với tôi những lúc còn chưa đón nhận hung tin. Tôi biết, giữa nói và đối diện sự thật về vô thường ở cô không khác, cô đã nói đi đôi với làm.

Không phải cô không thương con. Có người mẹ người cha nào không thương con, nhất là khi chỉ có duy nhất một người con. Với người Việt, đa phần đều xem con cái là tương lai của mình, nên con không còn có nghĩa là đoạn mất tương lai, hy vọng. “Lá vàng chưa rụng, lá xanh đã rụng rồi” là cách người xưa ví von về sự mất mát của những ông bà, cha mẹ, phải chứng kiến nỗi đau mất con cháu. Nếu không có sự chuẩn bị cho điều này, ta sẽ khó chấp nhận. Chuẩn bị không có nghĩa là nghĩ về rồi sợ hãi, lo lắng, mà là biết rõ khả năng có thể xảy đến, và nếu điều đó đến với mình ta sẽ làm gì?

“Cô chú đã tự hỏi điều đó nhiều lần kể từ khi học sống với vô thường”, cô nói. Thực sự, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra đều đặn, theo một trình tự nhất định - lá vàng rụng rồi tới lá xanh vàng mới rụng sau. Nhiều người cho rằng, chuẩn bị cho những tình huống xấu là không tốt, trong quan niệm dị đoan của người phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, đó là điều kiêng kỵ. Nhưng, thực chất, đó là cách giúp chúng ta tiệm cận với sự thật cuộc sống hơn. Đó chính là tiệm cận với sự thực “vô thường”. Nhiều người vẫn nghĩ, vô thường chỉ có mất mát, nỗi đau, nhưng thực ra, vô thường còn là từ nỗi đau đi ra, tìm lại hạnh phúc, niềm tin đã vỡ trước đó.

Trong quan niệm của mình, cô Thanh tin vào sự luân hồi nên việc mất đi của một ai đó, theo cô “họ thay lớp áo cũ, đã mục để tiếp tục sống với một hình tướng tốt hơn, khỏe hơn”. Tôi chưa chứng nghiệm được việc “thay áo” đó nhưng cảm nhận rằng, niềm tin ấy giúp mình bình yên hơn khi đối diện với cái chết, với những biểu hiện vô thường theo hướng mất mát.

Nhìn kỹ để bước qua

Con người ta luôn sợ cái chết và mất mát, thậm chí cả khi nó chưa đến với mình. Vì thế, dễ bấn loạn hoặc đánh rơi bình an ngay khi đang sống trong vùng an toàn. Những ngày cuối tháng 7-2020, dịch bệnh Covid-19 đã bùng lên ở Đà Nẵng sau đó lan ra tới 15 tỉnh thành, đến nay vẫn chưa biết nguồn lây. Tình hình dịch bệnh phức tạp và nguy hiểm, đến nay, 14-9, Việt Nam có 1.063 ca nhiễm Covid-19, 35 bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, việc lo lắng, sợ hãi thái quá cho bệnh dịch lại là điều mà nhiều người mắc phải, khiến chất lượng sống của mình giảm xuống.

Rối loạn lo âu (anxiety disorders) là một triệu chứng bệnh lý được nhắc đến trong y khoa. Theo đó, có đến 11 biểu hiện của bệnh này như lo lắng nhiều quá, bồn chồn, dễ bị kích động, dễ bị cáu gắt, khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, có những nỗi sợ không giải thích được, hoảng loạn… Nguyên nhân của chứng rối loạn lo âu bắt nguồn từ việc người ta không dám chấp nhận những sự thật về những “bất như ý” của cuộc sống. Lẽ ra, con người cần được học điều này kỹ càng hơn để có thể sống nhẹ nhàng nhất có thể, nhưng vì kiêng kỵ, không ai nhắc tới.

Sống với vô thường khi đó không hề là bi quan, ngược lại rất tích cực. Người sống với vô thường sẽ bản lĩnh hơn khi đối diện với bất như ý, đồng thời tư duy tích cực hơn khi những bất như ý đến. Cụ thể, ví dụ, khi dịch bệnh xảy ra, họ sẽ không sợ và còn nghĩ đến: rồi đây, sớm muộn gì nó cũng sẽ qua đi. Điều quan trọng là lúc này mình cần làm gì để sống chung, vượt qua tình trạng này một cách tốt nhất.

Lúc dịch bắt đầu trở lại TP.Đà Nẵng, khi 80.000 người du lịch ở đây đang lo lắng di tản, nhiều người khác còn trốn cách ly trong khi đang ở trong tâm dịch. Họ lo sợ, cũng phải, nhưng giá như họ bình tĩnh hơn để xem nên làm gì tốt nhất lúc này. Cách ly có phải là nguy hiểm không? Nếu hiểu, họ sẽ thấy đó mới là an toàn, cho mình và cộng đồng, vì từ đó nếu có bệnh sẽ được điều trị kịp thời, cũng như không bị lây lan cho mọi người. Nỗi sợ hãi đã che mờ lý trí khiến họ hành động tồi tệ hơn, như trốn cách ly hoặc khai báo y tế không trung thực. Hành động này nuôi dưỡng mầm bệnh (nếu có) và tăng nguy cơ lây nhiễm theo hướng mất kiểm soát.

Với người học thiền, ai cũng nắm được ý nghĩa của câu “chiến thắng lớn nhất là chiến thắng chính mình”. Bởi vì, trong mình luôn có những giới hạn và nỗi sợ. Tôi không thể (làm cái này, cái nọ), tôi sợ (điều này, điều kia)… đã đóng khung bản thân mình lại.

Có lẽ câu hỏi, tôi nên làm gì tốt nhất trong lúc này (hiện tại mà tôi đang trải qua) là chìa khóa giúp mình tháo gỡ những nỗi sợ - bức tường ngăn mình đi về phía bình an hơn.

Thêm nữa, cần quán niệm lời Phật dạy, “cái gì có tướng là hư hoại”, như trong kinh Kim cang, Ngài nhắc:

 Tất cả pháp hữu vi,
 Như mộng huyễn bào ảnh,
 Như sương, cũng như chớp,

 Phải nên quán như thế.

Còn Đức Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ thì dạy nhìn mọi thứ như mộng, như đám sương mù, có đó rồi tan biến:

Gá thân mộng, dạo cảnh mộng,
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng,

Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.

Thực sự, tất cả những lời dạy ấy vô cùng giá trị. Tất nhiên, để sống được như thế không dễ nếu sự thực tập của mình hời hợt, yếu kém. Tôi đã âm thầm cảm ơn cô Thanh vì đã đón nhận nỗi đau một cách bình thường, để con trai cô yên lòng. Và nói như cô “cũng là để không tạo thêm mất mát nào nữa từ mất mát đã xảy ra”. Cô vẫn còn ba mẹ già, họ cần cô - một người con khỏe mạnh để chăm lo, tựa nương trong khi bóng xế.

Tôi tin, giữ được sự bình thường trước vô thường, để hành xử đúng đắn thì mình đã có đóng góp rất lớn cho cuộc đời, trước mắt cho cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn phức tạp hiện nay. Nghĩ thế, trước khi viết bài này, tôi đã bốc máy gọi cho má và con trai ở quê nhà Quảng Nam, rồi dặn dò: “Má đừng lo quá, nhớ theo dõi tình hình dịch và ở yên nghen”…

Lưu Đình Long / Báo Giác Ngộ số 1066

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày