HT.Thích Thiện Bảo nói về "cúng sao giải hạn"

Cúng sao giải hạn đã thành một cái lệ phổ biến tại nhiều chùa trong Nam ngoài Bắc vào dịp đầu năm. Không bàn chuyện đúng - sai, Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của người trong cuộc về thông tục này từ góc độ văn hóa.

'Cúng sao giải hạn không phải là văn hóa Phật giáo'
Hàng trăm người chen nhau cúng vái, dâng lễ ở phủ Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Hòa thượng Thích Thiện Bảo - phó ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng ban thông tin - truyền thông Phật giáo TP.HCM - cho biết:

- Việc cúng sao giải hạn không phải là văn hóa Phật giáo. Đây là theo tập tục dân gian vốn có từ thời xưa, khi mà con người cảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, bị đủ loại bệnh hoạn mà chưa tìm ra thuốc chữa, rồi cho là vì các vị thần trừng phạt nên sợ sệt mà tưởng tượng ra - từ thần Sấm, thần Sét, thần Cây Đa, Cây Đề, thần Hổ, thần Rắn, thần Núi, thần Sông...

Đạo Phật chủ trương con người là chủ nhân quyết định vận mệnh chính mình, theo đó, Đức Phật dạy: “Không ai làm cho chúng ta thanh tịnh, không ai làm cho chúng ta ô uế, chính chúng ta làm cho chúng ta thanh tịnh và cũng chính chúng ta làm cho chúng ta ô uế”. Cho nên việc cúng sao giải hạn hoàn toàn không phù hợp giáo lý truyền thống của đạo Phật.

Trong kinh Di giáo của nhà Phật, trước khi Đức Phật nhập niết bàn, Ngài cũng dạy người đệ tử Phật nên tránh không được xem tướng lành dữ, nhìn sao trên trời để suy lường vận mệnh nên hư. Những việc xem ngày giờ tốt xấu đều chẳng nên làm...

Trong Trường bộ kinh, Đức Phật cũng khuyên các tu sĩ - những người đã thọ dụng sự cúng dường của tín thí phật tử - không nên thực hành những tà hạnh như “chiêm tinh, chiêm tướng, đoán số mạng, xem địa lý, xem mặt trăng, mặt trời, các sao mọc lặn, sáng mờ... sắp đặt ngày lành để đưa (rước) dâu hay rể về nhà, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước...”.

'Cúng sao giải hạn không phải là văn hóa Phật giáo'
Hòa thượng Thích Thiện Bảo - Ảnh: NVCC

Theo tôi biết, phần lớn những ngôi chùa thường hướng dẫn phật tử cầu an đầu năm - xem như ước nguyện một sự tốt đẹp trong năm mới; bên cạnh còn một số chùa tổ chức dâng sao giải hạn.

Chùa nào giữ thói quen đó sẽ tạo sự mê mờ cho người phật tử và cũng làm cho những người chưa hiểu đạo Phật chê trách Phật giáo là mê tín dị đoan - làm ảnh hưởng tinh thần trong sáng của đạo Phật.

Thực ra, sự bình an hạnh phúc phải do con người tạo dựng trên tinh thần mỗi người hãy thực hiện nếp sống tốt trong suy nghĩ, hành động mà Đức Phật dạy: “Nguyện bỏ các việc ác, làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch”.

Nếu ta đi cúng sao giải hạn nhưng trong năm chúng ta lại đi làm những chuyện không tốt, trộm cắp, tham nhũng, móc ngoặc, mua gian bán lận, đánh nhau, vi phạm những đạo đức xã hội... thì chắc chắn chúng ta sẽ bị luật pháp trừng trị - dính vào lao lý, có là năm tốt, sao tốt (theo tử vi) cũng thành sao xấu, có cúng vái cầu xin cũng không có kết quả.

Như vậy năm tốt, năm xấu, sao tốt, sao xấu không có cơ sở, chỉ là do con người bày ra mà thôi. Một câu có thể đem đến bình an hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình là “Phàm làm việc gì hãy nghĩ đến hậu quả của nó”.

Ước nguyện của con người mãi mãi là những ước nguyện tốt, nhưng ước nguyện đó phải được thể hiện đi đôi qua việc làm, ứng xử trong đời sống mới có kết quả tốt, dù chúng ta không cúng sao giải hạn, chúng ta vẫn có sự thanh thản bình an trước cuộc sống của đời mình.

'Cúng sao giải hạn không phải là văn hóa Phật giáo'
Người dân, du khách viếng cảnh chùa Già Lam (Q. Gò Vấp, TP.HCM) dịp đầu năm - Ảnh: CẦM PHAN

Tôi cho rằng ngày đầu năm là một dịp để mọi người có thể đi lễ Phật, vãng cảnh chùa như một cách thư giãn - hướng về tâm linh, làm cho tâm mình trong sáng, thanh thản, nhẹ nhàng.

Từ đó, bao lo toan phiền lụy của một năm được buông bỏ, nhìn cây cỏ hoa lá chúng ta nhận ra có sự đổi thay và chính sự đổi thay của thiên nhiên cũng là sự đổi thay của chính chúng ta hòa cùng vạn vật đất trời.

Tâm ta sáng trong hơn, công việc, cuộc sống cũng sẽ tốt hơn, tươi tắn hơn, may mắn hơn trong năm mới. Ước nguyện đầy linh thiêng mầu nhiệm đó chúng ta hãy dâng lên các vị tổ tiên ông bà..., chúng ta sẽ có một năm mới đầy bình an, hạnh phúc.

Lưu Đình Long ghi
(theo Tuổi Trẻ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày