Xả chấp

Xả chấp được giải thoát. Xả chấp là tùy duyên...
Xả chấp được giải thoát. Xả chấp là tùy duyên...

GN - Các học giả đã xác nhận Đức Phật là nhà giáo dục đặc thù, khác hơn các nhà giáo dục khác.

Chúng ta coi nhà giáo dục khác là học giả trần gian, mỗi vị nghiên cứu một lãnh vực khác nhau. Nhưng Đức Phật chúng ta đưa ra phương pháp giáo hóa thích hợp với mọi người ở mọi lãnh vực. Chúng ta may mắn được kế thừa sự nghiệp của Đức Phật, nhưng đôi khi chúng lại tự biến mình thành học giả, thành nhà nghiên cứu mang tính cố chấp, định kiến vào một pháp môn mình hành trì. Từ đó, sanh ra các tông phái khác nhau và chống phá nhau, làm Phật giáo suy yếu; đó là sai lầm của người đi trước.

Ở thế kỷ XXI, tôi có cái nhìn theo hướng của Đức Phật, nghĩa là tất cả chúng ta đều là đệ tử Phật, hành trì pháp Phật, không có lý do gì chúng ta lại chống phá nhau. Vì vậy, một số lãnh đạo Phật giáo và tôi chủ trương dung hòa các hệ phái Phật giáo.

Từ góc nhìn này ở hệ Đại thừa, chúng ta có tầm nhìn xuyên suốt các tông phái Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam tuy khác nhau, nhưng đều có mẫu số chung, nên nhìn nhau trong tình huynh đệ được. Và xa hơn, các hệ phái Nam truyền và Kim Cang thừa cũng có mẫu số chung với chúng ta, cũng là Phật giáo. Mở rộng tầm nhìn nữa, thấy Phật giáo tồn tại đều có điểm giống nhau có thể chia sẻ.

Vì vậy, chúng ta có cái nhìn theo Phật và ở thế kỷ chúng ta có thể nói Phật giáo là tôn giáo của thế kỷ XXI và là tôn giáo kế thừa sự nghiệp của Đức Phật.

Thực tế có những học thuyết khác mà chúng ta gọi là ngoại đạo, đầu tiên có 16 học phái ngoại đạo, cho đến 94 ngoại đạo. Ngoại đạo là gì. Ngoại đạo là tôn giáo, nhưng theo cái nhìn của Phật, Ngài thấy tất cả tôn giáo là suy nghĩ, là nhu cầu tâm linh của loài người, của bộ tộc thuộc những quốc gia khác nhau. Hiểu theo Phật như vậy, chúng ta cần suy nghĩ, cân nhắc, không đả phá nhau, là thái độ đúng đắn của người học Phật.

Đức Phật nhận thấy nhu cầu thực sự của các tôn giáo khác và Ngài đưa ra giải pháp hóa giải được bế tắc của họ trên đường đạo, nên đã cảm hóa họ về với Phật.

Khi Phật chưa đắc đạo, tức còn định kiến và cố chấp, nên năm anh em Kiều Trần Như lúc bấy giờ là bạn đồng hành cùng dòng họ Sakya, nhưng họ cũng không chấp nhận Ngài. Đó là bài học của Phật và của chúng ta. Ngài đã nhận ra sai lầm này và hóa giải được định kiến của họ, nên họ chấp nhận đi theo con đường Phật dạy.

Thật vậy, Phật dạy Tứ Thánh đế là vị thuốc đầu tiên mà Phật đưa cho những người bạn cố chấp này. Chính vì cố chấp, họ tự hành hạ tinh thần và thể xác, nên không đạt được kết quả gì trong việc tu hành. Phật mới chỉ dẫn họ phương pháp tháo gỡ cố chấp, định kiến, giúp họ chứng quả A-la-hán, đến Niết-bàn. Nói cách khác, Phật hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của họ và đưa ra pháp thích hợp với họ, họ chấp nhận liền.

Vì vậy, Phật nói thuốc hay, nhưng không đúng bệnh, bệnh nặng hơn dẫn đến tử vong. Nếu biết sử dụng thì cây cỏ dùng hàng ngày cũng chữa được bệnh. Cũng trên tinh thần đó, năm anh em Kiều Trần Như đắc Thánh quả và Phật bảo mỗi người đi một phương để tháo gỡ bế tắc, giúp cho người được an lạc, giải thoát. Đó là mục tiêu của Phật và của chúng ta ngày nay. Thành tựu điều này, chúng ta kế thừa được chân tinh thần của Phật.

Một mình Phật đến thôn Ưu Lầu Tần Loa, gặp Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp là ngoại đạo. Phật nhận thấy ông này và 500 đệ tử theo ông đã làm đủ cách để thu hút, hoặc đe dọa, bắt quần chúng tin theo họ. Đó là định kiến làm Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp và 500 đồ đệ bị bế tắc, cứ nghĩ làm sao kéo người theo và khống chế họ. Họ nuôi rắn hổ mang, ai làm trái lệnh thì cho rắn cắn chết, ai theo thì sống. Người nào lỡ vào tu viện của họ, không dám ra, dở sống dở chết.

Với tuệ giác, Phật thấy tâm trạng của họ đáng thương hại. Ngài dùng giáo pháp thích hợp cảm hóa Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp và 500 ngoại đạo trở về Phật đạo, nghĩa là chuyển hóa họ thành người xả chấp. Cố chấp là ngoại đạo. Xả chấp là Phật giáo.

Ngoại đạo cũng tu, nhưng mang tính cách cố chấp là tự xây dựng ốc đảo cho mình quá kiên cố, giống như con tằm nhả tơ bao vây nó. Phật đã xé kén, tức hóa giải được sự dính mắc của họ, giúp họ được an lạc, giải thoát.

Khi tu theo ngoại đạo, họ làm tất cả để người kính phục, nhưng Phật dạy họ không cần làm như vậy, vì càng dụ dỗ, hoặc đe dọa, khống chế, càng làm người ta sợ và tránh xa. Họ nghe lời Phật, buông bỏ mọi thủ đoạn, liền được điều khó nhất là giải thoát.

Phật nói Ngài làm thái tử được hầu hạ đủ thứ, nhưng Ngài đã làm Sa-môn để xả chấp. Ta học Phật là học hạnh xả chấp.

Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp lãnh đạo 500 đồ chúng và được Bình Sa vương coi là Quốc sư. Mọi việc trong triều, vua đều thỉnh ý ông, nhưng làm Quốc sư hiến kế nhiều cách, đến lúc suy nghĩ cạn nguồn, không có giải pháp chính trị thích hợp, thì vai trò cố vấn của Quốc sư sẽ thế nào.

Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp nghe Phật, liền bỏ vai trò Quốc sư, trở lại đời sống Sa-môn không có gì trong tay, mới học được pháp Phật và thâm nhập Phật huệ là con đường giải thoát.

Riêng tôi, nhờ sống với pháp Phật, giúp cho mối quan hệ của tôi và các nhà tôn giáo thế giới tốt đẹp. Vì vậy, tôi muốn nhắc Tăng Ni học các bộ kinh để ứng dụng lợi lạc vào cuộc sống, không nên cố chấp, vì cố chấp là phiền não liền. Đó là kinh nghiệm hơn 60 năm hành đạo của tôi.

Xả chấp được giải thoát. Xả chấp là tùy duyên, ở thời đại này, ở chỗ này, thì dùng giáo pháp nào thích hợp cho người. Đức Phật giáo hóa chỉ nhằm làm cho người được giải thoát, không phải Phật buộc họ theo làm đệ tử. Thấy họ vướng mắc điều gì, Ngài tháo gỡ việc đó, bệnh gì thì Phật dùng thuốc thích hợp giúp họ khỏi bệnh.

Một đời giáo hóa của Đức Phật, Ngài đã để lại tủ thuốc gia truyền. Ngài là Đại lương y. Nếu nghiên cứu toàn bộ tủ thuốc mới có thể cho thuốc đúng. Còn cố chấp một thứ thuốc gia truyền, thí dụ thuốc đau bụng đem cho mọi người uống, họ có được lành bệnh, an lạc hay không.

Cố chấp bắt buộc người theo là sai lầm lớn. Đối với tôi, từ kinh Nguyên thủy cho đến kinh Đại thừa, tôi đọc và ứng dụng được, giúp tuệ quán sanh ra. Nghĩa là nhận thấy đối tượng cần dùng pháp gì thì cho thuốc đó, họ hết gút mắc, hết phiền muộn và sau đó, con đường đi tới là của họ, không phải của ta.

Người ở tôn giáo khác, nhưng ứng dụng được pháp của Phật thì cứ dùng. Tôi gặp Hồng y Phạm Minh Mẫn, ông cho biết ông thường ứng dụng Thiền quán của đạo Phật. Nhưng nếu ta nói ông tu thiền là sai. Hay Bác Hồ có thiền, nhưng nói Bác tu đạo Phật cũng không đúng.

Ứng dụng Thiền giúp tâm hồn điềm tĩnh, sáng suốt, để giải quyết việc của họ đúng đắn. Hồng y Phạm Minh Mẫn thiền để giải quyết việc của Tòa Tổng Giám mục. Bác Hồ thiền để giải quyết việc nước ngàn cân treo sợi tóc. Chúng ta tu thiền để tâm linh thăng hoa, được giải thoát thực sự. Vì vậy, người tu không được giải thoát, chưa phải là người tu đạo Phật. Tôi nhắc quý thầy cô ý này.

Từ kinh Nguyên thủy đến kinh điển Đại thừa, tại sao nhiều như vậy. Vì người được Phật giáo hóa khác nhau về suy nghĩ, về cuộc sống, gọi là nghiệp khác, tức bệnh khác, phải sử dụng thuốc khác; đó là điểm quan trọng chúng ta phải nhận biết.

Người được Phật cứu sống, chấp chặt mà nói rằng thuốc họ sử dụng là của Phật trị được bá bệnh. Từ sự cố chấp này, sau khi Phật vào Niết-bàn, mới phân chia tông phái, vì họ sử dụng một thứ thuốc và chỉ biết thuốc này thôi.

Hiện nay, ở thế kỷ XXI, phải có tầm nhìn tổng quát là nhìn Khổ đế và Tập đế. Chúng ta quan sát xã hội ngày nay, thấy mọi người khổ không giống nhau, các quốc gia cũng khổ không giống nhau và các tôn giáo cũng vậy.

Quý thầy cô làm đạo, phải quan sát cái khổ của họ là gì và tại sao họ khổ. Hoặc thấy nỗi khổ của các tôn giáo, của các nhà truyền giáo, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau và cũng thấy cái khổ của giai cấp và từ cái khổ này mà họ có suy nghĩ khác nhau. Thấy đúng như vậy là thấy theo Phật giáo Nguyên thủy. Nếu không thấy nỗi khổ của họ, không thấy nguyên nhân của khổ, ta không thể xóa khổ cho họ.

Chúng ta thường nói có 84.000 pháp tu đối trị 84.000 phiền não trần lao của chúng sanh; thực tế là nhà tu chúng ta phải có tầm nhìn thấy được 84.000 căn bệnh của chúng sanh, nếu không thấy, chúng ta không chữa được bệnh, lại làm bệnh họ nặng thêm.

Vì vậy, cần cố gắng học và thực tập pháp Phật để chúng ta có trí tuệ thực sự mới thấy được xã hội. Kinh Pháp hoa nói rằng Phật thấy từ địa ngục A-tỳ cho đến Trời Sắc cứu cánh, thấy rõ từng hoàn cảnh và thấy đúng như vậy, cứu được người thì sẵn lòng giúp.

Trên bước đường hành đạo, Phật không có sai lầm, nên Ngài giáo hóa người mới không bị hại. Chúng ta thấy còn sai lầm, nên giáo hóa mà mình bị hại.

Như vậy, có nhiều pháp môn tu khác nhau, nhiều bộ kinh khác nhau để đối trị tất cả bệnh của chúng sanh. Kinh Dược Sư cũng vậy, cho chúng ta cái nhìn mới mang dáng dấp siêu hình để chúng ta nhìn thực tế xã hội và nhìn xa hơn.

Nhìn thực tế xã hội chỉ có Tỳ-kheo và Phật tử, chúng ta gọi là có bốn chúng xuất gia và tại gia. Nhưng Phật giáo Nguyên thủy mở tầm nhìn thêm, nếu có thực tập Thiền quán, họ thấy có chư Thiên và nhìn xa nữa, không cố chấp, thấy có Bồ-tát Di Lặc và thấy tiền thân của Phật Thích Ca hành Bồ-tát đạo trong kinh Bổn sanh, Bổn sự. Kinh này ghi những lời thuyết pháp của Phật, cho thấy Phật dùng vô số phương tiện, khi Ngài nói việc mình, khi nói việc của các Đức Phật. Nói việc của Ngài là Ngài khẳng định đã từng tu hạnh này mà được quả này. Giáo hóa của Đức Phật quá đặc sắc, nên người ta khen ngợi Ngài là nhà giáo dục đặc thù. Đôi khi Phật chỉ kể chuyện, nhưng làm cho người nghe được an vui, giải thoát.

Trước kia, Hòa thượng Hộ Giác trước khi giảng pháp, thường kể một đoạn kinh Bổn sanh để người nghe chấp nhận và thực tập được. Hòa thượng Hộ Giác xuất gia theo Nam tông, nhưng khi thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, ngài mặc áo Bắc tông để sống chung hài hòa với chư tôn đức Bắc tông.

Mở rộng tầm nhìn từ Nguyên thủy nhìn lên, cho đến kinh Pháp hoa, theo đó người đắc La-hán mà không tin Đại thừa thì không phải là La-hán, không phải đệ tử Phật.

Hòa thượng Siêu Việt tu theo Nguyên thủy, nói rằng Ngài tin Bồ-tát Di Lặc, nhưng không tin Bồ-tát Quan Âm, Văn Thù…  Tin Di Lặc nghĩa là đã tin Đại thừa. Và trong bảy Đức Phật quá khứ theo Đại thừa, Ngài chỉ tin  Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp và tin trong tương lai, Di Lặc thành Phật. Tin như vậy cũng tốt, nghĩa là tin ngoài Đức Phật Thích Ca cũng có người thành Phật, đó là cái nhìn chính xác. Còn người cố chấp chỉ tin có Phật Thích Ca thôi.

Từ góc nhìn này, tôi chia sẻ kinh Dược Sư với các thầy Nam tông được họ chấp nhận. Thiết nghĩ chúng ta giảng kinh Đại thừa như thế nào để người theo Nguyên thủy, hay Kim Cang thừa cũng chấp nhận.

Thực tế tôi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma rất khéo điểm này mà ta phải học theo. Ngài giảng Kim Cang thừa, nhưng người theo Đại thừa và Nguyên thủy đều chấp nhận, mà cũng không làm mất lòng các tôn giáo khác. Có thể nói Phật giáo ở thế kỷ XXI chính là tôn giáo thực sự mà nhân loại cần đến.

Tôi đã chia sẻ kinh Dược Sư với chư tôn đức thuộc Phật giáo Nguyên thủy. Kinh Đại thừa nhìn về Phật Dược Sư như thế nào. Đương nhiên Phật giáo Nguyên thủy không tin Văn Thù Bồ-tát là không tin có người tên Văn Thù, vì  thực sự đâu có Văn Thù nào trên cuộc đời này. Vì vậy, tôi nói nếu các thầy thực tập 37 trợ đạo phẩm, cuối cùng là tuệ sanh. Quá trình tu từ giới sanh định, từ định sanh huệ. Đầu tiên giữ đức hạnh là tu giới, tập trung tư tưởng là định và cuối cùng sanh trí tuệ.

Vì vậy, tôi không hiểu Văn Thù là con người, nhưng hiểu Văn Thù tiêu biểu cho trí tuệ. Vì do thực tập Thiền quán, trí tuệ tôi sanh, tôi nói trí tuệ này là Văn Thù, kinh Đại thừa gọi là ngũ trí nghiêm thân đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, tức trí Văn Thù bao hàm trí thế gian và trí xuất thế gian. Từ Nhứt thiết trí, đến Đạo chủng trí và Nhứt thiết chủng trí, Văn Thù có đầy đủ.

Kinh Dược Sư nói Văn Thù hỏi Phật về công đức của các Đức Phật, tức Văn Thù là trí tuệ hỏi lại Phật Thích Ca tu thế nào thành Phật và thành Phật rồi, Ngài làm gì; đó là điểm quan trọng nhất của kinh Dược Sư. Và tất cả chúng ta tu theo Phật, đều có câu hỏi này.

Đức Phật trả lời thế nào. Phật không nói Ngài, nhưng giới thiệu Phật Dược Sư. Phật nói rằng từ đây hướng đến phương Đông cách mười muôn ức cõi nước chư Phật, có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly, Giáo chủ cõi này là Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai. Mọi người tôn kính, vì Ngài biết rõ thật tướng các pháp, giải được mọi việc xảy ra trong đời và vượt khó khăn, làm Thầy trời người, là bậc tôn quý. Câu này tôi dịch nghĩa từ mười hiệu của Đức Phật là  “Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn”.

Nếu Phật Thích Ca nói thẳng rằng Ngài có mười hiệu, người ta sẽ nói Ngài chấp ngã. Để giúp mọi người không hiểu lầm, Ngài dùng phương tiện bằng cách giới thiệu Phật Dược Sư có mười hiệu. Nghe vậy, tôi đối chiếu Phật Dược Sư và Phật Thích Ca, thấy hai Ngài giống nhau ở điểm cả hai đều hành Bồ-tát đạo và đều phát đại nguyện. Riêng Phật Dược Sư khi còn tu đạo Bồ-tát, có phát 12 đại nguyện khiến cho hữu tình cầu chi được nấy.

Tóm lại, giáo pháp của Phật xuyên suốt từ kinh Nguyên thủy cho đến kinh diển Đại thừa để thích ứng với từng quốc độ, từng thời kỳ, từng văn hóa của những dân tộc khác nhau theo trí giác của chư vị Tổ sư hoằng truyền Chánh pháp. Nhờ đó, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của Như Lai, dẫn dắt nhân loại vượt qua sông mê biển khổ đến bờ giác ngộ, giải thoát.

Nhận thức vững chãi về tính xuyên suốt của Phật pháp mãi mãi là chất liệu quý báu vô cùng có công năng gắn kết tất cả đệ tử Phật cùng sống hài hòa và mở rộng Phật đạo đến mọi chân trời, xây dựng được thế giới an lạc, hòa bình và phát triển. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày