Xã hội hóa văn hóa Phật giáo

LTS: Tuần Văn hóa Phật giáo - Hội thảo, Bồi dưỡng kiến thức và Hoạt động Văn hóa Phật giáo lần đầu tiên tổ chức tại Nha Trang từ ngày 29-11 đến ngày 5-12-2009 thực sự là một diễn đàn cho văn hóa Phật giáo (VHPG) Việt Nam. Trong suốt thời gian diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề về Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của VHPG. Làm thế nào để phát huy vai trò cùa ngành VHPG đồng thời xã hội hóa VHPG trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung. PV Giác Ngộ đã gặp gỡ và ghi nhận những ý kiến của các vị đại biểu tham dự Hội thảo.

 TT.Thích Minh Hiền, Trưởng ban Văn hóa THPG TP.Hà Nội: "Xây dựng nền VHPG đậm đà bản sắc dân tộc.|

Hà Nội là trái tim của Tổ quốc, không những trong hiện tại, mà đã kéo dài cả nghìn năm. Cụ thể là từ thời điểm Lý Công Uẩn dời đô từ vùng rừng núi Hoa Lư về thành Đại La, dựng nên kinh đô Thăng Long cho muôn đời con cháu Việt Nam, mà sắp tới cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Và cũng từ đó VHPG được chọn để làm bộ mặt cho văn hóa thủ đô. Chính sự lựa chọn này đã đem dân tộc ta đến vinh quang chói lọi trong dòng chảy bất tận của văn hóa nhân loại, mà điển hình là triều đại Lý, Trần - đỉnh cao của văn minh Đại Việt - văn minh Phật giáo.

vanhoa-1.gif

Ngày nay, VHPG vẫn còn in đậm trong lòng thủ đô qua những lễ hội Phật giáo, dân gian, qua những mái chùa rêu phong cổ kính, qua những bậc cao tăng, quốc sư mà quần chúng thờ phụng, qua lối sống nhân ái nghĩa tình thủy chung của người dân thủ đô. Nhưng nói một cách chân thành thì những cái đó ta thừa hưởng, chứ không phải là người tạo dựng. Đây là điểm mà ngành VHPG Hà Nội rất trăn trở. Thành tích của quá khứ thì huy hoàng xán lạn mà hiện tại chúng ta như đang lãng quên. Nên trong định hướng sắp tới,  ngành VHPG Hà Nội nói riêng sẽ cố gắng khôi phục lại những nét đặc sắc đã mất lần qua thời gian, hoặc bị biến tướng, đặc biệt là các lễ hội văn hóa dân gian. Chùa cổ cũng là một đặc điểm nổi bật của Hà Nội. Rất nhiều di tích đã được xếp hạng, nhưng đến nay chúng ta cũng chỉ dừng lại ở đó. Sắp tới, những kiệt tác kiến trúc này sẽ được giới thiệu rộng rãi đến quần chúng, cũng như bạn bè quốc tế như là những di sản rất Việt Nam .

TS.Nguyễn Thuyết Phong, Danh nhân Di sản quốc gia Hoa Kỳ: "Xã hội hóa âm nhạc Phật giáo"

Âm nhạc là một thực thể được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, hiểu khác nhau. Đối với âm nhạc truyền thống Phật giáo Việt Nam đây là một kho tàng vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị nhân văn sâu sắc. Đạo Phật đến với Việt Nam rất sớm, từ thời Hùng Vương khoảng từ thế kỷ thứ I, thứ II. Đạo Phật đi đến đâu như nước thấm vào đất, hòa vào dân tộc Việt như hình với bóng. Vai trò của Tăng, Ni đối với đạo Phật rất quan trọng. Tăng đoàn chính là những nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Phật giáo, là nghệ sĩ sáng tác đồng thời cũng là nghệ sĩ biểu diễn. Thanh nhạc và khí nhạc của âm nhạc Phật giáo Việt Nam có nhiều loại nào chuông, mõ, khánh, trống, ốc,  tang, bản mộc, đại hồng chung… mỗi loại đều tạo một âm thanh trầm hùng thoát tục. Có thể  xếp âm nhạc Phật giáo qua các loại hình như: Tụng, Trì, Niệm, Tán, Sám pháp, Bạch, Thỉnh, Xướng, Kệ, Đọc. Tụng kinh Di Đà khác với trì chú Đại Bi, niệm Phật cũng khác với kệ chuông. Tán lại hoàn toàn khác với xướng. Đọc sớ cũng khác với thỉnh, tác bạch khác với thỉnh v.v… mỗi thể loại khác nhau, không thể loại nào giống thể loại nào.

Âm nhạc Phật giáo Việt Nam lại có nhiều nốt, nhiều âm đậm đà bản sắc dân tộc và rất đa dạng mang yếu tố địa phương, rất phong phú. Tán của miền Bắc khác với tán miền Trung và miền Nam . Tán tan năm, lại khác với tán tan sáu, và cũng khác phạm lễ, tán tẩu.

Qua đây, tôi cũng có những ý đề xuất rằng: Phật giáo Việt Nam phải biết trân quý những giá trị di sản của mình, trong đó âm nhạc Phật giáo là một trong những yếu tố cần quan tâm. Xã hội hóa âm nhạc Phật giáo là điều hết sức cần thiết. Mặt khác, Phật giáo Việt Nam nên thiết lập, sưu tập toàn bộ âm nhạc Phật giáo từ các vùng miền khác nhau trên cả nước và quốc tế. Đưa âm nhạc Phật giáo vào học đường, nhất là các trường Phật học. Công tác  bảo tồn và phát huy truyền thống âm nhạc Phật giáo cũng cần đặt ra ngay từ bây giờ.

GS.TS Thái Kim Lan, Đại học Ludwig - Đức: "VHPG lấy giáo lý Đức Phật làm nền tảng"

VHPG Việt Nam là nền văn hóa lấy giáo lý Đức Phật làm trung tâm. Những gì xảy ra trên đất nước Việt Nam , cho con người Việt Nam , cho xã hội Việt Nam , cho lịch sử Việt Nam ... đều có liên quan đến VHPG Việt Nam . Cụ thể, nếu ta lấy sự truyền bá Phật giáo vào Việt Nam cách đây 2.000 năm thì đồng nghĩa với ta có chừng ấy năm VHPG Việt Nam . Do đó, VHPG  là nền tảng của văn hóa Việt Nam . Tôi nói nền tảng bởi vì nó là cơ sở để người Việt tồn tại và phát triển trên phương diện quốc gia, dân tộc, tư tưởng. Chúng ta biết sự kiện 1.000 năm đô hộ giặc Tàu. Sự đô hộ tất nhiên diễn ra trên tất cả mọi phương diện, nhưng nặng nề nhất là ở tư tưởng. Trung Quốc đã dùng Nho giáo để khống chế tư tưởng dân tộc ta cho mục đích đồng hóa, và dân tộc ta nhờ Phật giáo để đề kháng lại.

vanhoa-2.gif

Đạo đức xã hội đang xuống cấp đến mức báo động qua các thông tin đại chúng hàng ngày, trong khi Phật giáo có một kho tàng đạo đức đồ sộ được kiểm định chất lượng qua lịch sử dân tộc. Đây là thời điểm thích hợp để PGVN thực hiện vai trò xã hội hóa VHPG của mình để bình ổn nền đạo đức đang bị xuống cấp trầm trọng như hiện nay. Mặt khác, Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập. Hội nhập là để thế giới thấy được cái hay cái đẹp của Việt Nam , và học hỏi người ta để nâng cao văn hóa nước mình, chứ không phải chìm nghỉm trong bể mênh mông của văn hóa nhân loại. Ở đây, theo tôi, VHPG qua thời gian đã thấm nhuần trong phong tục, tập quán, trong tâm tư, tình cảm... đây là điểm rất quan trọng mà ngành VHPG nói riêng, GHPGVN nói chung phải nắm thật chặt để vun đắp cho cội nguồn văn hóa Việt. Nếu làm được như thế sẽ là một đóng góp vĩ đại nữa của Phật giáo cho dân tộc trong thời đại mới.

KTS.Nguyễn Hữu Thái: "Ý thức bảo tồn, trùng tu di tích VHPG"

Trong nguồn sống VHPG Việt Nam , di sản vật thể chùa chiền rất phong phú. Nét đẹp đó toát lên như những giá trị được kết tinh từ sâu thẳm của nguồn sống hoàn mỹ nội tâm “Thành ư trung hiện hình ư ngoại”. Mái chùa ẩn hiện khắp mọi thôn xóm Việt Nam , tạo nên linh hồn sống dân tộc. Chùa Việt là di sản có giá trị văn hóa nghìn năm cần được bảo tồn và phát huy. Trước sự tác động của thời gian và đặc biệt là sự tác động của con người thiếu ý thức tích cực đã dẫn đến những di sản văn hóa vật thể bị xâm hoại và tàn phế một cách đáng báo động.

Khái niệm di tích lịch sử phải bao hàm cả khung cảnh có chứng tích của một nền văn minh riêng, và một sự kiện lịch sử. Bảo tồn và trùng tu di tích là nhằm mục đích giữ gìn, bảo vệ các di tích. Điều chủ yếu đối với việc bảo tồn di tích là làm cho di tích đó được duy trì lâu bền. Bảo tồn di tích luôn được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách sử dụng những di tích đó vào một mục đích hữu ích cho xã hội, song không được biến đổi bố cục hoặc trang trí của công trình. Bảo tồn di tích bao hàm bảo tồn cả khung cảnh nằm trong phạm vi liên quan tới di tích. Một di tích không thể tách rời khỏi lịch sử và khung cảnh mà nó toạ lạc. Việc di chuyển di tích là không được phép, trừ phi vì lý do xác thực, vì lợi ích hết sức quan trọng nào đó của quốc gia. Tiến trình trùng tu là một thao tác có tính chuyên môn cao. Ở đâu mà kỹ thuật truyền thống tỏ ra bất cập thì để đảm bảo việc gia cố di tích ở chỗ đó, có thể dùng mọi kỹ thuật hiện đại về bảo tồn và xây dựng. Mặt khác, những phần đóng góp có giá trị ở mọi thời kỳ vào việc xây dựng di tích cần phải được tôn trọng. Khi một công trình xây dựng bao gồm nhiều khoảnh chồng lên nhau của những thời kỳ khác nhau, thì việc bóc gỡ để làm lộ ra một khoảnh bên dưới phải được biện minh xác đáng, phải tính toán đầy đủ để minh xác cho việc bóc gỡ. Đó là quyết định của cả một cơ quan khoa học. Những bộ phận dùng để thay thế vào những chỗ trống phải hài hòa với tổng thể, đồng thời phải phân biệt được với phần nguyên gốc. Các phần xây đắp thêm chỉ được chấp nhận ở mức độ chúng vẫn tôn trọng các bộ phận độc đáo khung cảnh truyền thống, tính cân đối về bố cục của tòa kiến trúc.

NNC.Trần Định Sơn, Phó ban Văn hóa TƯGH: "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Phật giáo"

Trong xã hội phát triển, sự đa dạng cổng thông tin có được trên toàn cầu ảnh hưởng khá nhiều mặt đến với đời sống con người hiện nay. Không những chỉ tác động đến đời sống thiếu thốn vật chất mà cả đến hạnh phúc tinh thần. Đặc biệt, những di sản, truyền thống nói lên văn hóa và văn minh của dân tộc cũng dễ bị xói mòn, nếu chúng ta không có ý thức gìn giữ, phát huy và bảo quản.

Trong việc bảo tồn những di sản vật thể Phật giáo, Giáo hội cần có một chính sách hướng dẫn rộng rãi đến với các tự viện, cá nhân, nơi  có những cổ vật, bia ký để hình thành một cổng thông tin chung, nhằm hướng đến một sự bảo quản, nếu không muốn thất thoát. Chúng ta không có những thông tin chung như thế, thì sẽ không ai biết, việc làm đó chỉ mới dừng lại ở việc bảo tồn, chứ nó không mang ý nghĩa phát triển. Cổng thông tin chung ở đây là chúng ta có một sự hướng dẫn thống kê, dĩ nhiên, đừng hiểu rằng di sản đó sẽ bị mất đi, khi thống kê như thế. Luật di sản cũng quy định rất rõ, mọi người có quyền sở hữu những gì mình đang có, mặc dầu đó là di sản mang tính quốc gia, hay tự viện, môn phái. Thống kê để có được thông tin nguồn gốc và nếu cần thì được bảo vệ. Cổ vật có nhiều loại, cổ vật quý hiếm, cổ vật thường. Quý hiếm là cổ vật đó không có nhiều, hoặc không có cái thứ hai. Mặc dầu cổ vật đó thuộc cổ vật quốc gia, nhưng hiện nay chùa đang sở hữu thì vẫn được quyền sở hữu, được ghi rất rõ trong Luật Di sản. Công việc thống kê để biết sự tồn tại của cổ vật đó, nếu giả sử cổ vật đó được chủ sở hữu di chuyển thì người làm công tác quản lý có thể biết được cổ vật đó đang ở đâu. Nếu có bán đi, cổ vật đó thuộc cổ vật quốc gia, thì quốc gia là người có quyền ưu tiên mua lại cổ vật đó, theo đúng tinh thần thỏa thuận hợp lý.

Việc bảo tồn VHPG vật thể, GHPGVN và Ban Văn hóa T.Ư chưa đủ điều kiện để thành lập một trung tâm, hoặc một viện bảo tàng cho Phật giáo Việt Nam để bảo quản chung những di sản quý hiếm. Hiện nay, GH chỉ có một vài trung tâm Phật giáo trên toàn quốc. Việc Ban Văn hóa T.Ư có thể làm được ở đây chỉ là tham mưu, cố vấn để các tự viện và cá nhân xác định giá trị của di sản đó, cách bảo tồn và đưa thông tin của di sản đó đến rộng rãi quần chúng. Di sản quý hiếm mà không được nhiều người biết đến thì đó cũng là sự thiệt thòi và thiếu giá trị.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày