Xa vòng tay mẹ con nhớ đừng quên…

Xa vòng tay mẹ con nhớ đừng quên…
Giác Ngộ - Con yêu của mẹ; mẹ vẫn chưa thể nào quên được cảm giác vỡ òa khi nghe tin con thi đậu. Mẹ vừa mừng, vừa tủi. Mừng vì công sức của con và niềm mong của cha mẹ đã được đền đáp một cách xứng đáng. Tủi vì cha con đã ra đi chưa kịp chứng kiến hạnh phúc này.

Từ ngày biết tin, mẹ thấy con hay trầm ngâm suy nghĩ, mẹ biết con thương mẹ khi nhà ta neo người mà cha con lại đã đi xa. Điều đó làm mẹ chợt lo sợ, lo sợ nếu con cứ nghĩ và lo cho mẹ thế sẽ ảnh hưởng tới học tập, cuộc sống của con sau này.

Mấy bữa nay ngày nào mẹ cũng sốt ruột và mong cho thời gian hãy dài thêm chút nữa, để mẹ có thể gửi gắm thật nhiều những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng rồi mẹ chợt nhận ra, mai này con cũng đâu có ở mãi bên mẹ. Hành lý của con, mẹ chuẩn bị thêm bức hình con chụp hồi con 5 tuổi cùng cha con. Cái áo này mẹ mua cho con nhân dịp sinh nhật con 15 tuổi, còn bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm nhỏ xinh này là hồi cả nhà ta đi chùa Hương; mẹ đã xin thỉnh ở trên chùa với mong ước Ngài sẽ phù hộ cho con gặp nhiều may mắn. Tất cả mẹ đã gói ghém cẩn thận chỉ chờ ngày con lên thành phố thôi. Còn lá thư này nữa, mẹ đã viết nó khi vừa hay tin con đậu, cũng là tin con xa mẹ những mong con mang theo trong những tháng năm ngồi trên ghế giảng đường. Có thể một ngày nào đó con sẽ thất bại trên trường đời, con sẽ gặp muôn vàn bất trắc thì con ơi, con hãy lấy nó ra và đọc thật kỹ, thật chậm những dòng chữ này và cảm nhận trọn vẹn rằng vị trí của con luôn nằm giữa trái tim của mẹ!

Con biết không, mẹ rất tự hào vì con, sự tự hào không phải vì con học giỏi, mà vì con biết thương mẹ, thương ba, thương những gì gắn bó đã nuôi con lớn từng ngày. Còn nhớ lần mẹ bị ốm, cha con thì nằm liệt giường vì vết thương cũ tái phát, con đã phải thay cha mẹ làm trọn công việc đồng áng. Đi làm đồng về đã mệt thì chớ, lại còn phải nấu cơm vì em con đi học chưa về. Thế nhưng, con không hề tỏ ra bực bội hay buồn tủi mà vừa nấu cơm, miệng thì huýt sáo vang trời khiến cho mẹ như quên đi bao nhọc nhằn, vất vả, còn cha con thì cười mãn nguyện bảo "nó y hệt như tôi thời trai trẻ".

Con rời xa mẹ để bắt đầu một cuộc sống tự lập nơi phồn hoa đô hội, biết bao cám dỗ vật chất sẽ vây quanh con, mời gọi con; liệu con có đủ dũng khí như cha con để chối từ và bước qua tất cả? Nghĩ là nghĩ vậy đấy, nhưng cũng như tự bao lần mẹ lại hy vọng, tin tưởng rằng con của mẹ có đủ nghị lực, niềm tin để vượt qua những thử thách ngọt ngào cùng những khó khăn về tinh thần, vật chất. Chắc con sẽ ngạc nhiên mà nói rằng vì sao mà mẹ biết là con sẽ không gục ngã khi con chưa về tới đích? Mẹ biết vì hành trang con mang theo không chỉ là ước mơ về sự đổi thay của riêng con mà còn là ước mơ về sự đổi thay của biết bao người nơi làng quê con đang sống. Khi con người ta hiểu được một điều rằng sự sống của mình cần cho nhiều người thì người ta không cho phép mình sống cho riêng mình hay gục ngã khi mục tiêu phấn đấu chưa hoàn thiện.

Con à, có thể năm năm hoặc mười năm sau con không còn là một chàng trai nghèo nơi quê cũ, con sẽ là một doanh nhân, một bác sĩ, một quan chức giàu có… thì con ơi, mẹ không bao giờ mong rằng con trai của mẹ sẽ là người quên nguồn cội, quên mảnh đất "chôn nhau cắt rốn". Và đặc biệt, con đừng quên tổ tiên tâm linh bởi tất cả những điều ấy đã là "quê hương". Quê hương như mẹ vậy, nếu con quên nghĩa là con chưa bao giờ lớn như lời bài hát: "Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành người…"

  (Ghi lại nỗi niềm của bà mẹ có con đi xa)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày