Xin lỗi con

Xin lỗi con
Giác Ngộ - Con ạ! Mẹ thật có lỗi khi đã “nhồi” vào đầu óc thơ ngây non nớt của con cách suy nghĩ già nua của mẹ. Đáng lẽ ra, mẹ chỉ “thổi” cho con một ý chí học tập, một phương pháp học như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Nhưng mẹ đã không làm được như vậy, mẹ đã lấy quyền làm mẹ để áp đặt con. Đáng lẽ ra mẹ phải bình tĩnh, nhẹ nhàng dịu dàng dắt con bước qua những đoạn đường đầy những khó khăn hiểm trở...

Buổi chiều đi làm về, con ra mở cửa đón mẹ và reo lên:

- A… mẹ đã về! Con chào mẹ, mẹ có mệt không?

Mẹ vào nhà chưa kịp cất cái giỏ đi làm đã hỏi:

- Hôm nay ở lớp  học hành thế nào ông (tôi hay dùng từ ông để ám chỉ con và xưng tôi để cho con có cảm giác chúng ta là bạn bè)?

- Dạ tốt mẹ!

- Ông đưa sách tập đây tôi kiểm tra xem nào. Vậy là con ngoan ngoãn lấy sách tập cho mẹ kiểm tra. Trời ạ! Chữ viết sao mà cẩu thả quá mức như thế này? Mẹ muốn đét cho con mấy đét nhưng lại kiềm chế được.

- Từ mai nếu con còn viết kiểu này nữa thì đừng có trách mẹ nghe chưa!

- Dạ con hứa từ mai con sẽ viết cẩn thận hơn ạ!

Mẹ bắt đầu kiểm tra đến bài tập làm văn của con. Mới đọc phần mở bài là mẹ đã choáng khi con tả con gà mái như thế này: “Ba tôi có một người bạn đi du học ở nước ngoài về, ba định làm gà để đón mừng bạn. Tôi cùng ba đi mua gà về làm thịt. Đến nơi, tôi nhìn thấy một cặp vợ chồng gà đang ấp trứng…”. Trời đất! Văn chương gì mà không có một chút giá trị nhân văn nào hết thế này. Mẹ bắt đầu “nóng trong người”. Không thể kiên nhẫn đọc hết bài tập làm văn, mẹ quát:

- Cái thằng kia, nhà mình có bao giờ mua gà về làm thịt đâu mà con lại viết kiểu này hả? Mẹ mà là cô giáo thì bài văn này chắc chắn sẽ cho trứng gà luôn.

Thấy mẹ nổi nóng bất ngờ con hoảng lên:

- Mẹ đọc hết bài tập làm văn đã, mặc dù mở bài con viết như vậy nhưng kết bài thì nhà mình không làm thịt gà nữa mà là ăn củ quả xào.

- Như vậy cũng không trung thực. Viết văn là phải dựa trên nền tảng thực tế và mình phải gửi gắm vào đó những tình cảm chân thật thì bài văn mới hay. Con viết không có một chút cơ sở nào gọi là thực tế thì bài văn sẽ trở nên khô cứng và vô cảm, hiểu chưa?

“Lên lớp” cho con một hồi mà hình như cơn nóng giận vẫn chưa buông tha, mẹ cầm lấy cuốn tập xé phăng những trang giấy con viết tả con gà:

- Con phải viết lại bài tập làm văn này, viết cho cẩn thận, không được cẩu thả. Chữ mà còn kinh khủng như thế này nữa là mẹ không tha cho đâu.

Con tôi vừa khóc vừa tròn xoe mắt nhìn mẹ một cách ngạc nhiên và sợ hãi.

Khi cơn giận đã nguôi, mẹ cảm thấy hối hận vô cùng vì đã cư xử với con thô lỗ như vậy. Nhớ có lần con hỏi mẹ:

- Mẹ ơi! Con hỏi thật điều này nha. Sao chữ mẹ… xấu thế?

Mẹ giật mình nhưng đành chống chế:

- À, đó là do… lịch sử để lại con ạ! Là thế này, ngày xưa mẹ đi học làm gì có tập ô li như các con bây giờ. Viết thì không có viết nét thanh nét đậm như bây giờ đâu mà chỉ có mỗi một cây viết máy dùng trong mấy năm liền. Còn tập thì chỉ có một cuốn tập dòng kẻ nhưng không có ô li đâu, một cuốn như vậy phải viết chung cho ba bốn môn học. Các con bây giờ sung sướng quá, cái gì cũng có chứ thời mẹ ngày xưa thì thiếu thốn đủ thứ con ạ!

Nghe mẹ giải thích như vậy, con không hỏi gì thêm mà tỏ ra xót xa và thông cảm cho mẹ dữ lắm! Thú thật với con là mỗi khi đi đâu, làm việc gì mà liên quan hay bắt buộc phải viết tay, nhất là viết trước ánh mắt những người không quen biết thì mẹ… sợ lắm. 

Còn về môn ngữ văn cũng vậy! Ngày xưa khi còn là học sinh thì mẹ cũng chỉ tà tà đủ điểm để lên lớp, không phải thi lại là may mắn rồi. Nhưng từ khi bắt đầu là mẹ của con thì sự cảm thụ trong văn học cũng như cảm nhận về cuộc sống đã khác - mẹ cảm nhận một cách tinh tế và sâu sắc hơn.

xin lỗi con.jpg

Mẹ ăn năn và ray rứt (Nguồn: Internet)

Con ạ! Mẹ thật có lỗi khi đã “nhồi” vào đầu óc thơ ngây non nớt của con cách suy nghĩ già nua của mẹ. Đáng lẽ ra, mẹ chỉ “thổi” cho con một ý chí học tập, một phương pháp học như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Nhưng mẹ đã không làm được như vậy, mẹ đã lấy quyền làm mẹ để áp đặt con. 

Đáng lẽ ra mẹ phải bình tĩnh, nhẹ nhàng dịu dàng dắt con bước qua những đoạn đường đầy những khó khăn hiểm trở. Nhưng mẹ đã không bình tĩnh được, mẹ đã nổi nóng và bắt con phải làm thế này, thế nọ trong khi con còn quá bé nhỏ để hiểu và thực hiện được những điều mẹ mong muốn.Mặc dù không dám nói ra nhưng có lẽ hình ảnh của mẹ trong con sẽ không được hoàn hảo cho lắm phải không con? 

Bây giờ nghĩ lại, mẹ mới thấy mẹ sai nhiều lắm. Xin lỗi con nhé, con yêu của mẹ! Và mẹ hứa từ nay mẹ sẽ không xử sự với con theo kiểu “quân phiệt” nữa đâu. Mẹ sẽ dịu dàng hơn, mềm mỏng hơn khi con phạm phải một lỗi lầm hay gặp trục trặc trong vấn đề học tập. 

Và mẹ mong con hiểu rằng, dù mẹ có khó khăn như thế nào đi nữa thì mẹ cũng chỉ muốn tốt cho con mà thôi. À không, cho cả mẹ nữa! Và mẹ rất yêu con! 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày