Xử lý thế nào khi xây nhà trên phần đất có người “âm” ở?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi mới mua đất xây nhà, vì ở xa đến nên không biết rõ lai lịch khu đất. Sau khi xây xong, những người dân xung quanh cho biết là nhà tôi đang ở trên phần đất có người “âm” ở. Vậy theo quan điểm Phật giáo, tôi cần cúng bái và làm những gì để được an yên.

(TRẦN HẢI, tranhai...@gmail.com)

Bạn Trần Hải thân mến!

Thực tế thì loài người đã sinh sống trên mặt đất từ hàng chục, hàng trăm ngàn năm trước nên tìm được phần đất mà không có người chết là điều không dễ. Mặt khác, người “âm” theo cách gọi dân gian là chỉ cho các chúng sinh ngoài loài người (ngạ quỷ, a-tu-la, chư thiên). Việc người dân biết khu vực có người “âm” xuất hiện chỉ là nhân duyên, còn thực tế người “âm” tự bao đời nay vẫn chung sống với loài người ở khắp mọi nơi và không phải ai cũng biết. Thế nên, không ai dám chắc là nhà-vườn của mình không có người “âm”.

Vì lẽ ấy, trong dân gian từ lâu đã hình thành tín niệm cúng thổ thần đất đai trước khi khẩn hoang, ủi đất, động thổ, đào móng, làm nhà. Ngoài việc cúng kính những vị thần linh có chức trách tại địa phương gia chủ còn cáo bạch cho các vị người “âm” sống xung quanh hoan hỷ di dời, tìm vị trí khác thích hợp hơn. Việc này nhằm thể hiện sự tôn trọng của gia chủ, vì hoàn cảnh sinh sống chứ không có ý phá phách hay làm tổn hại họ.

Sau khi làm nhà xong thì gia chủ cúng tạ, cám ơn tất cả đã trợ duyên để cho công việc làm nhà thành công viên mãn. Nếu quá trình làm nhà mà tương đối “đầy đủ” lễ nghi như vậy thì cũng khá yên tâm. Tuy nhiên, người “âm” cũng như chúng ta, có trường hợp hoan hỷ và cũng có trường hợp không hoan hỷ (và cũng không rời đi).

Trong trường hợp này, theo tinh thần phương tiện và quan điểm từ bi của Phật giáo, thì gia chủ hãy vun bồi phước đức của bản thân. Nếu phước đức của gia chủ sâu dày thì không ai có thể quấy phá, làm hại được. Muốn có phước đức thì hãy siêng gieo trồng cội phước. Những việc tạo phước mà Phật tử thường làm là bố thí, giữ giới, tụng kinh-tọa thiền, cung kính, phục vụ, hồi hướng, tùy hỷ, nghe pháp, thuyết pháp, phát huy trí tuệ.

Bạn nên thỉnh tượng Phật về thờ, an vị xong thì cố gắng lễ bái, kinh kệ và tu phước. Oai đức của Tam bảo là không thể nghĩ bàn. Nhờ sức gia trì của Tam bảo, nhờ công năng tu tập của bạn, nhờ sự hồi hướng công đức…, sẽ mang đến an lành. Tất cả những thiện pháp này sẽ tạo ra năng lượng bình an, chuyển hóa tích cực, tốt lành cho nhà bạn, bà con xung quanh, người “âm” gần xa và khắp cả mười phương.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày