Tội lỗi nhiều có được xuất gia?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi là nữ, vì hoàn cảnh gia đình nên tuổi trẻ không được học hành. Lớn lên tôi vào đời sớm và sa ngã vào lối sống hưởng thụ, buông thả. Hệ quả là tôi trải qua nhiều đau khổ, chán chường, thậm chí mất cả phương hướng. Có lần tôi tìm đến chùa, nhận ra người tu có một cuộc sống an lành, nhẹ nhàng nên khởi lên ước muốn đi tu. Sau đó suy nghĩ lại thấy tội lỗi nghiệp chướng của mình quá nặng nề. Tôi muốn chuộc lại lỗi lầm mà mình đã gây ra và sống một cuộc đời thanh thản, trong sạch. Liệu người tội lỗi nhiều như tôi có được xuất gia?

(DIỆU BẢO, baodendui...@gmail.com)

Bạn Diệu Bảo thân mến!

Đạo Phật luôn khuyến hóa con người hồi tâm hướng thiện, dù họ là ai, ở bất cứ vị trí xã hội nào. Với những người lỡ trót dại, sa ngã hay làm nhiều điều tội lỗi thì vẫn có thể phục thiện, quay đầu nếu họ thực sự thức tỉnh và cố gắng. Đức Phật từng dạy có hai hạng người mạnh mẽ ở đời, đó là hạng người không phạm lỗi và hạng người có lỗi mà biết sám hối, phục thiện.

Những trải nghiệm khổ đau đã giúp bạn thấy rõ hơn về bản chất thật sự của cuộc sống. Đau khổ cũng là phương thuốc hay, là ngọn đuốc soi đường giúp cho con người tỉnh thức, giác ngộ. Khổ đau đã giúp bạn trưởng thành, nhờ đó bạn đã có chí nguyện thay đổi, quyết tâm chuyển hướng cuộc đời mình. Trước khi hội đủ duyên lành để xuất gia, bạn hãy cố gắng làm một người tốt, đoạn tuyệt với lối sống cũ, sống lương thiện bằng chính sức lao động của bản thân mình. Có thể xem đây là bước đệm quan trọng, nếu bạn vượt qua được thì có thể cất bước xa hơn.

Theo đạo Phật, người tội lỗi nhiều vẫn được xuất gia. Dĩ nhiên những tội lỗi ấy thuộc về lương tâm mà không liên quan đến pháp luật. Thời Đức Phật còn tại thế, trong hàng đệ tử xuất gia của Ngài có người từng là tướng cướp (Tôn giả Angulimàla), có người từng làm nghề buôn phấn bán hương (nữ Tôn giả Uppalavannà) … nhưng sau khi thức tỉnh, phát tâm tu hành đều trở thành những bậc Thánh. Vì ai cũng đều có khả năng thành Phật nên bạn không quá băn khoăn về nghiệp xấu đã gây tạo trong quá khứ của mình. Quan trọng là sự hồi tâm dũng mãnh, quyết từ bỏ tất cả lầm lỗi để đứng dậy và đi tới theo Chánh pháp.

Bạn cứ tìm đến một ngôi chùa Ni nào đó, xin gặp vị trụ trì và trình bày hết tâm nguyện của mình. Nếu hội đủ duyên lành, bạn sẽ được chư vị chấp thuận cho xuất gia. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu của cuộc hành trình. Con đường xuất gia vốn không dễ dàng, nếu bạn quyết tâm dõng mãnh, phát chí nguyện lớn thì vẫn có thể thành tựu.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1292 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Phật giáo Nam Phi: Quá trình chuyển đổi từ tôn giáo nhập cư đến một phần của xã hội đa văn hóa

GNO - Tuy chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XX, nhưng Phật giáo Nam Phi đã trải qua một hành trình dài với nhiều thăng trầm. Từ những dấu chân ban đầu với các nhà truyền giáo và thương nhân châu Á, Phật giáo dần hình thành và phát triển trong một xã hội đa sắc tộc và đa văn hóa.
Các diễn giả tham gia Đối thoại toàn cầu - Bodh Gaya lần thứ 7 tại hội trường Nalanda thuộc Trung tâm Quốc tế Tiến sĩ Ambedkar

Ấn Độ: Đối thoại toàn cầu Bodh Gaya lần thứ 7

GNO - Trong hai ngày 29 và 30-3-2025, tại New Delhi, Hội Deshkal kết hợp với Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ (Indian Council of World Affairs) đã tổ chức Đối thoại toàn cầu - Bodh Gaya lần thứ 7 tại hội trường Nalanda thuộc Trung tâm Quốc tế Tiến sĩ Ambedkar.

Thông tin hàng ngày