Xuân mới vào thơ trong tập 'Đẹp nhất làng tôi'

Mở tập thơ này ra, bạn có thể thấy mình đi vào nhiều cảnh trí.Bạn như đang bước vào một khu vườn nhiều hoa ngát sắc đậm hương và bạn sẽ thấy lòng mình lắng lại và hồn mình lâng lâng.

Người làm vườn sẽ ân cần thương mến dẫn bước ta đi ngắm hoa và trò chuyện tâm tình.

Này là Hoàng Mai: Cành trĩu nụ hoa chúm chím vàng/ Đài trinh phong nhụy hẹn xuân sang. Này là Cúc vàng: Đạm bạc thanh tao nhánh cúc vàng/ Chờ thu khởi nụ vẻ kiêu sang. Này là Lan: Giữa ban mai chợt gặp giò lan nở/ Đẹp mê hồn vẻ lộng lẫy kiêu sa. Trong vườn mỗi bước ta đi gặp nhiều hoa lá. Nhưng người làm vườn không để ta vô tình và vô tâm với đời hoa. Và khi hoa sống trọn một đời rồi tàn rụng, ai biết người xót thương hoa. Người làm vườn nhắc ta đừng quên nhìn cánh hoa rơi, bông hoa lụi để mà chiêm nghiệm đời người. Vì hoa chính là người. Lan lụi tàn vì nắng mưa nghiệt ngã. Cúc chợt tối sương buông hóa lỡ làng. Mai nửa đêm nổi gió cành tơi tả. Thương hoa lắm như chính thương người.

Bởi có tấm lòng và con mắt ấy, người làm vườn đã giúp ta nhận ra vẻ đẹp của hoa bưởi giữa mùa xuân phô sắc trắng ngần/ rắc phấn vàng vào nắng và đưa đến cho ta một phát hiện hoa bưởi nơi cánh hoa ly thân (có lẽ viết "lìa thân" thì ý mạnh hơn)/ đài quả đang lớn dần. Một triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc: cái diệt để cái sinh.

Trang bìa tập thơ.
Trang bìa tập thơ.

Còn đây, người làm vườn trách Sen đã bội bạc Bùn:

Ví không bởi chất bùn tanh
Có đâu bông trắng lá xanh nhị vàng
Để tòa Sen, Phật cao sang
Xênh xang lọng tía cờ vàng phất phơ
Chắt chiu từ chất bùn nhơ
Hôi tanh là sữa nuôi tơ ngó dài
Mà sao lòng dạ chông gai
Vong ân bội nghĩa chê bai mùi bùn?!

Cội nguồn Sen hỡi: Bùn nhơ
Cho hương cho sắc cho thơ để đời

Tiếng thơ này rất đồng vọng với tiếng thơ của Phùng Quán, một nhà thơ đồng niên và là bạn của người làm vườn. Phùng Quán đã từng đòi đuổi bài ca dao về sen này ra khỏi kho báu dân gian vì cho đó là bài phản trắc. Bùn với sen đâu phải chuyện gần/ Chính là sen mọc lên từ trong đó/ Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen...

Bạn cũng lại như đang được trở về sống lại cảnh xưa làng quê Việt trong một không gian Nguyễn Bính. Ta gặp lại đây một người trai làng thuở nào. Ở đó làng tôi thật đẹp:

Nhớ mãi đình làng uốn cong cong
hai bên diềm ngói đắp phượng long
với ngôi chùa cổ soi bóng nước
và gốc đa bên quán nghênh phong

Mái rạ cau xanh san sán kề
suộm vàng đồng lúa trải ven đê
cồn tre cò trắng xôn xao tiếng
hoa gạo đỏ au rắc lối về

Ở đó có mái trường làng với đôi bạn gái trai và giàn trầu hàng cau hai nhà:

Cô thích mùi hương của hoa cau
Tôi thường hái tặng cô giắt đầu
Nhiều đêm trăng sáng chung hóng gió
Mơ ước đủ điều chuyện mai sau

Tất cả nhuốm một màu tâm tưởng, hồi tưởng. Tất cả đắm trong hoài niệm kỷ niệm bàng bạc vẻ tiêu sơ của đất trời vào thu gợi buồn gợi nhớ gợi tiếc nuối. Gọi tác giả Đặng Tiến Nam là người làm vườn, người trai làng, chỉ là để nói lên những nẻo tâm tình của một người thơ, của một ngòi bút thơ. Tác giả đã gần tám chục tuổi đời, nhưng đọc thơ ông ta vẫn cảm được và được truyền cảm cái xuân tình xuân hứng xuân thì của một tâm hồn vừa luyến tiếc không nguôi những cảnh cũ người xưa một đi không trở lại theo dòng thời gian vừa vẫn háo hức, tinh nghịch, say mê sống phần đời còn lại, sống cái thì hiện tại ở đây bây giờ.

20 năm trước ông còn bâng khuân trước đám cưới một người quen cũ: Tan giòn xác pháo đỏ au/ Em đi đôi má thắm màu phù dung. Cũng 20 năm trước, ông còn rất duyên ngắt một bông hồng của cây hồng vừa bói đôi bông trao tặng em Cầm lòng sẻ nửa duyên hoa lá/ Mai mốt rồi em đi lấy chồng. Tình ấy làm rạo rực con chữ. Nên không lạ gì khi người thơ đi chợ hoa tết, giữa ngây ngất hương sắc ngỡ xuân cười, chợt thấy áo dài ai mặc in nhành cúc thế là quên chuyện mua hoa... mải ngắm người. Hoa người là đẹp nhất trăm hoa, đẹp nhất trên đời. "Thân này đâu đã chịu già tom", nghe như khúc khích nàng Hồ Xuân Hương khích lệ ông. Trẻ lòng trẻ tình ở tuổi xưa nay hiếm cuối thế kỷ 20 đến thế này thì người cao tuổi Đặng Tiến Nam chính thực thi sĩ:

Sớm Xuân đi vãn cảnh Chùa
Gặp người ngồi bán táo chua bên cầu
Ước gì cũng có cô Mầu
Để tôi mua táo sang cầu tặng cô
Thế rồi... tôi hóa sư mô
Đôi rằm mỗi tháng để cô lên Chùa...

Thơ Đặng Tiến Nam, như vậy, có cổ có tân, có tình có ý, có hình có ảnh, nhưng hơn cả là có cảm xúc, tuy câu chữ vương vất đôi phần ước lệ. Chính cảm xúc thơ tôi tin sẽ níu kéo được người đọc vượt qua những ước lệ câu chữ để chia sẻ cùng tác giả những tâm trạng nỗi niềm của một con người đã đi trọn cuộc đời cùng thiên nhiên đất trời giữa cõi nhân sinh. Mãi mãi vòng quay vũ trụ mỗi năm lại một mùa xuân. Và khi con người biết sống hóa mình vào tạo vật thì dẫu xuân đời người chỉ có một lần nhưng mỗi năm đến người vẫn thấy mình trẻ, mới tinh khôi cùng vạn vật muôn loài.

Đời Người xuân chỉ một lần thôi
Xuân của thời gian lại đổ hồi
Mái tóc vườn xanh nay đổi trắng
Ngỡ đầu mình cũng mới tinh khôi

Nghĩ được lạc quan thế này đã là một cách sống, một cách thơ. Đó là thơ của nhà thơ Đặng Tiến Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO - Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày