Xuân “nhặt” bình an nơi cửa thiền

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mùa xuân, đến chùa lễ Phật, cũng là dịp mà nhiều gia đình trẻ, các bạn thanh thiếu niên “nhặt bình an”. Qua những khoảnh khắc, hình ảnh hữu duyên bắt gặp nơi cửa thiền, mọi người có thể tìm được nhiều niềm vui hỷ lạc trong dịp đầu năm mới.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1187 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1187 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Sau Tết nhà là Tết chùa

Đã thành truyền thống, vào những ngày giáp Tết, sau khi kết thúc công việc của một kỹ sư công tác ở tỉnh Tiền Giang, cả nhà anh Phước Học, 38 tuổi tranh thủ trở về quê ở tỉnh Long An, đến chùa làng công quả. Ngoài Tết nhà, anh xem Tết ở chùa là điều ý nghĩa nhất với gia đình mình.

Tết chùa có gì vui, chúng tôi hỏi và anh Phước Học kể một mạch: “Khi các con đến chùa, gặp các bạn cùng lứa tuổi chắp tay chào quý Sư thầy, lau chùi chánh điện, con cũng tự động làm theo và bắt chước các bạn nói lời hòa kính; Khi quây quần cùng các Sư thầy chuẩn bị nấu nướng đón Tết, ai cũng tất bật nhưng tiếng cười rộn ràng, đúng thật là vui như Tết”.

Những hình ảnh mộc mạc, giản dị, bình yên ở chùa nhờ đó mà đi theo anh qua năm tháng, khiến anh nhớ từng chi tiết. “Ngày 28, 29 tháng Chạp chùa bắt đầu gói chả chay. Các Phật tử mỗi người một tay lau lá chuối, ướp tàu hủ ky và nhồi thật kỹ để gói chả; Làm đậu, vo nếp gói bánh tét, làm dưa chua để chùa đãi Phật tử vào ngày mùng một”, anh kể.

Tết năm nay, ngoài thời gian tiếp khách ở nhà và chúc Tết họ hàng, các buổi chiều và tối cả nhà anh đều “ở chùa”. Anh cho biết, Tết ở chùa là hưởng thụ lớn nhất của gia đình: “Tết ở chùa không rượu chè, không cờ bạc, các con được chơi với nhau các trò chơi dân gian, chỉ có tiếng cười và niềm an lạc. Ngày Tết nhẹ nhàng và bình an như thế là quý báu nhất đời”.

Ảnh: Quảng Điền

Ảnh: Quảng Điền

Đầu năm phải đưa vợ và các con đi chùa

Đó là chia sẻ của anh Đoàn Dương Quân, 40 tuổi (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), anh và gia đình đến chùa lễ Phật ngay sau thời khắc gia đình đón giao thừa và cúng gia tiên. Không chỉ riêng anh, mà vợ anh cũng xem giây phút đến chùa đầu năm là điều thiêng liêng, ý nghĩa.

Anh cho biết, mỗi năm, anh và vợ mình luôn mặc áo tràng sẵn để đón giao thừa, vừa đón xong là tranh thủ lên chùa luôn trong trang phục đó. Các con của anh thì mặc áo dài. Cũng có bạn bè góp ý cho anh rằng đi vào sáng mùng một sẽ chụp được hình đẹp hơn, nhưng nhà anh vẫn thích đi ngay khi giao thừa.

Khi được hỏi vì sao anh chọn đến chùa vào ngày đầu năm mới? Anh chia sẻ: “Tôi muốn cho các con biết đó là truyền thống văn hóa của dân tộc mình, của ông bà mình, để nuôi dưỡng duyên lành cho con. Mỗi lần cho con tiền hướng dẫn con cúng dường, tôi luôn tâm niệm ngày hôm nay khi bàn tay con làm việc tốt, cúng dường quý Sư, cúng dường Tam bảo thì con sẽ không làm chuyện sai trái sau này. Tôi đến chùa cũng nhờ ông bà, ba mẹ hướng dẫn”.

Tết bình an từ thông tin Phật giáo

Bạn Thanh Hương, 30 tuổi, đang làm việc tại Nhật Bản đã chia sẻ với báo Giác Ngộ như thế, trong những ngày đầu năm mới.

Là năm thứ hai đón Tết tại Nhật Bản, Thanh Hương bảo “nhớ Tết nhà da diết”, nhưng do tính chất công việc, bạn chưa sắp xếp được thời gian hợp lý để về quê hương.

“Nhớ quê” - đó là điểm chung của rất nhiều người Việt nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Thanh Hương cũng không ngoại lệ. “Hồi ở Việt Nam, Tết năm nào cũng cùng mẹ và bà đến chùa ngày đầu năm thắp hương lễ Phật, cúng dường và hái lộc - các bao lì xì đỏ thắm gắn trên các cây mai ở vườn chùa. Sau đó được các Sư mời ăn cơm chay. Không hiểu sao, món ăn làm từ rau, củ, quả, đậu hủ thôi mà món nào chùa làm cũng ngon. Đến khi qua Nhật, dù có bắt chước làm, cũng cách làm của quý Sư nhưng không giống”, Thanh Hương kể.

Ảnh: Quảng Điền

Ảnh: Quảng Điền

Nơi Thanh Hương đang làm việc ở Nhật chưa có chùa, muốn đi chùa phải di chuyển thật xa. Hương chia sẻ, từ ngày 28 tháng Chạp, Hương nhớ nhà “khủng khiếp”. Ngoài việc mỗi ngày đều gọi điện, nhắn tin, video call cho người thân thì Thanh Hương đọc báo cập nhật tin tức, hình ảnh qua báo chí, để cảm nhận được không khí Tết quê nhà.

“Nhờ có Giác Ngộ online, đăng tải nhiều hình ảnh chư tôn đức, cùng lời dạy của quý Hòa thượng, quý Ni trưởng, mình vào đọc mỗi ngày, chứ không thì buồn lắm. Mình cũng thích chuyên mục ‘Tết Việt khắp nơi’, đọc đến đâu thấm đến đó. Có thể nói, báo Phật giáo giúp mình rất nhiều trong việc nâng đỡ tinh thần, nuôi dưỡng và cho mình sự bình an”, Thanh Hương trải lòng.

Xem những hình ảnh Tết được cập nhật liên tục nơi cửa thiền, bản thân Thanh Hương cũng học được nhiều điều hay. “Khi thấy hình ảnh nhà chùa và mọi người chia sẻ quà Tết cho người vô gia cư, người nghèo khó trong đêm giao thừa, dù qua hình ảnh thôi, mình thấy rất ấm lòng. Mình cũng phát tâm chia sẻ một ít, theo ngày lương mình có được. Việc nhỏ nhưng mình thấy vui, vì cảm nhận được ý nghĩa đằng sau đó”, Thanh Hương cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Năm thứ báu khó có được ở đời

Năm thứ báu khó có được ở đời

GNO - Phái đoàn các vị Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly khi đi đến Đức Phật đang ngự trong vườn xoài Am-bà-bà-lê được xem như biểu tượng của sự xa hoa, sang trọng, quý phái bậc nhất đương thời. Thậm chí Thế Tôn còn ví họ như “chư Thiên Đao-lợi khi đi dạo công viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy”.
Đức Dalai Lama thứ XIV

Hãy xem mình là khách viễn du

GNO - Khoảng chừng 50 năm nữa thì tôi, Tenzin Gyatso, một tu sĩ Phật giáo, sẽ chỉ còn là ký ức. Thật vậy, chưa chắc rằng người đang đọc những dòng chữ này, sẽ còn có mặt một thế kỷ sau. Thời gian trôi qua bất chấp.

Thông tin hàng ngày