Xuất gia gieo duyên

GN - HỎI: Cậu tôi là người chưa hề biết Phật pháp, nay cậu bệnh nặng sắp qua đời, có người khuyên nên làm lễ xuất gia gieo duyên cho cậu, để khi tái sinh thì cậu sẽ sớm gặp được Phật pháp. Xin quý Báo cho tôi biết việc này có nên làm không?

(BẰNG VY, bangvylinhdan@gmail.com)

vanhoakhmer3.jpg


Một nhà sư Khmer thế phát xuất gia gieo duyên - Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Hậu

ĐÁP: Bạn Bằng Vy thân mến!

Trước hết, bạn cần hiểu rõ về ý nghĩa xuất gia gieo duyên, mục đích của nó là gì? Xuất gia gieo duyên là gieo những hạt giống, trồng những duyên lành xuất gia; là làm quen, tập sự, trải nghiệm đời sống xuất gia. Cụ thể, khi một người có chí nguyện xuất gia, để tự lượng sức, vị này phát tâm gieo duyên xuất gia tập sự một thời gian, sau đó mới chính thức xuất gia. Trường hợp khác, đa phần những người nhận thấy đời sống xuất gia thật đẹp nhưng chưa hội đủ duyên lành để dấn thân trọn đời nên chỉ gieo duyên vài ngày hay trong một khóa tu ngắn hạn. Một số nước, xuất gia gieo duyên còn là văn hóa truyền thống của dân tộc, xứ sở.

Một đặc điểm quan trọng của xuất gia gieo duyên là tuy thời gian xuất gia không dài (một ngày đêm cho đến nhiều hơn) nhưng người xuất gia phải tuân thủ đúng theo các phép tắc, chuẩn mực, và cả sự tu học giống như những vị xuất gia thực thụ. Khi hết thời hạn, người xuất gia gieo duyên phải xả giới, trả y và trở về đời sống cư sĩ như bình thường. Nói dễ hiểu, người đủ duyên thì phát tâm xuất gia trọn đời. Người chưa đủ duyên thì chỉ xuất gia trong một thời gian ngắn thôi, gieo duyên là chính. Trong khi còn làm người xuất gia (dù gieo duyên hay trọn đời) thì bổn phận và trách nhiệm tu học của họ đều giống nhau.

Gieo duyên xuất gia có ý nghĩa cao quý như vậy nên người cậu của bạn, trọn đời chưa có chút duyên lành nào với Phật pháp, lại đang mắc bệnh nặng sắp mất thì rất khó gieo duyên xuất gia. Tuy vậy, rất cần kết duyên Tam bảo cho cậu ấy bằng cách hướng dẫn phát tâm quy y, nguyện trọn đời quay về nương tựa Phật-Pháp-Tăng, thọ trì năm giới và tin hiểu về nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, tái sinh… Nếu sinh thời tạo nhiều tội lỗi thì hãy đối trước Tam bảo thành tâm sám hối. Nếu trong đời có làm được những điều phước đức, thiện lành thì hãy hồi tâm nhớ lại mà hoan hỷ. Những nhân duyên này, dù muộn màng nhưng nếu được người cậu ấy tiếp thu, sinh lòng kính tin, phát nguyện hướng về nương tựa Tam bảo thì đó mới là sự gieo duyên Phật pháp có lợi ích nhất cho người sắp mất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày