GN - Giác Ngộ nhận được nhiều chia sẻ trong mùa Vu lan này và dành 2 trang báo để chuyển tải 3 trong nhiều câu chuyện đã gửi về. Còn nhiều chia sẻ khác đã được đăng trên Giác Ngộ online, kính mời bạn đọc theo dõi tại giacngo.vn...
- Ngoại đâu có mất đâu...
Con hẻm ngoằn ngoèo đưa tôi trở lại khu xóm nhỏ, đúng nơi mình đã sinh ra và sống trọn phần tuổi thơ êm đềm ở đó. Ngôi nhà của tuổi thơ tôi đẹp và bình yên quá đỗi. Bởi lẽ, trong nhà luôn hiện hữu bóng dáng của ngoại - tình thương lớn nhất trong gia đình.
Lần trở về nhà đó, tôi không thể nào gọi tên được cảm xúc của mình. Hôm ấy, bàn tay tôi không kịp nắm tay ngoại. Tôi nhìn lên di ảnh, ngoại nhìn tôi mỉm cười nhân hậu và ấm áp. Tôi lặng lòng nghĩ đến thời gian cũng giống như một dòng sông chưa thôi ngừng chảy. Người ta nói, đời người trăm năm mà ngoại ra đi khi tuổi đời thượng thọ, sống trọn vẹn một đời người. Kể từ ngày ngoại ra đi, má với mấy anh em tôi chưa bao giờ nói rằng là, ngoại mất, ngoại chết, mà tự nhủ lòng với nhau: ngoại chỉ đi vào cõi vô tung, an tường tự tại.
Tôi đọc đi đọc lại lời của Thầy dạy rất nhiều lần như một cầu thần chú kỳ diệu: “Đám mây làm sao chết được? Đám mây làm sao chết được?...
Đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành nước đá, mưa đá, trở thành tuyết, trở thành nước trà...”.
Tác giả Tịnh Tâm khi còn để chóp |
Chúng ta không nên nói người thương của mình đã chết. Ngoại cũng vậy, người không còn tồn tại với hình hài đã cũ nhưng vẫn đang tiếp tục ở hình thức khác, chỉ là thay hình đổi dạng. Tôi cũng không quên ý chí nhắc nhở anh em mình, hãy sống tiếp cho ngoại. Mỗi lần nhớ đến ngoại, hãy quay về tiếp xúc với ngoại ở trong mình. Nhớ ngoại, tôi ngồi yên một mình và chuyện trò với ngoại.
Mới ngày nào đó thôi, tay ngoại trong tay tôi, dắt bộ nhau mấy cây số về chùa, tụng kinh lễ Phật hàng đêm. Con đường trước mắt tôi bây giờ, ở hai nghĩa, là con đường lý tưởng và hạnh phúc.
Lớn lên, con đường trở về nhà dần xa hơn, mỗi lần có dịp về, anh em tôi nắm tay nhau, xúm xít chọc đủ điều để ngoại vui, ngoại cười, mắt ngoại rơm rớm hạnh phúc và yêu thương. Ngoại, chắc chắn sẽ sống mãi trong trái tim của anh em chúng tôi. Ngày mà ý thức cái ăn cái mặc thì tôi biết được ngoại ăn chay trường đã nhiều năm, rất siêng năng đi chùa, lễ Phật.
Năm tôi xuất gia, ngoại nhắn mấy lời, tới bây giờ vẫn cứ xem như là di chúc quý báu mà bà dành cho chị em tôi: “Lúc nào cháu của ngoại trưởng thành, khoác lên chiếc y vàng đĩnh đạc, thì ngoại mới yên tâm mà ra đi”.
Thương ngoại một đời tảo tần, tay chăm tay bón, nuôi con nuôi cháu, nhưng lúc nào nghỉ ngơi lại ngồi bên chiếc ghế là tay lần chuỗi, niệm danh hiệu Phật. Đến những ngày tháng cuối đời, tay ngoại run run, da nhăn nhíu mà vẫn mon men xâu chuỗi hạt bằng nhựa đã mòn, cũ kỹ với thời gian. Trong mảng ký ức cuối cùng của bà ngoại, tôi biết, hình ảnh của Đức Phật, hình bóng của những người xuất gia, xâu chuỗi hạt, lời kinh kệ,... là tất cả những điều thiêng liêng và vô giá nhất cuộc đời.
Bài học tự tại giữa vô thường tôi vẫn được học hỏi mỗi ngày, nhưng không ít lần tôi ngập ngừng, dừng lại, mắt mũi cay. Tôi nghĩ về chuỗi ngày dài, sau 49 ngày, 100 ngày, 365 ngày... rất nhiều người đang sống, vốn chỉ nghĩ nhớ đến như một đạo lý, như thuần phong mỹ tục. E rằng, ít còn ai ý thức về sự hiện diện của người thân của mình nữa. Liệu có ai băn khoăn là người chết rồi đi về đâu? Có nơi nao để về không? Chết là còn hay mất? Giá mà có một lần thắc mắc như vậy, thì mới mong có một lần để người ta quay trở về, quay về với chính mình, với con đường tâm linh mầu nhiệm. Tôi chỉ có một niềm tin vững chãi, sống bình an thì chết bình an.
Thích nữ Tịnh Tâm
(Quảng Nam)
- Một câu nói - một nguồn động lực
Có bao giờ vì một câu nói của ai đó mà bạn chọn cho mình một hướng đi chưa? Nếu có, tôi nghĩ bạn là một người hạnh phúc rồi đấy. Tôi là một người hạnh phúc như thế.
Còn nhớ năm ấy, khi vừa thi tú tài xong, tôi hí hửng xếp sách vở lại, coi như trút được gánh nặng ngàn cân khi kết thúc những ngày đau đầu với những bài tích phân rối rắm, những phương trình điện trở khô khốc, những bài học lịch sử dông dài, tưởng như không bao giờ dứt… Cứ vô tư nghĩ, từ đây mình chỉ cần học những bài giáo lý nhẹ nhàng, những pháp môn thực tập thong dong và tỉnh thức, còn lại có thể thỏa chí văn chương, muốn viết gì thì viết.
Thật “không may”, trong một lần về thăm sư phụ, khi biết tôi học xong 12 rồi mà chẳng có chí tiến thủ, thầy bảo: “Tú tài xong thì lên đại học, đại học xong thì cao học, cao học xong thì tiến sĩ, còn trẻ không được lười biếng, nghe con!”. Tôi vâng dạ xong thì lui xuống. Tôi cố suy nghĩ để tìm cách... không đi học tiếp. Không hiểu sao lúc đó tôi ngán học lắm. Chỉ cần nghĩ tới cảnh “đầu bù tóc rối” với những phương trình Toán phải làm, những bài Hóa phải giải, những công thức Lý phải học,… người tôi đã toát mồ hôi, mặc dù cũng không phải là loại học hành dở tệ gì.
Ba tác giả Suối Thông vẫn giản dị |
Trải qua mấy ngày, trong khi vẫn chưa tìm ra cách ổn thỏa để bạch với thầy thì tôi nhận được một lá thư, của ba gửi từ quê vào. Vừa mừng vừa lo lắng, bởi người kiệm lời như ba rất hiếm khi viết thư cho ai. Trong hơn 5 năm đi xuất gia, ba chỉ viết cho tôi vỏn vẹn mấy chữ dặn “cố gắng học” gửi kèm trong học bạ, rồi thôi. Tất cả tin tức, thư tín nhận được từ gia đình đều do mẹ tôi phụ trách.
Tôi hồi hộp mở ra, là một bài thơ xuân, phía cuối có mấy dòng chữ: “Ba nghe thầy nói con sẽ đi học đại học, ba rất mừng. Vậy con cố gắng học theo lời thầy nói đi...”.
Chỉ mấy dòng ngắn ngủi thôi mà tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Vừa xếp lại xong, lật đật mở ra, đọc tiếp. Nhìn mấy con chữ mà cứ như thấy hình ảnh ba ở đâu đây, rất gần. Cảm giác được vỗ về, được thương yêu, tin tưởng cứ dâng lên, ứa thành nước mắt.
Tôi nhớ, những ngày ba đi rừng đến chiều vẫn chưa có hột cơm trong bụng, những buổi trưa đi bộ dưới ánh nắng bỏng rát để tiết kiệm tiền xe cho con ăn kẹo, những buổi chiều mưa vừa dứt đã phải đi thồ phân trên con đường đất đỏ trơn trợt không người đẩy phụ, những tiếng va đập của thùng khi ba quay nước giữa khuya sau một ngày dài trong ruộng mía - lò đường…
Nhớ ba, tôi vạch ra hướng đi mới cho mình: nhất định phải vào đại học! Nhờ lời nhắn nhủ của ba, mà tôi khắc phục mọi khó khăn, từng bước đi lên trong sự nghiệp học hành của mình. Và cả đến sau này, khi đã tốt nghiệp đại học rồi, khi sư phụ không còn trên cõi đời để đốc thúc chuyện học hành, tôi vẫn tự giác đi tiếp, vì đơn giản tôi biết nó có ích cho mình, cho con đường mình chọn, mà ba cũng vui lòng.
Suối Thông
Mẹ đi xuất gia... Chị nói, sư cô báo tin sáng sớm ngày mai sẽ xuống tóc quy y cho mẹ. Con nhớ cảm giác của hôm nhận tin ấy. Đó không phải là sự sắt se của quyến luyến trong chia ly. Đó không phải sự tủi phận cho những ngày sau không còn mẹ thế gian để được bảo bọc, yêu thương dẫu tuổi đời con không nhỏ nhoi gì nữa. Mà đó là sự rung cảm của niềm thiêng liêng từ trong sâu thẳm dấy lên khi thấy bao tóc, bao thương, bao hờn giận, bao tục lụy thế gian… từ từ rơi xuống - tiễn biệt xa xôi trong chí nguyện đi trên con đường của sự buông xả, dừng ngưng những điều khốn khó và oan trái, khổ đau của hỷ nộ ái ố đời người để gạn đục khơi trong, để trao tâm mình về cõi yên an, hướng thượng. Rồi mái tóc kia không cần tồn tại để phải lo nghĩ về màu sắc biến chuyển theo thời gian của nó, không còn bận lòng với cái danh sắc thói thường và không còn phải bận bịu tâm tư với những thăng trầm đã trường trải gần như một đời để được mới mẻ và thanh sạch trở lại trong chốn thiền môn, xuôi xả lại sau lưng những điều quá vãng bằng sự sám hối thành tâm - đó là sự hướng thiện trong trẻo nhất. Thêm một sự phát lồ hướng về nẻo giải thoát, thêm hạnh phúc chân chính cho người đi và người ở lại… Tạm biệt mẹ ta xưa. Nếu tâm và tim chúng ta cùng hướng về một lối thiện lành thì đoan chắc rằng nơi ấy ta sẽ gặp nhau, gặp nhau trong tình pháp lữ, trong tình đạo giữa những con người đã đau khổ, biết đau khổ và đang trên con đường đoạn diệt khổ đau cho mình, để lợi ích cho mình và cho người xung quanh. Con thành tâm tri ân và kính ân giáo dưỡng của mẹ, nguyện những điều thiện lành con làm được xin hướng chuyển đến mẹ như một nguồn năng lượng tốt đẹp con trao tặng. Và như lời bậc thiền sư đáng kính: Chúng ta có mặt trong nhau, chúng ta hiện diện cho nhau. Trần Trọng Hiếu