Ý nghĩa bài kệ Khai kinh Pháp hoa của Việt Nam

"Nhìn hoa sen, tự nghĩ mình làm sao không vướng trần tục. Người tu phải thực tập pháp Phật, không nói suông, kiểm chứng để nhận ra được điều khó hiểu mà Phật dạy".
"Nhìn hoa sen, tự nghĩ mình làm sao không vướng trần tục. Người tu phải thực tập pháp Phật, không nói suông, kiểm chứng để nhận ra được điều khó hiểu mà Phật dạy".
0:00 / 0:00
0:00
GN - Người Việt Nam khai kinh Pháp hoa có bài kệ tán kinh, nhưng không để tên, nên không biết ai là tác giả. Có Hòa thượng nói rằng Hòa thượng Phước Huệ biên soạn bài này.

Tôi nghĩ phải là người ngộ được yếu chỉ kinh Pháp hoa mới nói được bài này là:

Pháp hoa kinh giã nãi Giác Hoàng chi yếu chỉ, thật Bồ-tát chi hạnh môn.

Phương tiện môn trung khai thị ngộ nhập cơ duyên nan tận tán dương.

Khuyến phát phẩm nội thị giáo lợi hỷ công đức bất khả tư nghì

Cùng tử nhiệm Đại thừa chi vinh hoa bình sanh đắc vị tằng hữu chi công đức.

Hoạch kế châu nhi bạo phú, khánh châm giới nhi tương đầu.

Vãng hoàn tam giới trường ngự bạch ngưu chi xa, xuất nhập cửu cư chung cứ thanh liên chi tòa.

Thanh lương hỏa trạch, thê tức hóa thành. Tạc tỉnh phùng nguyên tiễn tế lao sanh chi muộn. Chỉ y xuất bảo, tần tư túy khách chi cơ.

Kiến văn tùy hỷ thượng kết Phật quả chi duyên, tín thọ phụng hành vĩnh xứ chơn thường chi lạc. Kinh công đức lực tán mạc năng cùng.

Nghĩa là kinh Pháp hoa là yếu chỉ của Phật và nhận được yếu chỉ tu hành thì vượt trên Tam thừa.

Nhận được yếu chỉ kinh Pháp hoa, ngài Cưu Ma La Thập nói Diệu pháp Liên hoa là hoa sen trắng. Yếu chỉ của Phật là gì. Tất cả mọi người muốn vào thế giới Phật có được sự mầu nhiệm, đầu tiên thân tâm phải trong sạch, tức phải có đạo đức, không phạm bất cứ lỗi lầm nào. Đó là sự đòi hỏi quan trọng nhất để thấy Phật, hiểu Phật là tu Phật thừa. Nếu không hiểu yếu chỉ thì còn kẹt ngữ ngôn văn tự kinh.

Trong sạch hóa thân tâm tối thiểu phải chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, tức không lệ thuộc cuộc đời, không lệ thuộc cơm ăn, chỗ nghỉ, khen chê trong cuộc sống cũng như hoa sen mọc trong bùn nhưng không nhiễm bùn mà trái lại, còn tỏa hương cho đời.

Người tu là người phàm mang thân tứ đại ngũ uẩn nhưng đã chuyển hóa được tứ đại ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn. Ví như hoa sen chuyển đổi hôi tanh của bùn trở thành mùi thơm hương sen.

Vì vậy, chúng ta có bài nguyện hương trước Phật nói lên ý này:

Giới hương, định hương, dữ huệ hương

Giải thoát, giải thoát tri kiến hương

Quang minh vân đài biến Pháp giới

Cúng dường thập phương Tam bảo tiền.

Nghĩa là chúng ta phải giữ giới cho thanh tịnh là giới hương, phải vào định được là định hương, có cái nhìn chính xác là huệ hương, giải thoát hương, không còn kẹt ngữ ngôn văn tự là giải thoát tri kiến hương. Năm phần tâm hương này chúng ta dâng cúng Phật để chuyển thành năm phần Pháp thân, không phải chỉ đọc suông.

Đức Phật cũng có thân ngũ uẩn, nhưng Ngài đã chuyển hóa thành vô lậu ngũ uẩn mới có được Pháp thân vĩnh hằng bất tử.

Con người ngũ uẩn sanh diệt chuyển thành con người ngũ uẩn không sanh diệt là Pháp thân thường còn, đó là pháp tu quan trọng nhất. Vì vậy, mỗi ngày chúng ta đọc bài nguyện hương phải hiểu rõ ý nghĩa và suy nghĩ, ứng dụng để chuyển đổi thân ngũ uẩn hữu lậu này thành vô lậu ngũ uẩn là Pháp thân.

Buổi truyền hình trực tuyến do Báo Giác Ngộ tổ chức thực hiện

Người thường thấy Phật là Sa-môn có thân giống như mọi người, nhưng họ không thấy được Pháp thân Phật bên trong. Còn người thấy Pháp thân Phật, họ đắc La-hán. Thật vậy, khi Phật còn tại thế, các bậc chân tu thấy Phật và Phật chỉ gọi Thiện lai Tỳ-kheo là họ đắc quả La-hán liền, tức họ đã chuyển đổi được thân phàm thành Thánh thân La-hán trong một niệm tâm.

Hoa sen mọc từ bùn, nhưng thành sen thì đổ nước lên, hoa sen không dính nước. Trong vườn chùa Huê Nghiêm, tôi trồng nhiều sen để Tăng Ni, Phật tử nhìn sen mà nghĩ tới kinh Pháp hoa và thực tập kinh này trong cuộc sống. Sáng nào tôi cũng đi một vòng chùa, thấy hôm nay hoa sen nở thật to. Năm ngoái, vào ngày vía Đức Phật A Di Đà, có một cọng sen mà nở ra hai hoa sen, thật là kỳ diệu.

Tôi thích hoa sen nghĩa là tôi thích kinh Pháp hoa và thực tập theo yếu chỉ kinh. Nhìn hoa sen, tự nghĩ mình làm sao không vướng trần tục. Người tu phải thực tập pháp Phật, không nói suông, kiểm chứng để nhận ra được điều khó hiểu mà Phật dạy.

Chư Tăng về đây học, đi một vòng chùa thấy sen nở và sen không nở. Chúng ta phát hiện tại sao sen nở, tại sao không nở khiến mình liên tưởng đến người tu có kết quả và tu không đạt kết quả. Phải chăng mình có sai trái nào nên tu không kết quả được như người, để tự sửa mình cho tốt hơn.

Kinh Pháp hoa lấy hoa sen làm chuẩn nhưng bên trong còn có Diệu pháp. Pháp này là chân lý không thể giải thích, vì giải thích không còn là chân lý. Chân lý thì người tu chứng biết thôi. Phật nói ý này ví như người uống nước mới biết được vị nước như thế nào.

Tu hành đúng theo Phật dạy thì thấy chân lý, tiếp nhận được Diệu pháp và chỉ có người đó sử dụng được, không thể cho người khác. Cũng vậy, Phật không cho mình chân lý được, hay dù có cho, mình cũng không sử dụng được. Mình phải tu, phải tự chứng, phải thấy được yếu chỉ của Phật.

Giáo pháp của Phật rất nhiều, Ngài thuyết giảng suốt 49 năm kiết tập thành tam tạng kinh điển. Nhưng điều quan trọng phải nắm được yếu chỉ của pháp Phật và thực tập có kết quả; nếu không, uổng phí cuộc đời tu. Đó là ý nghĩa của câu mở đầu bài kệ khai kinh: “Pháp hoa kinh giả, nãi Giác Hoàng chi yếu chỉ”. Mình thấy Phật tu thành tựu quả vị Phật, nên mình cũng nắm lấy yếu chỉ đó để tu, chắc chắn mình cũng sẽ thành Phật. Không làm theo Phật thì không thể thành Phật.

“Thật Bồ-tát chi hạnh môn”, tức kinh Pháp hoa thực sự là hạnh Bồ-tát. Kinh này còn có tên là Giáo Bồ-tát pháp, Phật sở hộ niệm, đó là pháp dạy Bồ-tát tu để thành Phật, nên được Phật hộ niệm.

Bồ-tát có hai hạng là Bồ-tát mới phát tâm và Bồ-tát thành Phật rồi, vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời để giáo hóa chúng sanh. Bồ-tát này thành Phật rồi và tái sanh lại cũng hiện thân là Bồ-tát nhưng khác với Bồ-tát mới phát tâm. Thí dụ Bồ-tát thành Phật rồi hiện lại như Bồ-tát Quan Âm thị hiện làm Thị Kính cũng là người phải chịu nhiều nỗi khổ trong cuộc sống, nhưng về sau Ngài thành Phật. Bồ-tát mới phát tâm thấy Quan Âm có nhiều bất hạnh như vậy mà tu thành Phật khiến họ cũng phát tâm tu, nhưng thực sự họ tu khó vô cùng.

Thật vậy, kinh Pháp hoa phẩm Pháp sư thứ 10 nói rằng Bồ-tát thành Vô thượng Chánh đẳng giác vì thương nhân gian mà sanh lại, nếu ai xúc phạm họ thì phạm tội nặng hơn cả phỉ báng Tam bảo. Nhiều người đọc câu này tưởng lầm rằng mình tụng kinh Pháp hoa mà ai dám xúc phạm mình thì họ phải chết!

Chúng ta phải hiểu yếu chỉ Phật và hạnh Bồ-tát theo đó thực tập đúng mới có kết quả. Vì vậy, phải xét lại mình mới phát tâm hay là Bồ-tát thành Phật rồi sanh lại cuộc đời. Bồ-tát thành Phật rồi vì thương nhân gian sanh lại cuộc đời khác Bồ-tát mới phát tâm nhiều lắm.

Thật vậy, Bồ-tát thành Phật rồi thương nhân gian mà sanh lại thì tâm họ hoàn toàn thanh tịnh, dù họ mang thân tứ đại ngũ uẩn chịu nỗi khổ của thân tứ đại ngũ uẩn, nhưng tâm họ không khổ, nên họ tu hành thành đạo dễ dàng.

Thực tế chúng ta nhìn người tu không có nghiệp thấy rõ họ khác hẳn người tu đầy nghiệp chướng. Người tu có tâm bên trong tốt thì tu hành gặt hái kết quả nhanh chóng dễ dàng. Điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh khi còn bé, chưa tu, ngài theo mẹ lên núi Cấm. Hòa thượng Vạn Linh thấy ngài liền nói rằng chú này đời trước là Hòa thượng, đời này sẽ đi tu và cũng sẽ làm Hòa thượng Pháp sư. Các thầy đừng xem thường chú này mà mang tội.

Học với Hòa thượng Trí Tịnh, tôi thấy ngài giảng kinh Pháp hoa thuộc lòng chữ Hán, không cần cầm bản kinh. Thiết nghĩ đời trước ngài từng làm Hòa thượng Pháp sư, từng giảng kinh nên đời này ngài dịch kinh, giảng kinh dễ dàng là điều tất yếu. Đời trước chúng ta chưa tu, chưa học kinh nên đời này chúng ta tu học rất khó.

Bồ-tát thành Vô thượng Đẳng giác sanh lại gọi là Bồ-tát nhập ấm nghĩa là mang thân ngũ ấm tuy bị ngũ ấm ngăn che, nhưng tâm bên trong hoàn toàn sáng suốt. Chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca như vậy. Ngài sanh làm thái tử bị ngũ ấm ngăn che, nên Ngài cũng giống mọi ông hoàng tử khác, nhưng trong thâm tâm, Ngài có những điều không giống người thường.

Thật vậy, khi chưa đi tu, Ngài theo vua cha dự lễ hạ điền, Ngài không giống các hoàng tử khác. Ngài ngồi dưới gốc cây suy nghĩ trông thấy trong luống cày có nhiều con giun đất tróc lên, lũ chim sà xuống mổ ăn, gần đó có người thợ săn đứng nhắm bắn chim mà không hề hay biết có con hổ ở bụi cây gần đó sửa soạn vồ nuốt anh ta. Ngài nói rằng chúng sanh vì miếng ăn mà giết hại nhau thì cuộc sống như vậy có đáng sống không. Điều này thể hiện sâu kín trong tâm Ngài đã khác với người có nghiệp ác thấy gì cũng muốn phá, muốn giết. Như hoàng tử Đề Bà Đạt Đa thấy con chim nhạn đang bay liền giương cung bắn, dù mới 7 tuổi mà ông đã có nghiệp sát. Trong khi Phật thấy con chim bị thương thì Ngài cứu nó, chữa lành vết thương cho nó và thả nó về bầu trời tự do. Về sau, Đề Bà thấy Phật tu thành Phật sướng nên ông cũng đi tu, nhưng luôn tìm cách hại Phật và cuối cùng, lê tấm thân tàn về sám hối với Phật.

Vì vậy, nhìn bề ngoài thấy mọi người giống nhau, nhưng sâu kín bên trong thấy có Bồ-tát mới phát tâm, Bồ-tát Thập trụ, Bồ-tát Thập hạnh, Bồ-tát Thập hồi hướng, Bồ-tát Thập địa. Trong 52 quả vị tu chứng của Bồ-tát hoàn toàn khác nhau. Và Bồ-tát của kinh Pháp hoa có Bồ-tát Nhứt thừa cũng gọi là Bồ-tát và Bồ-tát mới phát tâm cũng gọi là Bồ-tát, nhưng hai hạng Bồ-tát này khác nhau.

Ảnh tác giả

Chúng ta phải hiểu yếu chỉ Phật và hạnh Bồ-tát theo đó thực tập đúng mới có kết quả. Vì vậy, phải xét lại mình mới phát tâm hay là Bồ-tát thành Phật rồi sanh lại cuộc đời. Bồ-tát thành Phật rồi vì thương nhân gian sanh lại cuộc đời khác Bồ-tát mới phát tâm nhiều lắm.

Bồ-tát mới phát tâm thấy người tu được lợi lạc thì cũng tu, nhưng tu vài ngày nhớ nhà là bỏ tu liền. Tôi thăm Hòa thượng Quảng Xả ở Kon Tum thấy nhiều chú điệu dễ thương người dân tộc. Lần sau tôi hỏi các chú điệu đâu rồi. Hòa thượng nói tụi nó bỏ về, vì các thầy lên đây phát quà có Phật tử đi theo cho bánh kẹo. Thấy vậy tụi nó nghĩ ở chùa sướng, có nhiều thức ăn, bánh trái, sống ở rẫy cực khổ. Nhưng đi tu ở chùa không có gì ăn, còn phải thức khuya dậy sớm tụng kinh và công quả, nên bỏ chùa về nhà, khổ vậy mà còn có thức ăn theo ý thích.

Mới phát tâm thấy người tu có kết quả tốt, nhưng vô tu không được gì thì thối tâm, trở về nhà là Bồ-tát sơ tín. Tu hành phải vượt qua cấp bậc sơ tín, với niềm tin kiên cố, dù có chết cũng không về. Thuở nhỏ đi tu, tôi cũng khổ, nhưng cố gắng vượt cũng được. Nhớ lại lúc còn bé đi học về không có thức ăn ngon thì nằm khóc, bà ngoại thương cháu, vội vàng đi mua thức ăn mình thích và còn phải dỗ dành mình mới chịu ăn.

Đến khi vô chùa tu, mình bệnh thiệt chỉ được cho bát cháo trắng với chút đường, nhìn thấy muốn khóc. Mà có khóc cũng chẳng ai dỗ, nên cũng chẳng dám khóc. Nhưng nghĩ lại mình lỡ đi tu thì thôi không về, chứ thực sự cũng khởi tâm muốn về lắm. Phải vượt chặng đường sơ tín chông gai khổ sở nhưng mình cố gắng vươn lên đi tới. Phật đã làm được. Mình là Bồ-tát sơ tín cũng bắt chước theo Phật thì thế nào cũng được.

Xưa kia, Phật bỏ thành đi tu, sống khổ cực vô cùng. Bấy giờ đường đường là hoàng tử mà theo ông sư lang thang trong rừng, ông bảo rằng phải chịu khổ nghe con! Ông chỉ hoàng tử trái cây này ăn được, không có trái thì ăn lá này cũng được, còn không có lá cây ăn được thì phải ăn rễ cây này, không phải rễ nào cũng ăn được đâu. Mình nghe thôi đã thấy ớn lạnh.

Hôm trước đi ra bờ sông, có một thầy nói với tôi rằng lá cây này ăn được, rễ cây này làm thuốc tốt. Tôi nói thầy này tu được, biết chấp nhận hoàn cảnh sống, đừng đòi hỏi theo kiểu không có cơm thì không chịu được. Ăn cái gì cũng được, thậm chí đói mà không có gì ăn, Hòa thượng Thanh Kiểm lên thiền sàng nhập định, hết đói, như vậy là tu được.

Trên bước đường tu, càng khó khổ, Bồ-tát càng ra công tu. Ý này được kinh Pháp hoa ví như đào giếng trên cao nguyên, thấy đất khô thì biết cách nước còn xa, nghĩa là mới phát tâm tu còn cách xa Phật, nhưng không thối tâm. Phải ra sức đào cho tới đất ướt là ta đã vượt được giai đoạn Bồ-tát Thập tín đến Bồ-tát Thập trụ.

Thực sự quyết chí tu hành mới thấy nghiệp giảm lần. Thật vậy, mới phát tâm tu thì nhu cầu của mình còn rất nhiều, nhưng cung ứng ít, nên lúc nào cuộc sống cũng thấy thiếu thốn khiến dễ bỏ cuộc.

Nhưng đào giếng đến đất ướt nghĩa là tu được thì nhu cầu hạ xuống, nói cách khác, nghiệp chúng ta giảm thì phước của chúng ta mới tăng được, tức nhu cầu của chúng ta giảm, cung ứng tự tăng. Thực tế là khi các thầy muốn nhiều thì không được ví như mình đào giếng cách nước còn xa, nghĩa là phải tự biết mình cách đạo còn xa. Phải ráng tu cho đến khi nào mức cung và mức cầu bằng nhau, bấy giờ mình không muốn gì nữa, nhưng điều tốt lành tự tới, không cần ai cung kính, cúng dường, giúp đỡ, nhưng mình được nhiều người giúp đỡ. Nghĩa là mình đã đào giếng tới đất ướt, đất bùn sắp tới nước. Tu đạo Bồ-tát cũng như thế, nghe được kinh Pháp hoa là biết họ gần tới Vô thượng Chánh đẳng giác.

“Bồ-tát chi hạnh môn” là cách tu của Bồ-tát từ sơ phát tâm cho đến thành Vô thượng Chánh đẳng giác phải trải qua chặng đường dài. Khi cung ít mà cầu nhiều thì biết mình mới phát tâm. Nhưng đến giai đoạn tu hành, mức cung và mức cầu ngang nhau là đã đi được nửa chặng đường. Lúc này không cần tiền, nhưng Phật tử cúng thì ta lại dùng tiền này vào việc khác, tức dùng sai mục tiêu thì ta bị đọa.

Trên bước đường tu, càng khó khổ, Bồ-tát càng ra công tu. Ý này được kinh Pháp hoa ví như đào giếng trên cao nguyên, thấy đất khô thì biết cách nước còn xa, nghĩa là mới phát tâm tu còn cách xa Phật, nhưng không thối tâm.

Hòa thượng Thiện Tường xưa kia tâm sự với tôi rằng ngài trì kinh Pháp hoa, không muốn gì của cuộc đời này, nên ngài mới nghĩ dùng tiền cúng dường để cất chùa, nuôi Tăng, dạy chúng cho thí chủ có công đức. Hòa thượng đã chịu cực xây dựng chùa Giác Nguyên, 60 năm trước qua chùa này đường đi rất khó khăn, không thể đi xe, phải đi bộ.

Trên bước đường tu, nghĩ rất cần tiền nhưng không ai cúng thì tự biết mình cách đạo còn xa, dù có tụng một ngàn bộ kinh Pháp hoa cũng chỉ là văn tự kinh thôi, không phải yếu chỉ kinh.

Tụng được yếu chỉ kinh, Phật mới sai Bồ-tát Đại Trang Nghiêm mang tiền đến cho mình làm đạo. Nhưng xài tiền không đúng sẽ mất phước, không ai cúng nữa thì nhu cầu tăng mà mức cung ứng không có sẽ rơi vào hoàn cảnh khổ đau.

Tu Bồ-tát đạo, từng chặng đường kiểm nghiệm xem ta đang ở vị trí Bồ-tát Thập tín hay qua Thập trụ là hành đạo được vững chãi, không bị lay động dù hoàn cảnh nguy khó vẫn tiến tu. Được như vậy là tiến qua vị trí của Bồ-tát Thập hạnh để thực hiện sáu pháp hay mười pháp Ba-la-mật. Và khi đó có điều kiện rồi, mới ứng dụng trong cuộc sống, coi đó là phương tiện để tu. Vì nếu các thầy muốn bố thí nhưng không có người xin thì làm sao cho, muốn nhẫn nhục nhưng không có người đánh mắng làm sao mình nhẫn chịu. Vì vậy cần thực tập sáu pháp Ba-la-mật để tâm mình được thuần tịnh.

Trong sáu pháp Ba-la-mật, trước hết là bố thí, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 tràn ngập, có rất nhiều việc khó cần hỗ trợ. Tôi bảo thầy Thanh Phong là Trưởng ban Từ thiện xã hội của TP.HCM nên phát tâm tặng những phần cơm cho các đoàn y tế, các bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến, các người nghèo khó khăn… Và thầy phát tâm làm việc từ thiện thì số người có điều kiện ủng hộ thầy càng ngày càng nhiều. Mỗi ngày, các thầy ở chùa Vĩnh Nghiêm cùng thầy Thanh Phong ngưng tụng niệm để xắt gọt rau củ, nấu thức ăn, từ ban đầu cho 1.000 phần cơm mỗi ngày rồi tăng lên 5.000 đến 10.000 phần cơm. Có điều kiện thì nên bố thí sẽ được các Bồ-tát lớn ủng hộ giúp mình làm có kết quả tốt đẹp.

Bố thí như vậy là Bồ-tát mới phát tâm, không phải bố thí Ba-la-mật. Nhưng bố thí là những gì mình không cần mà người khác cần thì mình cho.

Thứ hai là người khác cần hơn, mình cũng hy sinh cho, dù mình cũng cần, vì mình ở chùa khỏe mạnh, trong khi nhiều người bệnh và cần thức ăn. Thí dụ Phật tử cúng mấy chục thùng sữa cho chư Tăng an cư chùa Huê Nghiêm, tôi bảo đem qua tặng cho bệnh viện dã chiến gần đó.

Thứ ba là bố thí cao hơn, nghĩa là mình hy sinh, thậm chí hy sinh cả mạng sống để cứu người. Thể hiện hạnh này, một số Tăng Ni và Phật tử đã phát tâm vào bệnh viện dã chiến để chăm sóc bệnh nhân bị Covid-19, là hy sinh sức khỏe và thân mạng để cứu giúp người bệnh, rủi bị lây bệnh chết cũng được. Ban đầu giúp người bằng những việc làm nhỏ cho đến hy sinh mạng sống, kể cả chết cho người khác sống là thực hiện Bồ-tát đạo, tu từng cấp bậc khác nhau. Không phải tu Pháp hoa chỉ là lên chánh điện tụng cả bộ kinh Pháp hoa. Tụng kinh Pháp hoa chỉ mới đọc văn tự, chưa biết việc của Bồ-tát, chưa làm việc của Bồ-tát mà nói hành Bồ-tát đạo theo Pháp hoa là sai.

Hành Bồ-tát đạo, tùy từng chặng đường và tùy theo thân phận mà chúng ta làm được những việc lợi ích khác nhau cho cuộc đời thì mới sanh công đức, mới làm người phát tâm và tạo được quyến thuộc Bồ-đề, cho đến viên mãn phước đức và trí tuệ mới thành tựu quả vị Phật.

Bài giảng ngày 7-8-2021 tại trường hạ chùa Huê Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày