Y Xim Ndu và khát khao giữ gìn văn hóa bản địa

Y Xim Ndu trong một chuyến hướng dẫn hành trình leo núi
Y Xim Ndu trong một chuyến hướng dẫn hành trình leo núi
0:00 / 0:00
0:00
GN - Cuộc đời ai cũng có ước mơ và lý tưởng. Vấn đề là ở mỗi chúng ta, ai có đủ bản lĩnh “cháy” hết mình để vừa tìm hạnh phúc cho bản thân, vừa đem lại những giá trị hữu ích với cộng đồng.

Y Xim Ndu (sinh năm 1992 ở buôn Yuk La 1 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) là người như vậy. Đang có một công việc nhà nước ổn định, Y Xim Ndu quyết định nghỉ việc và theo đuổi đam mê làm du lịch khám phá trải nghiệm gắn liền với việc giới thiệu văn hóa của người bản địa, tạo một không khí mới vào du lịch xanh tại địa phương.

Những chuyến đi…

Sau một ngày leo núi và ngủ rừng, tôi và mọi người trong đoàn lên tới đỉnhChư Yang Lắk cao gần 1.700m, nằm sát bên Vườn quốc gia Chư Yang Sin thuộc Ban Quản lý Rừng lịch sử văn hóa môi trường hồ Lắk của huyện Lắk. Phía dưới chân núi là đồng bằng hồ Lắk rộng lớn bao quanh các buôn làng của người dân tộc M’nông bản địa.

Mây trắng bay là đà quanh chúng tôi, những ngọn núi và mây lúc ẩn lúc hiện, đến đi dưới cái nắng và gió sớm đẹp trong lành. Sau một hồi choáng ngợp với cảnh sắc đẹp đẽ đó, chúng tôi mỗi người trong đoàn chọn một góc ngồi yên, thả lỏng và hòa mình vào với thiên nhiên đất trời, để thấy mình được rừng ôm trọn đầy tình thương.

Chị Phương Anh, sinh viên ngành văn hóa và du lịch Trường Đại học Sài Gòn, chọn chuyến leo núi với ý định đi để trải nghiệm, tìm hiểu về bản sắc của người đồng bào M’nông. Phương Anh chia sẻ, vì sợ độ cao, ngại tiếp xúc với những người bạn mới nên dù thích đã lâu mà chưa dám thử sức, nhưng bạn dám tham gia chuyến trải nghiệm này vì một phần nhờ có sự an tâm ở Y Xim Ndu.

“Sau chuyến đi tôi đã giỏi hơn rất nhiều so với mình ngày trước, đã dám làm những điều trước giờ mình sợ và cảm thấy đầy tự hào về bản thân. Được Y Xim Nduvàcác anh người bản địa hướng dẫn hiền lành tốt bụng, những người bạn mới với lúc nào cũng rạng rỡ, đầy ắp tiếng cười. Tôi thấy sự sống dâng đầy khắp nơi và tự tin trở lại”, Phương Anh bộc bạch.

Tôi thì chú ý ở câu chuyện Y Xim Ndu chia sẻ khi bắt đầu vô rừng: “Ở đây mỗi ngọn núi, con sông, ngọn thác.... đều có tên gọi mang ý nghĩa của nó gắn liền với những sự tích, những câu chuyện sử thi, thần thoại. Và cuộc sống của người bản địa ở đây vốn gắn liền mật thiết với thiên nhiên rừng núi, họ có tín ngưỡng đa thần, họ tin rằng vạn vật đều có linh thiêng. Nhờ vào niềm tin đó mà họ có những điều răn, những luật tục nhằm duy trì tốt đạo đức con người và xây dựng cuộc sống bền chặt tôn trọng thế giới tự nhiên”.

Trên hành trình leo núi, Y Xim Ndu chỉ cho chúng tôi những đoạn mà đoàn từng hướng dẫn cho khách trồng rừng vào mùa mưa, để lưu lại kỷ niệm trên ngọn núi họ chinh phục, tạo cho họ về tình yêu thiên nhiên thông qua trồng một cái cây.

Sau hành trình trải nghiệm ở trong rừng, săn mây trên núi, chúng tôi được trở về với buôn làng, trong không gian nhà sàn ăn bữa cơm chia tay với những món ăn truyền thống bản địa, thưởng thức thêm buổi biểu diễn cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc của các bác trong buôn làng. “Đó cũng là một cách giúp bảo tồn, duy trì thực hành những nét văn hóa mà đang trên đà mai một dần khi thế hệ cha ông dần vắng bóng”, Y Xim Ndu bày tỏ.

“Khởi nghiệp xanh”

Năm 2018, Y Xim Ndu quyết định nghỉ việc tại một cơ quan nhà nước. Vì muốn phát triển du lịch trải nghiệm thiên nhiên và phát triển văn hóa bản địa, anh đã lên Sapa, Đà Lạt học cách làm du lịch của người bản địa, làm homestay. Rồi sau đó, để chuẩn bị vốn khởi nghiệp, Y Xim Ndu sang Campuchia xin làm giám sát quản lý nông trường trồng trái cây của công ty về lĩnh vực nông nghiệp.

Y Xim Ndu, chàng trai khát khao giữ gìn văn hóa bản địa

Y Xim Ndu, chàng trai khát khao giữ gìn văn hóa bản địa

Hơn 1 năm làm tại đây được tiếp xúc cộng đồng bản địa cùng hệ ngôn ngữ văn hóa với Tây Nguyên, được tham dự những lễ hội văn hóa còn giữ nguyên sơ, lễ hội cồng chiêng, lễ mừng lúa mới đã giúp Y Xim Ndu mạnh mẽ, tự tin hơn. “Tôi có cơ duyên hiểu hơn về văn hóa, nguồn cội của mình và thôi thúc gìn giữ văn hóa truyền thống và phát triển nó lên. Tôi nghĩ tới du lịch sinh thái. Thật ra có nhiều cách để phát triển văn hóa và bảo tồn, nhưng du lịch là một cách khi đưa ra biểu diễn thì nhiều người biết đến hơn”, Y Xim Ndu chia sẻ.

Y Xim Ndu quyết định về Việt Nam và “khởi nghiệp” năm 2020. Ban đầu anh tổ chức đi theo nhóm bạn, viết chia sẻ đăng trên các group và dần dần mọi người biết nhiều và có một lượng khách ổn định từ TP.HCM.

Trong quá trình làm, Y Xim Ndu cho biết khó khăn lớn nhất là sự không ủng hộ của người thân vì muốn con làm công việc nhà nước ổn định, an nhàn. Nên phải đến khi công viêc bắt đầu có thu nhập và liên kết với một nhóm các bạn trẻ gìn giữ văn hóa bản địa ở huyện thì người nhà ủng hộ và thích thú với cách làm của Y Xim Ndu.

Giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống bản địa

Y Xim Ndu chia sẻ từ nhỏ đã yêu thích thiên nhiên, vì cuộc sống luôn gắn với núi rừng, với những tín ngưỡng văn hóa tôn trọng rừng, như khi vào rừng không khen chê, khi chặt cây phải xin phép thần cây, khi phát rừng làm rẫy thì đều làm lễ xin phép, khi vào rừng hái rau hay măng rừng đều hái vừa đủ dùng chứ không lấy quá nhiều, mà chừa lại để thiên nhiên tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Rồi khi đọc được cuốn sách Chúng tôi ăn rừng của nhà dân tộc học người Pháp là Georges Codominas từng cùng ăn, cùng ở để nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa của người M’nông Gar ở Làng Sar Luk (nay xã Krông Knô, huyện Lắk), có một câu nói của ông mà Y Xim Ndu rất tâm đắc thao thức: “Muốn bảo tồn gìn giữ văn hóa không phải phụng dựng lại để quay phim chụp hình, mà nó phải đi vào từng ngôi nhà, từng con người, từng những gia đình thì mới là cách gìn giữ lưu truyền văn hóa”.

Nên những thời gian rảnh Y Xim Ndu đi “điền dã” về các buôn làng xa xôi gặp người lớn tuổi để nghe họ kể lại về văn hóa, bài hát dân ca, lời cầu khấn, đều ghi âm lại và ghi chép lại, để dành cho thế hệ sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày