Có một học bổng đặc biệt dành cho nữ sinh 17 tuổi

Lễ trao học bổng được tổ chức ngay tại khuôn viên Tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang
Lễ trao học bổng được tổ chức ngay tại khuôn viên Tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang
0:00 / 0:00
0:00
GN - Xúc động, nghẹn ngào là cảm xúc chung của phụ huynh và học sinh khi nhận được suất học bổng tiếp sức đến trường do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, đại diện Quỹ học bổng Quách Thị Trang, trao tặng vào ngày 9-1-2022.

“Khi em biết mình được nhận học bổng Quách Thị Trang, em khoe với mẹ mà không cất thành lời. Em nói lấp vấp mẹ ơi con được nhận học bổng… Đống phế liệu đang được mẹ ôm lên xe chuẩn bị chở đi bán bất chợt rớt xuống ‘uỵch’ một cái. Mẹ ôm lấy em, rồi hai mẹ con cùng khóc…”, Em Nguyễn Vũ Quỳnh Nhi, học sinh lớp 11 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Công Trứ (TP.HCM) chia sẻ.

Cả đêm hôm trước ngày trao học bổng, Quỳnh Nhi và mẹ không ngủ được. Hai mẹ con lo đủ thứ: xe không có giấy tờ, không có bằng lái, không biết đường đi. Vì đây là lần đầu em và mẹ đi xe máy ra khỏi quận để đến được Công viên Bách Tùng Diệp, nơi đặt Tượng đài Quách Thị Trang và cũng là nơi diễn ra buổi trao học bổng.

Ba của Quỳnh Nhi mất sớm, khi em chỉ mới 5 tuổi. Một mình mẹ Quỳnh Nhi phải vất vả mưu sinh nuôi 3 đứa con. Vì cả 3 đứa con đều có bệnh, phải chữa trị và vào bệnh viện triền miên nên chị Lan, mẹ của Quỳnh Nhi, dù người cũng có bệnh, nhiều ngày tim trở nặng, thở dốc mệt nhọc, bị thoát vị đĩa đệm nhưng vẫn cố gắng làm lụng không dám nghỉ ngơi.

Những ngày dịch bệnh, Quỳnh Nhi phải học online. Chiếc điện thoại em sử dụng cho việc học được mua bằng tiền mẹ vay mượn mỗi chỗ một chút, mà đến giờ vẫn chưa đủ tiền để trả hết. Chính vì vậy, khi biết mình được nhận học bổng, chị Lan và Quỳnh Nhi vô cùng mừng rỡ. “Con nhận được học bổng, với nhà mình phần quà này lớn hơn được trúng số”, Chị Lan nói.

Đón phần học bổng từ tay con, chị Lan cứ nhắc đi nhắc lại, đó là khoản tiền rất lớn.

Quỳnh Nhi và mẹ trong ngày nhận học bổng

Quỳnh Nhi và mẹ trong ngày nhận học bổng

“Con nói được nhận học bổng, ba đêm mình không ngủ được”

Đó là chia sẻ của chị Mến, mẹ của Nguyễn Thị Anh Thư, học lớp 11 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Công Trứ (TP.HCM). “Vì vui khi con nhận học bổng, có lúc chảy nước mắt vì mừng, vì an tâm được phần nào con sẽ có tiền đến trường, không bị gián đoạn năm học lớp 12”, chị Mến nói.

Trong tâm khảm của chị, nỗi lo về con luôn thường trực, trong đó, lắm lúc chị sợ con “gãy gánh” giữa đường. Anh Thư kể gia đình em đã từng là một gia đình hạnh phúc nhưng từ năm 2015, biến cố xảy ra, ba em mất vì bệnh, một mình mẹ phải làm việc để nuôi em ăn học, lo chuyện ăn uống, sinh hoạt trong gần hơn 6 năm trời mà không có ai ở bên cạnh chia sẻ. “Lúc nhỏ em không biết đến những sức nặng của việc này nhưng càng lớn em mới nhận ra rằng mẹ em đã phải chịu khổ cực rất nhiều”, Anh Thư chia sẻ.

Chị Mến, năm nay đã 57 tuổi, vẫn phải làm việc vất vả cả ngày, đổi lấy phần lương ít ỏi và bấp bênh, chỉ khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng, gói ghém để con được đến trường. “Vì thế mà, hai suất học bổng Quách Thị Trang em được nhận rất là có ý nghĩa với em và các bạn. Nhờ có nó mà việc tiền học ở học kỳ II của em sẽ đỡ được cho mẹ rất nhiều. Mẹ sẽ đỡ phải lo vừa phải tiền học, rồi tiền sinh hoạt, chi phí khác nữa. Em cố gắng gói ghém để có thể dùng cho năm học sau”, Anh Thư trải lòng.

Một suất học bổng đặc biệt Quách Thị Trang, tổng trị giá gồm 2 triệu đồng và 100 USD. Với nhiều người, số tiền đó không là bao, nhưng với hành trình vượt khó để nuôi con chữ của các em học sinh và phụ huynh, thì đó là số tiền rất lớn và nhiều ý nghĩa. Nó là chiếc phao giúp các gia đình nghèo đỡ vất vả hơn và cũng là tình thương, sự động viên, tiếp sức để các em học sinh khó khăn có cơ hội vững bước đến trường.

Những niềm riêng chưa kể

Trong phút giây xúc động khi cầm học bổng trên tay, Anh Thư kể cho chúng tôi nghe về kế hoạch của mình: “Em muốn học hết lớp 12, rồi thi vào Trường Đại học Sư phạm, trở thành giáo viên để có thể thực hiện được những việc thiện, trở lại tiếp sức cho các học trò có hoàn cảnh như mình”.

Còn với Quỳnh Nhi thì: “Điều em sợ nhất là là mẹ buồn. Năm em học lớp 7, vì nhà nghèo nên mẹ không tiền mua áo quần mới cho em, dù em đã cao hơn những năm trước nhưng vẫn mặc đồ cũ. Cái quần trở nên ngắn cũn khiến em bị các bạn gọi là ‘Quỳnh què’, dù tên em là Quỳnh Nhi. Mặc dù em đã cố giấu, nhưng mẹ biết được, mẹ buồn hơn em”.

“Niềm vui nhất của mẹ là khi nghe tin tốt về chuyện học của em. Khi bước vào cấp 3, em gặp được một giáo viên ở gần nhà dạy môn Toán. Mặc dù cô không dạy bộ môn trong lớp em nhưng biết hoàn cảnh gia đình, cô thương và đã mời chị em em vào học thêm môn Toán của cô hoàn toàn miễn phí. Mẹ em đã rất hạnh phúc”, Nhi chia sẻ thêm.

Khi nhận được suất học bổng đặc biệt Quách Thị Trang, Quỳnh Nhi cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, cảm ơn liệt nữ Quách Thị Trang và những người tài trợ đã giúp cho em và các bạn khác phần học bổng ý nghĩa này. “Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống xét duyệt học bổng cho em dù chưa dạy em ngày nào nhưng là người thầy đáng quý đã kết nối mạnh thường quân, đã chắp cánh, nối dài ước mơ cho em và nuôi tia hy vọng cho cả gia đình em”, Nhi nói.

“Chương trình học bổng Quách Thị Trang được tổ chức từ năm 2014 để tưởng niệm liệt nữ đã hy sinh khi tham gia cuộc biểu tình tại chợ Bến Thành ở Sài Gòn ngày 25 tháng 8 năm 1963.

Năm nay, chúng tôi trao 56 suất học bổng. Đọc tất cả hồ sơ nộp cho chương trình học bổng Quách Thị Trang năm nay, tôi thấy nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn về kinh tế mà tình hình dịch bệnh Covid-19 càng làm cho khó khăn hơn, có nhiều học sinh mồ côi, có nhiều học sinh chỉ có mẹ nuôi dưỡng, có học sinh mà cả cha mẹ đều đau yếu… nhưng các em đều rất cố gắng học tập.

Tôi mong trong những năm tới có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ nhiều học bổng hơn nữa và tăng mức học bổng lên chút nữa để giúp động viên cho nhiều học sinh nghèo cố gắng học tập hơn nữa”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày