GN - Hai người cùng nằm trong một phòng bệnh. Họ đều bị bệnh rất nặng. Và ngày nào, người nằm gần cửa sổ cũng kể cho người kia nghe những câu chuyện đang xảy ra bên ngoài song cửa. Chuyện kể về cuộc sống hối hả, kể về con người, hoa lá, chim muông đang tràn ngập sức sống. Cho đến một ngày, căn phòng chỉ còn lại một người. Người nằm gần cửa sổ đã đi về một nơi xa xôi của thế giới bên kia. Đó cũng là lúc người còn lại hồi phục sức khỏe và biết được rằng, người vẫn ngày ngày kể chuyện cuộc sống bên ngoài cho mình nghe là một người… mù.
Nồi cháo tình thương trong bệnh viện, nâng đỡ cho những bệnh nhân nghèo
Tôi đã từng xem câu chuyện ấy trên truyền hình. Thật cảm động và đáng khâm phục. Một người bị bệnh hiểm nghèo, mù lòa nhưng vẫn lạc quan về cuộc sống. Đáng trân trọng hơn, dù bệnh tật có làm đau đớn thì con người cao cả ấy vẫn đem lại tia hy vọng sống, giúp cho người kia có ý chí vượt qua tật bệnh. Đến những giây phút cuối đời, trái tim người ấy vẫn đập những nhịp đập yêu thương.
Thật đáng buồn vì trong xã hội hiện nay, xu hướng “vật chất hóa” đã len lỏi vào trong cuộc sống của không ít người. Một bộ phận thanh thiếu niên giết chết vốn thời gian bằng những cuộc chơi xô bồ. Một số bạn trẻ lại chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình, không quan tâm, giúp đỡ người khác. Cá biệt, lại có người đề cao giá trị vật chất, bỏ qua những giá trị tinh thần cao đẹp.
Chúng ta được sinh ra, lớn lên là đã may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người. Quanh ta, đâu đó, trong cuộc sống này, vẫn còn những mảnh đời bất hạnh. Họ không chỉ cần được giúp đỡ về vật chất mà họ còn mong nhận được những món quà tinh thần. Có thể chỉ là một lời động viên, một lời an ủi, một lời khuyên chân thành.
Chúng ta không phủ nhận giá trị của tiền tài, vật chất đối với việc duy trì sự sống. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, vật chất không phải là thứ duy nhất làm nên giá trị của cuộc sống này. Tình thương yêu giữa con người với con người, sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau mới chính là linh hồn cuộc sống.
Cuộc sống này sẽ vô vị biết bao khi chúng ta mở mắt ra mà không đón nhận được linh hồn của nó. Có buồn không những lúc ta thấy mình cô đơn, lạc lõng giữa đất trời: không một tiếng cười, không một âm thanh, không một ánh mắt nhìn ta. Đã bao giờ chúng ta nghĩ rằng, một lời chào, một lời cảm ơn, một lời xin lỗi cũng đủ làm tim ta ấm áp vô cùng?
Có lẽ, không một ai có đủ tiền tài, vật chất để giúp đỡ, sẻ chia cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhưng họ có đủ tình yêu thương để thắp lên ngọn lửa của niềm tin và sức sống trong tim mỗi người. Tình yêu thương ấy, theo nghĩa rộng, gồm tất cả sự đồng cảm, lòng vị tha, sự quan tâm trong những mối quan hệ của cuộc sống muôn hình vạn trạng. Phải yêu thương người, yêu thương đời, yêu thương muôn loài.
Nhiều người trong chúng ta luôn ước mong hạnh phúc sẽ đến với mình. Nhưng chắc rằng, không nhiều người hiểu hạnh phúc chính là khi ta san sẻ yêu thương. Đó là Nhân quả!
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình!”. Vâng, chúng ta đã nhận rất nhiều từ cuộc sống nhưng không thể nào đếm hết được. Và thay vì cân đo đong đếm những gì đang có, hãy trao tặng những gì mình có cho những người kém may mắn hơn mình. Trao yêu thương sẽ nhận nụ cười, hạnh phúc sẽ luôn bên cạnh chúng ta.
Nếu chúng ta chỉ mãi sống cho riêng mình, đồng nghĩa với việc đã gieo mầm khổ đau, phiền não, cô độc. Ngay từ hôm nay, ta hãy sống vì chính mình và vì mọi người, hãy gieo mầm thương yêu vào trái tim ta. Hãy để tim ta luôn đập nhịp đập yêu thương và đến khi bước tới cuối con đường, ta cũng không bao giờ phải hối hận!
Tâm Thanh
LTS: Bạn nghĩ gì về “tình yêu thương và hạnh phúc”, nhất là trong “bối cảnh” tình yêu thương bị đưa xuống hàng nhì, hàng ba và những giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ, vị kỷ đang gia tăng nơi người trẻ? Mọi chia sẻ về chủ đề trên, bạn có thể cộng tác với Giác Ngộ Online qua các bài viết cảm nhận, suy tư trăn trở, hoặc kinh nghiệm sống, những kỷ niệm của chính bạn, hoặc người mà bạn có duyên gặp gỡ, tiếp xúc..., vui lòng gửi về bandocgiacngo@gmail.com hoặcphatgiaovatuoitre@gmail.com. Các bài viết phù hợp sẽ đăng trên chuyên mục Phật giáo - Tuổi trẻ của Giác Ngộ Online và sẽ chọn đăng trên Giác Ngộ - báo in hàng tuần. Rất mong được đón nhận sự cộng tác từ bạn đọc! |