Vua Đinh ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vua lập chức Tăng thống Phật giáo (người đứng đầu giáo hội) và đặt chức quan Tăng lục. Động thái này, Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Thái bình thứ hai (971) bắt đầu quy định cấp bậc văn, võ, tăng đạo… Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục…”. | ||
Đại sư Ngô Chân Lưu là tăng tài xuất chúng, được phong làm quốc sư – thày của vua. Sang thời tiền Lê và thời Lý, đại sư Khuông Việt tiếp tục làm Tăng Thống và quốc sư, tham dự triều chính. Việc Khuông Việt thiền sư khuông phò nước Việt qua 3 triều đại: Đinh, Lê, Lý là tinh thần dân tộc rất đặc thù của Phật giáo Việt Nam: phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân vì đất nước, vì nhân dân, mà không phải phục vụ quyền lợi riêng một dòng họ, triều đình. Tinh thần khoáng đạt này khác với tinh thần “trung thần bất sự nhị quân” (tôi trung không thờ hai chúa) của nhà Nho.
Được sự vận động ngầm của các thiền sư, Lý Công Uẩn Thân vệ lên ngôi hoàng đế năm 1010, hiệu là Lý Thái Tổ, mở ra cơ nghiệp nhà Lý. Theo Đại việt sử ký toàn thư, Vạn Hạnh bảo Lý Công Uẩn rằng: “Mới rồi, tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân Vệ là người khoan thứ, nhân từ, được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân Vệ thì còn ai nữa”. Bằng tài đa văn quảng kiến, một lòng vì nước, chính thiền sư Vạn Hạnh đã thuyết phục được nhà Vua xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La – Thăng Long. Sư Vạn Hạnh, không chỉ được biết đến là một thiền sư lỗi lạc còn được biết đến như một nhà phong thủy, dịch lý thời danh. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang ghi: “Ta có nhiều lý do để tin rằng Quốc sư Vạn Hạnh, thầy của Lý Công Uẩn, là người đã thuyết phục vua này dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long trong ý nguyện bảo vệ cho nền độc lập lâu dài…”. Tầm nhìn của Quốc sư Vạn Hạnh là rất lớn. Lý Nhân Tông (1072 -1127) đã ca ngợi: “Vạn Hạnh dung tam tế/ Chân phù cổ sấm ky/ Hương quan danh Cổ Pháp/ Trụ tích trấn vương kỳ”, dịch là: “Vạn Hạnh thông rõ ba đời (quá khứ, hiện tại, tương lai)/ Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa/ Quê hương Cổ Pháp bây giờ/ Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền”. Quốc sư Vạn Hạnh là hình ảnh tiêu biểu về những gì mà Phật giáo Việt Nam và một tu sỹ Phật giáo Việt Nam đã đóng góp cho dân tộc. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ tự tay viết chiếu dời đô truyền khắp thiên hạ rằng: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm của trời đất; được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại trên hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cái cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?” Lý Công Uẩn được giáo dục ở nhà chùa từ thuở nhỏ, dưới sự chăm sóc nuôi dạy của thiền sư Lý Khánh Văn và Vạn Hạnh, bản tâm thấm nhuần giáo lý trí tuệ, từ bi, vô ngã, vị tha và vô úy của Phật giáo, đã tự mình đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc song hành với chủ trương phát huy văn hóa Phật giáo, có tầm nhìn rộng và xa về lịch sử, thời đại. Quyết định dời đô về thành Đại La (Thăng Long – Hà Nội) vì sự vững bền của đất nước, đã truyền vào lịch sử dân tộc một sức sống mãnh liệt của trí tuệ, từ bi và tinh thần độc lập, tự chủ, bất khuất. Trí tuệ ấy, tinh thần ấy là sức mạnh của Bắc thắng Tống, Nam bình Chiêm; cũng chính là sức mạnh của ba lần đại phá quân Nguyên Mông, đánh sụp quân Minh, Thanh; sức mạnh của chiến thắng xâm lược Pháp, Mỹ... Trí tuệ ấy, tinh thần ấy đã mở ra một nghìn năm lịch sử Thăng Long – Hà Nội, thủ đô của hòa bình, ánh sáng của xã hội chủ nghĩa Việt Nam bây giờ: Thăng Long là ý nghĩa hưng khởi của đất nước, hưng khởi sức mạnh của dân tộc, của hồn thiêng đất nước. (Còn nữa) |