3 kiểu người đi chùa

Ảnh: Làng Mai
Ảnh: Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Dịp Tết vừa rồi có một Phật tử đến chùa, thường thì cô đi chung với một cô bạn nữa, nhưng năm nay cô đi một mình. Tôi hỏi người bạn kia đâu, cô nói rằng cô kia đã thoái Bồ-đề tâm rồi, vì thấy rằng đi chùa bao nhiêu năm nhưng không được gì.

Có nhiều lý do để người ta đi chùa hay cúng chùa, nhưng phổ biến nhất là có ba lý do sau: Một là đi chùa vì cảm tình. Hai là vì mong cầu điều gì đó. Và ba là có lòng tin chân chính.

Đi chùa vì cảm tình có nghĩa là mình thấy chùa cũng hay hay cho nên đi. Đi vì phong trào, thấy người ta đi hay bạn bè rủ nên mình đi. Hoặc có cảm tình với vị trụ trì hay một vài vị Tăng Ni nào đó nên đến chùa và cúng chùa. Đã là cảm tình thì sẽ dễ thay đổi. Khi vị Tăng Ni đó không làm mình vừa lòng, hoặc giả đi một thời gian thì tự nhiên chán không đi nữa. Đó là kiểu người thứ nhất đi chùa.

Kiểu người thứ hai là đi chùa để mong cầu, cầu xin cái gì đó. Kiểu người này coi Phật và Bồ-tát như vị thần linh có thể ban phước giáng họa. (Đó là quan niệm dân gian, chứ thật ra không có thần linh nào có thể làm điều đó). Họ đi chùa để cầu khẩn van xin Phật ban cho mình những lợi ích vật chất như buôn may bán đắt, làm ăn phát tài... Nhưng sau một thời gian cầu xin không có kết quả thì họ liền không đi chùa nữa, vì cho rằng Phật không linh, không phù hộ.

Kiểu người thứ ba đi chùa vì lòng tin chân chính. Tin chân chính còn gọi là tịnh tín hay lòng tin thanh tịnh, nghĩa là niềm tin dựa trên sự hiểu biết. Theo thiển ý của tôi thì Phật tử chúng ta nên có những hiểu biết cơ bản như sau:

Một là không thể có chuyện khi khổng khi không mà hưởng được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những điều tốt đẹp đó phần lớn là do ta đã tạo nhân lành trong quá khứ. Sự cần cù và khôn khéo chỉ có tác dụng trợ duyên. Nếu chúng ta không có nhân giàu có thì sự cần cù và khôn khéo chỉ đủ ăn, không bị thiếu hụt mà thôi. Còn những người làm chơi ăn thiệt, làm một được mười là do nhân quá khứ mới được như vậy. Điều này người xưa gọi là “Tiểu phú do cần, đại phú do mệnh”. Nếu không bố thí thì lấy đâu ra phước giàu có, không có thượng đế hay thần linh nào có quyền đem tài sản cho ai cả. Cho nên đi chùa mà không biết tạo phước, chỉ cầu xin thôi thì làm sao xin được. Hoặc giả mình có làm phước, có bố thí, cúng dường nhưng cuộc sống mình vẫn không được may mắn thì là do mình mới tạo nhân thôi, chưa thể có kết quả liền được.

Thứ nữa ta nên biết rằng làm phước là tốt, nhưng làm với tâm vị kỷ mong cầu phước báo thì phước báo dù có nhưng sẽ không được viên mãn, không đến dễ dàng, đến một cách không thuận lợi. Hơn nữa, nếu bố thí với tâm tham thì khi được hưởng phước báo, ta sẽ tham chấp vào quả phước đó. Chúng ta thấy những người giàu có mà keo kiệt là do trong quá khứ họ làm phước với tâm tham như thế. Ngược lại, những người làm phước với tâm vị tha, với lòng từ bi thương người thật sự thì phước báo sẽ vô cùng lớn lao. Những người này càng giàu thì càng ham thích giúp đỡ người khác. Người Phật tử đi chùa, làm phước, bố thí, cúng dường để mong cầu phước báo thì cũng tốt, nhưng đó chỉ là bước đầu. Chúng ta gieo nhân lành thì sẽ được hưởng quả ngọt, đó là điều tất nhiên, nhưng nếu vẫn còn tâm tham thì vẫn còn đau khổ. Người Phật tử phải tiến thêm một bước, bố thí với tâm xả ly, với lòng vị tha, bố thí vì lợi ích và an vui cho người khác thì sự bố thí đó sẽ trở nên vô cùng cao thượng vậy.

Người Phật tử cúng chùa hay cúng dường chư Tăng Ni như là một cách để hộ trì Chánh pháp. Người Phật tử do biết rằng Phật pháp như là con mắt của thế gian, là thuốc trị lành các đau khổ, rằng cuộc đời không thể không có Phật pháp cho nên phải làm sao để cho Chánh pháp được cửu trụ ở thế gian, làm sao để Phật pháp được đến với mọi người. Mà muốn được như vậy thì phải giữ gìn và truyền bá Chánh pháp. Tại gia thí tài, xuất gia thí pháp. Chư Tăng Ni và Phật tử, mỗi người trong khả năng của mình, góp phần xây dựng ngôi nhà Chánh pháp ngày càng được trang nghiêm hầu đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh. Như vậy, người Phật tử (hay bất cứ ai quan tâm đến hạnh phúc của chúng sinh) cúng chùa là để hộ trì và phát triển Phật pháp. Nếu mình làm với tâm niệm như thế thì đâu cần đặt vấn đề “cúng chùa sẽ được gì?”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tổ chức tại TP.HCM, Việt Nam đã được ICDV chọn và thông qua

Đã có logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam

GNO - Thông tin với Báo Giác Ngộ chiều nay, 2-12, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam cho biết đã thống nhất chọn logo (biểu trưng) chính thức cho sự kiện quan trọng này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đến Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM khảo sát công tác chuẩn bị Đại lễ Vesak 2025

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khảo sát nơi chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025

GNO - Chiều 1-12, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thăm, khảo sát Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và Công viên Văn hóa Láng Le - Bàu Cò phụ cận để nắm bắt tình hình cải tạo mặt bằng, chuẩn bị cho Đại lễ Liên Hiệp Quốc Vesak 2025 dự kiến diễn ra vào tháng 5-2025.

Thông tin hàng ngày