Người ta thường hiểu bình an là không gặp những biến cố trở ngại cho đời sống, không bệnh tật, không tai nạn. Trong đạo Phật, khái niệm bình an được hiểu sâu sắc hơn, đó là tâm an ổn, trong không bị các phiền não tham lam, ganh ghét, đố kỵ, kiêu mạn v.v… chi phối; ngoài không bị các duyên tác động (tâm an nhiên, tự tại không bị dao động bởi hoàn cảnh bên ngoài).
Đôi khi không có chuyện gì xảy đến với chúng ta nhưng tâm chúng ta không bình an. Bởi vì chúng ta còn quá nhiều tham muốn chưa thực hiện được, chúng ta không hài lòng, thỏa mãn với những gì đang có; hoặc bởi vì chúng ta còn giận người này, hờn người kia, ghét người nọ; hay nuối tiếc những chuyện xảy ra trong quá khứ, buồn bã vì dĩ vãng vàng son, oanh liệt, những kỷ niệm đẹp đã qua đi; chúng ta băn khoăn, lo lắng, sợ hãi những điều chưa xảy đến. Chính vì thế mà tâm chúng ta không bình an dù chẳng có chuyện gì xảy đến như tai nạn rủi ro, bệnh tật; dù chúng ta có nhiều tiền của, có sức khỏe, có quyền lực, địa vị, có vợ đẹp con ngoan, có hoàn cảnh sống tốt.
Bình an là nền tảng của hạnh phúc, không bình an thì không có hạnh phúc. Nhiều khi hoàn cảnh an mà tâm chẳng an, hoàn cảnh vui mà tâm chẳng vui, do đó không có hạnh phúc. Vậy thì làm sao để có được sự bình an? Tự mình tìm hay ai mang đến?
Trong những ngày đầu năm mới chúng ta thường đến chùa, đình, miếu mạo để cầu nguyện cho bản thân và gia đình được bình an, đó là việc làm với ước muốn tốt đẹp đáng trân trọng và khích lệ. Tuy nhiên ước nguyện đó chỉ thành hiện thực khi ta xây dựng trên nền tảng đúng đắn.
Không ai có thể cho chúng ta bình an dù đó là Thượng đế hay các thần linh, thậm chí là bậc siêu xuất tam giới, chí tôn vô thượng như Đức Phật. Khi đặt niềm tin tuyệt đối vào Đức Phật, Thượng đế hay vị thần linh nào đó cũng giống như người bệnh đặt niềm tin vào vị lương y hay bác sĩ. Niềm tin đó có thể giúp người bệnh an tâm trong một thời gian ngắn, không hoặc bớt hoang mang lo lắng, sợ hãi, khổ não, giúp người bệnh có hy vọng. Tuy nhiên sự an tâm này như một liều thuốc an thần, một liều thuốc ngủ, nó không có tác dụng chữa bệnh, không có tác dụng mang lại sức khỏe cho người bệnh, khi căn bệnh phát triển nặng hơn thì niềm tin này không còn đủ sức mang lại bình an cho người bệnh và nó cũng dần dần tan biến. Do đó, nếu chỉ tin vào vị lương y hay bác sĩ mà không dùng thuốc điều trị, không dùng các biện pháp điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, hoặc chúng ta tin nhầm vị lương y, bác sĩ giả, không có trình độ khám chữa bệnh, chỉ đánh lừa thiên hạ bằng nhãn mác lương y, bác sĩ; hoặc người đó chưa bao giờ cho rằng mình có khả năng chữa bệnh, có khả năng mang lại sức khỏe cho người khác nhưng mình lại lầm tưởng là họ có khả năng đó, những trường hợp tin như thế thì người bệnh không thể nào hết bệnh, không thể nào cải thiện hoặc nâng cao sức khỏe của mình.
Muốn hết bệnh, người bệnh phải uống thuốc và điều trị theo hướng dẫn của vị lương y, bác sĩ thực thụ. Muốn có sức khỏe thì phải thực hành các phương pháp dinh dưỡng, dưỡng sinh, phải rèn luyện thân thể, tu dưỡng thân tâm theo sự hướng dẫn của các nhà dưỡng sinh, dinh dưỡng. Điều quan trọng là tìm đúng vị lương y, bác sĩ có khả năng chữa trị bệnh; phải tìm đúng vị thầy về dinh dưỡng, dưỡng sinh có khả năng giúp chúng ta mang lại sức khỏe cho mình, và chúng ta phải làm theo lời chỉ dẫn của ông ta để hết bệnh, để có sức khỏe. Cũng giống như vậy, không thể chỉ có niềm tin vào Đức Phật hoặc Thượng đế hay vị thần linh nào mà chúng ta có được sự bình an. Đức Phật chưa bao giờ tuyên bố hoặc hứa hẹn rằng: Như Lai có quyền ban phước giáng họa. Như Lai sẽ ban phước cho những ai cung kính Như Lai và trừng phạt những ai không cung kính Như Lai. Ta sẽ ban sự bình an cho những ai tin ta, trung thành với ta... Chúng ta không thấy trong bất kỳ kinh điển nào Đức Phật nói lên điều đó.
Tâm Đức Phật bình đẳng đối với mọi chúng sinh. Trước sự cung kính và phỉ báng, trước những thái độ của thế gian thường tình, tâm Ngài bất động, an nhiên, tự tại. Trong kinh Trung bộ, Đức Phật từng nói với các vị Tỳ-kheo rằng: “Này các Tỳ-kheo, nếu người khác mạ lỵ, phỉ báng, phiền nhiễu Như Lai, trong tâm Như Lai cũng không oán hận, phẫn nộ hay bất mãn…Và nếu người khác kính lễ, tôn trọng, sùng bái Như Lai, trong tâm Như Lai cũng không hoan hỷ, thích thú hay phấn khởi”. Và Đức Phật cũng dạy rằng: “Các con hãy tự mình cố gắng, Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến (mục đích an lạc, hạnh phúc, chấm dứt mọi khổ đau), không ai đi thế cho ai được (Pháp cú 276)”. “Hãy tự coi chính con là hải đảo của con, chính con là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa bên ngoài. Hãy xem giáo pháp (những lời dạy của Đức Phật) là hải đảo của con. Giáo pháp là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa ở bên ngoài” (Kinh Trường A-hàm). Đức Phật dạy chúng ta hãy nương vào giáo pháp (những lời Ngài dạy), chính mình làm chỗ nương tựa cho mình, nỗ lực thực hành những lời dạy của Ngài để đạt được sự bình an, hạnh phúc. Ngoài giáo pháp và sự thực hành giáo pháp, không một ai có thể làm chỗ nương tựa cho chúng ta.
Giáo pháp của Đức Phật chỉ cho chúng ta biết đâu là nguyên nhân của những bất an, khổ não, phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, chỉ cho chúng ta biết phương pháp dứt trừ những điều bất như ý đó để có được sự bình an, hạnh phúc. Chúng ta phải tự mình thực hành giáo pháp, tự mình chuyển hóa những bất an, khổ não thành an vui, hạnh phúc. Không ai có thể làm thế cho chúng ta.
Nếu Đức Phật có thể ban sự bình an cho chúng ta thì Ngài đâu cần nhọc công dạy giáo pháp, thuyết giảng nhiều pháp môn tu tập để chúng ta dứt trừ phiền não, khổ đau, tìm thấy an vui, hạnh phúc. Ngài chỉ có thể chỉ cho chúng ta con đường, và chúng ta phải nỗ lực đi trên con đường đó theo sự hướng dẫn của Ngài. Không có chuyện người này đi mà người kia đến đích.
Còn Thượng đế, ông trời và các vị thần linh? Đức Phật đã dạy chúng ta: “Không nên tìm nương tựa bên ngoài”, bởi vì nương tựa bên ngoài là vô ích. Đức Phật là bậc siêu xuất tam giới mà còn không thể ban phước giáng họa cho chúng ta, vì không thể làm trái luật nhân quả, làm sao các vị trời, thần linh là những vị còn trong tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) lại có khả năng ban phước giáng họa, làm trái luật nhân quả. Điều này chúng ta dễ dàng thấy rõ, dù cho ai đó hết lòng tin tưởng cung kính, lễ bái, cúng dường, nhưng khi người đó tạo các nghiệp ác, bất thiện thì vẫn không tránh khỏi quả báo khổ đau. Thượng đế, ông trời và các vị thần linh không thể nào che chở, cứu vớt được. Nếu người đó không khéo sống, suy nghĩ, lời nói và hành động việc làm của người đó không chơn chánh, không tích cực thì đời sống sẽ gặp nhiều nỗi buồn hơn niềm vui, bất hạnh khổ đau nhiều hơn an vui hạnh phúc. Nếu người đó tạo nhiều nghiệp bất thiện do tham lam, sân hận, tật đố, kiêu căng, tà kiến (mê tín dị đoan, nhận thức sai lầm, si mê điên đảo) v.v… thì người đó không thể có được sự bình an trong cuộc sống. Không thánh thần nào có thể đem an vui đến cho người đó được.
Như thế thì sự bình an, hạnh phúc chỉ hiện hữu khi có niềm tin chơn chánh, đúng đắn và sự thực hiện niềm tin đó. Đức Phật là một nhân vật lịch sử, là người đã giác ngộ, những lời dạy của Ngài có giá trị vượt thời gian, chính đời sống an lạc, hạnh phúc của Ngài và các vị Thánh đệ tử là minh chứng cho những lời Ngài dạy, từ đó chúng ta có niềm tin vào giáo pháp của Ngài. Có niềm tin vào giáo pháp, chúng ta phải nỗ lực, gắng công thực hành. Trên bước đường thực hành, tức trong quá trình làm theo lời Phật dạy, áp dụng giáo pháp vào đời sống của mình, chúng ta tìm thấy được sự bình an, tìm thấy được hạnh phúc, từ đó niềm tin càng thêm vững chắc, sự thực hành càng tinh tấn, dũng mãnh hơn, nhờ đó chúng ta có được những gì mà trước kia mình mong muốn, ước vọng, đó là một đời sống bình an, hạnh phúc.