GN - Không thấy được duyên sinh, vô ngã, nên sinh khởi các phiền não dẫn đến những tạo tác mê lầm.
Khi khổ, người ta thường đổ lỗi cho các nhân tố bên ngoài, đổ lỗi cho hoàn cảnh: tại người này làm cho tôi khổ, tại người kia làm cho tôi khổ, tại hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội v.v... Thế nhưng tại sao có người sống trong hoàn cảnh tốt mà tâm vẫn khổ, có người sống trong hoàn cảnh xấu mà tâm vẫn an vui? Cùng một hoàn cảnh giống nhau mà người vui ít khổ nhiều, ngược lại người khổ nhiều vui ít. Từ ngàn xưa cho đến nay, con người luôn tìm cách tác động vào thế giới, thay đổi hoàn cảnh, nhưng chưa ai hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn mãn nguyện trên cuộc đời này.
Đức Phật dạy, vì vô minh, phiền não mà con người phải khổ. Do không sáng suốt, nhận thức sai lầm, không đúng sự thật về các pháp, bản chất các sự vật hiện tượng trong đời sống, không hiểu duyên sinh nhân quả, từ đó sinh khởi các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến…, dẫn đến khổ đau.
Câu chuyện cười dân gian sau đây rất đáng cho ta suy gẫm: “Có một ông nhà giàu đi ăn giỗ. Sau khi ăn uống no say, thấy bánh ít nhà đám ngon quá, ông muốn mang về nhà ăn nữa, nhưng sợ bị gia chủ cho là mình tham ăn. Ông bèn lấy mấy cái bánh đưa cho người hầu rồi nháy mắt ra hiệu, ý bảo người hầu bỏ vào giỏ mang về cho ông. Người hầu không hiểu ý, cứ ngỡ là ông cho mình bèn ăn hết sạch.
Trên đường về nhà, ông nhà giàu đi trước, người hầu lẽo đẽo theo sau. Ông nhà giàu gõ đầu người hầu mắng:
- Tao đâu phải là tù binh mà mày đi sau áp giải.
Người hầu nghe chủ quở bèn tiến lên đi song song với ông. Ông lại quát:
- Tao với mày là bạn bè ngang vai ngang vế hay sao mà mày đi ngang hàng với tao?
Người đầy tớ sợ quá bèn đi vụt tới trước. Ông nhà giàu lại đá vào mông cậu ta và mắng:
- Mày là cha tao hay sao mà đi trước mặt tao?
Người hầu bối rối chẳng biết phải đi làm sao cho đúng, bèn vòng tay thưa:
- Xin ông dạy con phải đi như thế nào ạ?
Lúc này lửa sân trong ông nhà giàu cháy bùng lên:
- Bánh của tao đâu?”.
Ông nhà giàu có thái độ cư xử như thế là do người hầu đi không đúng phép hay do người hầu ăn bánh của ông? Ai cũng thấy rõ, ông nhà giàu tham lam rồi sinh ra sân si nên mới có hành vi như thế.
Câu chuyện vui nhưng rất đáng suy gẫm. Đôi khi mình không thấy được nguồn gốc của những phiền não khổ đau trong tâm mình (giận hờn, bất mãn, oán hận, lo lắng, buồn phiền…). Mình cứ đổ lỗi cho người này người kia, đổ lỗi cho điều này điều nọ, ít khi mình nhìn thấy trách nhiệm của mình. Vì tham, sân, si, vì lòng tự tôn hoặc tự ti, tự ái, vì lòng ích kỷ v.v... mà mình có thái độ, cách hành xử, có lối sống không hay không đẹp, hoặc tự mình làm mình khổ, nhưng mình lại không thấy điều đó.
Nếu mình nhìn sự vật, sự việc, hay nhìn người khác với cái tâm kỳ thị, ganh ghét, đố kỵ, với cái tâm đầy thành kiến, giận hờn thì mình không thấy được sự thật, không biết rõ, hiểu rõ những gì mình đang thấy, đang nghe, đang tiếp xúc. Nếu nhìn người khác với cái tâm vẩn đục phiền não cấu uế như thế, thì mình thấy ai cũng xấu xa, đáng ghét cả, thấy ai cũng lầm lỗi, ai cũng ngu dốt dù thực tế họ rất dễ thương, họ có nhiều điểm đáng yêu đáng quý, họ có nhiều điều hay đáng cho mình học hỏi. Nếu nhìn người khác với cái tâm tham sắc (thấy người ta đẹp nên mình mê), tham tài (thấy người ta giàu nên mình thích), với cái tâm vị kỷ vị thân (vì là bà con quyến thuộc, vì là bạn bè với mình nên mình thương, mình quý trọng), thì mình sẽ không thấy được cái xấu, cái dở của họ.
Do không thấy rõ bản chất của con người, sự vật, sự việc mà mình có những suy nghĩ, hành động sai lầm. Vì không biết rõ con người mình, không biết rõ cái tâm của mình nên có những suy nghĩ và hành động sai lầm, gây ra nỗi khổ cho mình và người khác.
Có nhiều người than vì nghèo nên khổ, nhưng khi có cơ hội vươn lên (nhờ sự giúp đỡ của người khác) trở nên giàu có khá giả, họ cũng chẳng có niềm vui và hạnh phúc, thậm chí họ còn khổ hơn. Do ông trời chăng? Do thần linh chăng? Do định mệnh chăng? Tất cả đều không phải.
Do không hiểu tâm mình, không thấy nguồn gốc cái khổ của mình nên người ta đổ thừa cho người khác, đổ thừa cho thần linh, đổ thừa cho số phận, định mệnh. Khi còn những tập khí (thói quen, nghiệp) như ham vui, lười biếng, thích hưởng thụ, cờ bạc rượu chè, hút xách, sắc dục, thì dù đi đến đâu họ vẫn nghèo vẫn khổ; chẳng chóng thì chầy cũng rơi vào chỗ bế tắc, phá sản. Khi ấy, để “chạy tội”, tự bào chữa, biện hộ, hoặc do không hiểu mà họ cho rằng tại ông trời, tại thần linh, tại năm tuổi, vận hạn, tại gặp thời vận không may, tại cái này cái nọ…
Ở các nước có nền văn minh tân tiến, kinh tế, văn hóa, pháp luật, đời sống xã hội phát triển nhưng vẫn có chiến tranh, bạo động, trộm cướp, mại dâm, lừa đảo, tham ô, tham nhũng. Bởi vì còn nhận thức sai lầm về bản chất con người và thế giới (không thấy duyên sinh vô ngã), bởi vì còn vô minh, phiền não (tham, sân, si…) thì vẫn còn những hiện tượng tiêu cực, con người không có sự bình an và hạnh phúc trọn vẹn.
Thế giới ngày nay phát triển, tiến bộ, so với thời xa xưa như trời với vực, có nhiều thành tựu mà trước đây không ai tưởng tượng ra, tuy nhiên thái bình, an lạc của nhân loại vẫn chỉ là mơ ước, con người vẫn phải đối mặt với nhiều hiểm họa: bạo động, khủng bố, chiến tranh, nguy cơ bị hủy diệt toàn cầu do vũ khí nguyên tử hạt nhân, thiên tai do môi trường bị tàn phá v.v…
Tóm lại, do vô minh, phiền não mà con người khổ chứ không phải do những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài. Vô minh phiền não chính là cái gốc, cội nguồn của muôn sự khổ. Nếu tâm thanh tịnh, sáng suốt, không còn vô minh, phiền não, có chánh tri kiến, trí tuệ (thấy biết đúng sự thật), tâm không điên đảo mộng tưởng thì khổ đau vắng bóng và an lạc hạnh phúc có mặt.
Có người thắc mắc, dường như Đức Phật không thực tế lắm. Rõ ràng là do người này người kia, do việc này việc nọ làm mình khổ; do gia đình, do tổ chức, do đoàn thể, do xã hội làm mình khổ v.v… Sao lại quy trách nhiệm về mình, cho rằng vì mình có phiền não tham, sân, si… nên mới khổ; nhận thức như thế e rằng mơ hồ, không xác thực. Tuy nhiên ít ai đặt câu hỏi cho mình: Tại sao mọi người ai ai cũng có những nỗi khổ riêng và những nỗi khổ chung do ảnh hưởng cộng đồng, xã hội? Tại sao mình lại sinh trong gia đình này mà không phải là một gia đình khác? Tại sao mình thương người này, ghét người nọ, không thích người kia? Tại sao mình có thiện cảm với người nào đó ở ngay lần gặp gỡ đầu tiên trong khi chẳng có cảm tình với người hàng ngày gặp mặt? Tại sao người này cứ theo làm khổ người kia như đòi một món nợ đã cho vay từ kiếp nào? Có khả năng thoát khỏi hoàn cảnh khổ, nhưng tại sao có người vẫn cam tâm chấp nhận chịu đựng? Ân, oán, tình, thù cứ xoay vần và đôi khi như có sự an bài sắp đặt. Tại sao con người cứ lẩn quẩn mãi trong vòng khổ, vui mà không ra thoát được? Tại sao và tại sao? Có trăm ngàn câu hỏi tại sao mà con người không thể giải đáp nếu không hiểu lý duyên sinh-nhân quả.
Đức Phật đã thấy rõ nhân quả mà con người đã tạo và thọ lãnh từ vô thủy kiếp cho đến nay trùng trùng lớp lớp, chằng chịt và xuyên suốt trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai chứ không phải chỉ trong một đời này. Nhân đưa đến quả, quả lại làm nhân, vừa là nhân của cái này lại vừa làm duyên cho cái khác, vô số nhân, duyên, quả hình thành nên đời sống con người và thế giới.
Vì vô minh, không thấy được duyên sinh nhân quả, không thấy vạn pháp vô ngã nên sinh khởi các phiền não, tham ái, chấp thủ; thân, khẩu, ý hành động sai lầm, điên đảo. Không thấy được duyên sinh, vô ngã nên thấy thật có ta, có người, thật có những thứ sở hữu của ta, của người, thật có các sự vật, hiện tượng (trong khi thực chất tất cả chỉ là do nhân duyên sinh khởi, không đối tượng nào có thật thể và thường hằng bất biến, mỗi sự vật hiện tượng đều do muôn ngàn sự vật hiện tượng khác cấu thành, luôn ở trong tình trạng biến đổi), từ đó sinh khởi các phiền não dẫn đến những tạo tác mê lầm, rơi vào mạng lưới nhân quả trùng trùng lớp lớp.
Nếu không thấy được bản chất của hiện tượng vạn hữu, không hiểu được quy luật của đời sống, tức là không có nhận thức đúng thì không thể nào có được những tư duy, hành động tích cực mang lại an lạc hạnh phúc cho mình và mọi người, không thể nào xây dựng, cải thiện thế giới ngày một tiến bộ hơn.
Khi hiểu được bản chất và những quy luật của đời sống, khi có sự rèn luyện tâm lý, ý chí, sự tu tập tâm thì con người sẽ bớt khổ hơn. Mục đích của đạo Phật là chuyển hóa những phiền não khổ đau và có được an lạc hạnh phúc ngay trên cuộc đời này. Dù sống trong cõi đời ngũ trược, đời sống đầy những khó khăn nhưng tâm vẫn bình an và hạnh phúc là mục đích phấn đấu của người tu học Phật.