Ăn chay để trợ duyên tu hành

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Vừa qua tôi được một người bạn dẫn đến một ngôi chùa (xin phép không nêu tên ở đây) và gặp một vị thầy. Trong cuộc trò chuyện thì thầy khuyên lập nguyện ăn chay trường, mục đích là để tránh giết hại các loài vật. Khi tôi trình bày hoàn cảnh gia đình và công tác xã hội nên chưa đủ duyên trường chay, chỉ ăn chay kỳ mỗi tháng sáu ngày mà thôi thì thầy liền phản bác quyết liệt, xác định phải trường chay là tốt nhất và bắt các con phải ăn chay trường theo luôn.

Tôi thưa rằng, thời Đức Phật có cho phép chư Tăng dùng “tam tịnh nhục”, huống gì chúng con chỉ là Phật tử. Thầy ấy tỏ vẻ không vui và khẳng định rằng Đức Phật dạy như thế là vì phương tiện độ sanh, chúng ta là người phàm thì không thể so sánh với Đức Phật. Hiện tôi cũng đã phát tâm ăn chay kỳ được mấy năm rồi nhưng còn khá phân vân về khuyến cáo của vị thầy ấy. Rất mong được quý Báo sẻ chia.

(ANH ĐÀO, phamdao...@gmail.com)

Bạn Anh Đào thân mến!

Ăn chay và không ăn chay, ăn chay trường và ăn chay kỳ là một trong những đề tài được nhiều người Phật tử quan tâm. Vì quan điểm và lập trường của các tông phái, hệ phái cùng với mỗi cá nhân khác nhau nên có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí kích bác lẫn nhau.

Thời Đức Phật không có chủ trương ăn chay. Đức Phật và Tăng đoàn khất thực mỗi ngày, ai cho gì thì tùy duyên thọ dụng. Nếu thức ăn có thịt thì cần biết rõ đó là ba loại thịt thanh tịnh (tam tịnh nhục). Ngày nay, chư Tăng Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) trên thế giới vẫn theo truyền thống này, không có quan niệm ăn chay.

Phật giáo Bắc tông (Phát triển) chủ trương ăn chay. Các bản kinh như Lăng-già, Lăng-nghiêm, Đại bát Niết-bàn rất chú trọng đến việc ăn chay. Khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, từ thời Lương Vũ Đế về sau, chủ trương ăn chay trong hàng Phật tử rất thịnh hành. Hiện nay, chư Tăng (Ni) Phật giáo Bắc tông ăn chay trường. Hàng Phật tử được khuyến khích phát tâm ăn chay kỳ (ít nhất mỗi tháng hai ngày), ai ăn chay nhiều ngày hơn hoặc chay trường thì càng tốt.

Đối với hàng Phật tử, mục đích của ăn chay là tránh sát sanh các loài lớn (các loài nhỏ không tránh được), nuôi dưỡng tâm từ bi, phòng ngừa một số bệnh tật, bảo vệ môi trường v.v… Ăn chay nhằm hỗ trợ tu hành, nhắc mình tu tâm dưỡng tánh, sống đời thiện lương. Mặt khác, khoa học về dinh dưỡng ngày nay cũng xác định ăn chay đúng cách rất tốt cho sức khỏe.

Trong 37 phẩm trợ đạo, những pháp tu căn bản của Phật giáo (cả Nam và Bắc tông), ăn chay không được gọi tên, cho nên nó chỉ là pháp trợ duyên tu hành mà thôi. Vấn đề còn lại là thái độ ứng xử sao phù hợp giáo pháp, hài hòa với những người ăn chay kỳ và không có quan niệm ăn chay.

Đối với người không có quan niệm ăn chay, chúng ta vẫn có thể giới thiệu về ẩm thực chay và nên thiên về phương diện ăn chay tốt cho sức khỏe, có thể phòng ngừa một số bệnh tật. Với người Phật tử đã phát tâm ăn chay kỳ, nên khuyến khích họ ăn chay vào những ngày sóc vọng (14, 15 và 30, mùng 1 âm lịch) cùng những ngày lễ vía Phật và Bồ-tát. Nếu ăn chay được nhiều ngày hơn thì càng tốt. Nâng tầm ý nghĩa của việc ăn chay là hỗ trợ cho sự sám hối, tịnh tâm, giúp tội giảm phước tăng, nhắc mình tu hành từ bi, hướng thiện.

Thiết nghĩ, không nên áp đặt buộc người Phật tử ăn chay trường và xem đó là pháp tu hành quan trọng nhất. Mỗi người, mỗi gia đình có những hoàn cảnh khác nhau. Chư Tăng Ni chỉ nên động viên, khuyến khích Phật tử thực hành ăn chay, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu mà không bắt buộc hay áp đặt phải trường chay. Mặt khác, còn nhiều hạnh tu quan trọng khác rất cần cho người Phật tử như: giữ năm giới, bố thí, cúng dường, kính tin Tam bảo, lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền, công quả, hoan hỷ, tùy hỷ, nghe pháp, thuyết pháp, phá trừ tà kiến, phát huy trí tuệ… Những hạnh tu này cần thực hiện song hành với ăn chay mới thực sự tốt đẹp.

Quá đặt nặng ăn chay mà xem nhẹ hay không biết thực hành những pháp tu đã nói ở trên thì kết quả tu hành vẫn khiêm tốn, nhiều năm đi chùa và ăn chay mà chẳng chuyển hóa được bao nhiêu, sân si phiền não vẫn còn, từ bi vẫn thiếu vắng.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày