Ấn Độ sẽ tổ chức Hội nghị Phật giáo toàn cầu lần đầu tiên vào tháng 11-2021

0:00 / 0:00
0:00

GNO - Ngày 14-9 vừa qua, Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) đã thông báo rằng quốc gia này đang lên kế hoạch đăng cai tổ chức Hội nghị Phật giáo toàn cầu (GBC) lần đầu tiên, đồng thời chia sẻ về việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ trao giải thưởng về việc thúc đẩy nghiên cứu Phật học sau hội nghị này.

Sự kiện này dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 19 và 20-11 tại khuôn viên trường Đại học Nava Nalanda Mahavihara ở Nalanda, phía Bắc bang Bihar.

Tiến sĩ Vinay Sahasrabuddhe, chủ tịch của ICCR cho biết: "Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ đã lên kế hoạch thực hiện phiên bản đầu tiên của Hội nghị Phật giáo quốc tế vào tháng 9-2021 với chủ đề Buddhism in Literature (Phật giáo trong văn học) cùng với sự hợp tác của trường Đại học Nava Nalanda Mahavihara và Liên đoàn Phật giáo quốc tế (IBC)".

Chủ tịch ICCR Vinay Sahasrabuddhe và tổng giám đốc Dinesh K. Patnaik (bên phải)

Chủ tịch ICCR Vinay Sahasrabuddhe và tổng giám đốc Dinesh K. Patnaik (bên phải)

Trong thời gian chuẩn bị cho sự kiện lớn này, 4 hội nghị mang tính khu vực tại Ấn Độ (Dharamsala, Gangtok, Sarnath và Telangana) và ở nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Campuchia) sẽ được tổ chức trước. Sau đó, những bài báo cáo từ các diễn đàn khu vực này sẽ được trình bày tại hội nghị toàn cầu.

Ông Sahasrabuddhe cho biết thêm: "Phật giáo là một nhân tố quan trọng hình thành nên tư tưởng Ấn Độ. Vì vậy, tính ưu việt của Ấn Độ đối với tư tưởng Phật giáo và tính ưu việt của Phật giáo đối với tư tưởng Ấn Độ đang được chú ý và nhấn mạnh thông qua những phương pháp mang tính học thuật".

ICCR là một tổ chức tự trị trực thuộc trung ương, chú trọng vào các mối quan hệ văn hóa quốc tế thông qua sự trao đổi văn hóa. Tổ chức này thực hiện việc ngoại giao văn hóa bằng cách tổ chức các lễ hội, hội nghị và hỗ trợ cho một số tổ chức văn hóa.

Ông Dinesh K. Patnai, tổng giám đốc của ICCR giải thích thêm: “Đây là một hội nghị mang tính học thuật. Toàn bộ các hoạt động được tiến hành chỉ nhằm một mục đích là biến Ấn Độ trở thành trung tâm của Phật giáo. Trung tâm Phật giáo ở đây không phải là du lịch mà là trung tâm của các hoạt động Phật giáo, chẳng hạn như học thuật, văn hóa, hội thảo”.

Trường Đại học Nava Nalanda Mahavihara, nơi dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Phật giáo toàn cầu (GBC) lần đầu tiên tại Ấn Độ

Trường Đại học Nava Nalanda Mahavihara, nơi dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Phật giáo toàn cầu (GBC) lần đầu tiên tại Ấn Độ

Ngoài ra, ICCR cũng thông báo rằng vào ngày 21-11, Thủ tướng sẽ trao giải thưởng "Thúc đẩy nghiên cứu Phật học" tại New Delhi. Giải thưởng này nằm trong dự kiến của Chính phủ nhằm quảng bá di sản Phật giáo của Ấn Độ và ghi nhận những đóng góp của các học giả, cá nhân và tổ chức nước ngoài trong việc thúc đẩy nghiên cứu Phật giáo trên toàn thế giới.

Ông Sahasrabuddhe cho biết: "Giải thưởng sẽ bao gồm phần thưởng tiền mặt trị giá 20.000 đô la Mỹ, một kỷ niệm chương và một huy chương mạ vàng. Nếu có nhiều hơn một người nhận giải, số tiền sẽ được chia đều cho số người đó".

“Các học giả nổi tiếng từ các trường đại học, Phật học viện nổi tiếng ở Ấn Độ và nước ngoài sẽ tham gia Hội nghị Phật giáo toàn cầu. Hơn 150 đại biểu của IBC cũng sẽ tham dự lễ khai mạc sự kiện, dự kiến ​​được tổ chức vào ngày 19-11", Sahasrabuddhe nói thêm.

Hội nghị Phật giáo toàn cầu sẽ là một phần của lễ kỷ niệm ngày thành lập lần thứ 70 của trường Đại học Nava Nalanda Mahavihara. Ngôi trường này được thành lập vào năm 1951 dưới thời Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad nhằm phục hưng nền Phật học cổ xưa ở Nalanda.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày