GNO - “Thi kệ Hán Nôm trên kiến trúc chùa Huế” là chuyên đề của ấn phẩm Liễu Quán số 18, xuất bản vào dịp Vu lan năm nay, theo thời gian ấn định 3 số / năm, mỗi số cống hiến cho độc giả một chuyên đề, ngoài các chuyên mục thường kỳ.
Bìa Liễu Quán số 18 - Mỹ thuật: Mai Quế Vũ
Phật giáo cố đô Huế không chỉ đặc thù trong sinh hoạt thiền môn, hệ thống truyền thừa, mà còn tiêu biểu cả về lễ nhạc, kiến trúc cũng như nghệ thuật trang trí.
Bên cạnh những ngôi chùa làng với nét sinh hoạt cộng đồng truyền thống của miền quê Bắc Bộ, Huế còn có hệ thống chùa công được gọi là “quan tự” hay “quốc tự” do nhà nước phong kiến tạo lập, hệ thống chùa “tổ đình” do chư tổ khai sơn, hệ thống chùa tư, chùa họ tộc, chùa trong các phủ đệ... do vương hầu khanh tướng và các cự tộc dựng xây, đặc biệt là hệ thống chùa “khuôn hội” - hay còn gọi là “niệm Phật đường” được hình thành từ thập niên 30 của thế kỷ trước trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam.
Tất cả đã góp phần tạo nên sự phong phú trong phong cách kiến trúc, về nguồn gốc, chức năng, tính chất và cấu trúc cảnh quan… của ngôi chùa Huế, với những đặc trưng riêng có của mình.
Đó cũng là nội dung mà Ban biên soạn đã viết trong lời dẫn vào chuyên đề, qua việc bước đầu khảo sát và nghiên cứu ở các ngôi tự viện ở cố đô như Từ Đàm, Từ Ân, Thiên Mụ, Kim Tiên, Châu Lâm, Từ Hiếu, Thánh Duyên, Ba La Mật và Diệu Viên…
Trên các mục văn hóa, Phật học, Di sản… thường kỳ của ấn phẩm Liễu Quán số 18 còn có các bài viết của các bậc danh Tăng xứ Huế như Trưởng lão Tỳ-kheo Thích Trí Quang, Thiền sư Thích Nhất Hạnh; với sự cộng tác của các tác giả Thích Hải Ấn, Thích Không Nhiên, Phan Đăng, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Phố, Phạm Đức Thành Dũng, Thích Như Tịnh, Thích nữ Huyền Tâm…
Một số thiết kế mỹ thuật của nội dung Liễu Quán số này:
Liễu Quán là một trong những ấn phẩm Phật giáo trình bày mỹ thuật, nội dung đặc thù; Tổng phát hành: Trung tâm VHPG Liễu Quán, 15A Lê Lợi, TP.Huế.