Trước đây, chúng ta chỉ biết đến Lễ hội Hoa đăng nhân ngày vía Đức Phật A Di Đà được tổ chức hoành tráng tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Những năm gần đây, nhiều ngôi chùa trên cả nước tổ chức Hội Hoa đăng A Di Đà. Một trong những chùa tổ chức Pháp hội Di Đà và hội Hoa đăng thường niên kể từ năm 2006 đến nay, đó là chùa Nam Thiên, TP.Buôn Ma Thuột.
Pháp hội A Di Đà và Lễ hội Hoa đăng tại chùa Nam Thiên, một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất tại vùng Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột được tổ chức hàng năm nhân ngày vía Phật A Di Đà (17-11 ÂL), nhằm tôn vinh Đức Phật A Di Đà. Đây là một lễ hội mang ý nghĩa tiếp biến văn hóa có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi người con Phật thuộc Tây Nguyên Trung phần này. Và có thể nói, với cách tôn vinh về pháp môn niệm Phật qua những ngọn nến; một hình thức truyền đăng thì đây cũng là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt
Lễ hội Hoa đăng có mặt tại đất nước Trung Hoa vào thời Tây Hán khoảng vào năm 206-220 trước Tây lịch và kéo dài cho đến mấy trăm năm sau của Tây lịch (tức cách đây 22 thế kỷ). Lúc bấy giờ, người ta xem Lễ hội Hoa đăng như một ngày tết và được xếp vào một trong 15 ngày tết của dân tộc Trung Hoa. Trong truyền thống văn hóa Hoa đăng của Trung Hoa thì đèn thắp sáng chủ yếu là lồng đèn với bốn loại hình căn bản. Lồng đèn đá thường được để trang trí trong sân chùa hay trong thiền thất, dùng ánh sáng của ngọn đèn nhằm thức tỉnh những thiền khách trở về với con đường chánh niệm và tỉnh thức. Lồng đèn kim loại sử dụng trong tòa nhà công sở như là biểu hiện sự sang trọng. Lồng đèn bằng dầu chủ yếu thắp sáng các ngõ ra vào của căn nhà. Cuối cùng là lồng đèn bằng giấy, một dạng phổ cập nhất trong Lễ hội Hoa đăng. Từng bước của những chiếc lồng đèn với bốn loại hình khác nhau đó, Pháp hội Di Đà năm nay tại chùa Nam Thiên thay thế bằng các lồng đèn hoa sen. Ý nghĩa biểu tượng hoa sen mang chất liệu tâm linh, tượng trưng cho giá trị tuệ giác. Thay thế hình ảnh các chiếc đèn lồng bằng hình ảnh hoa sen bên trong là những ngọn nến thắp sáng là một sáng kiến rất độc đáo của Đại đức Thích Giác An, trụ trì chùa Nam Thiên. Tại đây chúng ta thấy tính thời gian đã được thay đổi không phải vô tình mà rất có dụng ý; thay tính lễ hội của dân tộc Trung Hoa bằng lễ hội tôn giáo mang tính tâm linh, làm cho hội Hoa đăng tăng thêm nhiều ý nghĩa mà trước đây nó chưa có. Đó là sự thay thế Lễ hội Hoa đăng bằng ngày Vía Đức Phật A Di Đà, một vị Phật có danh hiệu quan trọng là Vô lượng quang, là ánh sáng tuệ giác. Những búp hoa sen được làm bằng giấy màu như được mô tả đặc sắc về nhân quả đồng thời ở trong kinh A Di Đà đã trở thành tâm điểm của sự tiếp biến, từ một hình thức đặt nặng về vấn đề thẩm mỹ trở thành một hình thức mang biểu tượng và triết lý gắn liền với tâm linh Phật giáo. Nếu như trong Lễ hội Hoa đăng truyền thống của người Trung Hoa, việc tổ chức lễ hội chỉ có ý nghĩa tăng thêm giá trị tinh thần hoặc như là một cơ hội để con người có thể quây quần trong một niềm vui mang tính thỏa mãn niềm vui thị giác thì trong Lễ hội Hoa đăng gắn liền với Đức Phật A Di Đà tổ chức tại chùa Nam Thiên lại mang một ý nghĩa truyền đăng rất lớn. Lễ hội đã thắp sáng những ngọn đèn mà theo truyền thống của pháp môn Tịnh độ là Vô lượng quang - tuệ giác không giới hạn của Đức Phật A Di Đà. Sự thắp sáng tuệ giác đó đã được nối kết thông qua chư Tăng Ni rồi đến toàn thể quý Phật tử trên dưới 1.500 người tham dự Lễ hội Hoa đăng tại chùa Nam Thiên.
Có thể nói, Pháp hội Di Đà và hội Hoa đăng tại chùa Nam Thiên là một lễ hội văn hóa tâm linh mang tính truyền thống về tuệ giác. Tuệ giác là nguồn khai sáng và đạo diễn cho cuộc đời hướng về giá trị của an vui và hạnh phúc, nơi nào được thắp sáng bằng tuệ giác nơi đó có hạnh phúc, có tình thương và hòa bình…