Ánh sáng từ trái tim

Hơn 100 bạn khiếm thị tham gia biểu diễn kỷ niệm 25 năm thành lập Thư viện sách nói Hướng Dương - Ảnh: Như Danh
Hơn 100 bạn khiếm thị tham gia biểu diễn kỷ niệm 25 năm thành lập Thư viện sách nói Hướng Dương - Ảnh: Như Danh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hình ảnh các em khiếm thị nắm tay các anh, chị sáng mắt, tự tin bước ra sân khấu biểu diễn các tiết mục văn nghệ và trình diễn áo dài trong chương trình “Ánh sáng đến từ trái tim”, kỷ niệm 25 năm ra đời Thư viện sách nói Hướng Dương khiến tất cả mọi người có mặt tại khán đài Nhà hát Bến Thành (Q.1) đều xúc động.

Sự đáng yêu của các bạn khiếm thị đem đến cho mọi người cảm giác không phải đi xem một chương trình nhân đạo, mà là chương trình biểu diễn nghệ thuật. Và tất cả các bạn học sinh khiếm thị đã biểu diễn như một người nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp, lấp lánh sắc màu hạnh phúc - trong thế giới của chính mình.

Xúc động trước chân tình, trọn tình yêu thương

Trong lúc hồi hộp chờ đợi chương trình diễn ra, Thu Hạnh - học sinh lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên Tân Phú chia sẻ: “Hôm nay em hát bài Ước mơ của mẹ, mỗi lần tập hát em đều nhớ và nghĩ về mẹ rất nhiều. Em rất xúc động mỗi khi ca đến đoạn ‘thế giới của mẹ chính là con, là niềm vui của con’. Em nỗ lực học, sống vui, sống tốt, sống như đóa hoa hướng dương vì em không chỉ sống cho em, mà còn cho mẹ nữa. Hôm nay em hát còn để tri ân chị Hướng Dương và mạnh thường quân”.

Để đứng trên sân khấu biểu diễn trong ngày đặc biệt này, hơn một tháng qua, các bạn khiếm thị nỗ lực tập luyện không ngừng. Điều ai cũng cảm nhận được, từ trong câu hát lẫn phím đàn, từng động tác biểu diễn áo dài đều chứa đựng những tâm tình của các bạn khiếm thị dành cho thư viện sách nói, bằng tất cả sự cảm mến dành cho chị Hướng Dương - người “mở đường” và đặc biệt là trong dịp lễ kỷ niệm 25 năm thành lập thư viện sách nói.

Nụ cười hạnh phúc của các em khiếm thị khi được biểu diễn áo dài nghệ thuật

Nụ cười hạnh phúc của các em khiếm thị khi được biểu diễn áo dài nghệ thuật

Khán phòng có lúc lắng đọng, có những giây phút xúc động và vỡ òa hạnh phúc khi lần lượt thưởng thức các tiết mục do chính các em khiếm thị biểu diễn. Đặc biệt, tiết mục biểu diễn thời trang áo dài “Tuổi hoa niên”, các em học sinh trường mù được đích thân Hoa hậu H’Hen Niê, Á hậu Lệ Hằng và các nghệ sĩ, tình nguyện viên cùng đồng diễn. Với sự dìu dắt của các chị, các bạn rạng ngời trong tà áo dài truyền thống, phô diễn sự yêu đời với mọi người.

Trên sân khấu, các bạn vô tư thể hiện được sự yêu đời của mình, mà qua các tiết mục ấy, các bạn đã giúp người xem hiểu thêm về hạnh phúc của người khiếm thị. Mặc dù không thấy thế giới bên ngoài nhưng trong thế giới của các bạn lại đầy sắc màu, ánh sáng của tình yêu thương.

Mọi người đến với chương trình càng xúc động hơn khi Chủ tịch Quỹ từ thiện Sách nói cho người mù - ông Lê Quốc Ân trải lòng: “Trước ngày diễn ra buổi biểu diễn, các em được ‘chạy trước chương trình’. Khi chứng kiến hình ảnh các em vì không nhìn thấy động tác múa để bắt chước, phải đặt tay lên vai của các anh chị sáng mắt để tập dợt văn nghệ; đạo diễn cầm tay các em để chỉ dẫn từng động tác và các em say sưa điều chỉnh để tiết mục tốt nhất… Tôi xúc động và đã khóc”.

Ngôi nhà hạnh phúc dành cho hàng triệu người mù

Nhắc đến Thư viện sách nói Hướng Dương, nhiều người nhớ ngay đến một cô gái trẻ tàn phế nhưng đã “đứng lên”, thành lập thư viện sách nói, và trở thành ân nhân cho hàng ngàn người khiếm thị khắp Việt Nam. Các chương trình tại Thư viện sách nói Hướng Dương này đây suốt 25 năm qua đã giúp đỡ và hỗ trợ các em học sinh, sinh viên mù học tập hỗ trợ cuộc sống.

Với nội dung hoạt động chính là sản xuất sách nói, thư viện đã sản xuất trên 25.000 đầu sách nói, tặng miễn phí các đĩa CD, USB và trang web sách nói Hướng Dương đã đem đến nhiều lợi lạc cho tất cả các người mù trên cả nước.

Thư viện cũng đã thành lập trung tâm hỗ trợ công nghệ để dạy cách sử dụng máy tính, điện thoại thông minh cho các em học sinh, sinh viên và những người mù khác, để giúp các em có điều kiện học tập dễ dàng hơn và các người mù cải thiện được đời sống của mình.

Những "bông hoa" mặt trời lấp lánh hạnh phúc từ trong tiếng hát - Ảnh: Như Danh

Những "bông hoa" mặt trời lấp lánh hạnh phúc từ trong tiếng hát - Ảnh: Như Danh

Thư viện cũng đã vận động các mạnh thường quân hàng năm hỗ trợ học bổng cho các em mù có hoàn cảnh khó khăn, để đến trường. Đến nay có đến 300 em tốt nghiệp đại học, 6 em là thạc sĩ và 1 em là tiến sĩ. Các em chẳng những đã nuôi sống được bản thân mình mà còn phụ giúp phần nào trong gia đình.

Thư viện còn cùng với một em sinh viên mù - nay là Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, sáng kiến dạy học sinh mù đánh cờ vua. Với sự nỗ lực, các bạn khiếm thị chơi được cờ vua rất giỏi và có nhiều bạn đã giành được huy chương vàng, huy chương bạc, trong các kỳ thi Para Games Đông Nam Á và châu Á, đem lại vinh dự cho đất nước.

Thư viện sách nói Hướng Dương đã bước sang mùa thứ 25, 1/4 thế kỷ đã trôi qua với biết bao học sinh khiếm thị đã được tiếp cận với nguồn tri thức theo cách dễ dàng nhất. Hàng ngàn suất học bổng đã được trao, hàng ngàn người khiếm thị đã có thêm động lực và niềm tin để hòa nhập, sinh sống và học tập, làm việc như một người bình thường - đó là di sản không nhỏ mà chị Hướng Dương đã để lại. Và còn gì tuyệt vời hơn khi nghĩa cử cao đẹp ấy tiếp tục được gìn giữ, tiếp tục được duy trì bởi những người cùng chí hướng, tiếp tục khát vọng làm đẹp cho cuộc đời.

“Quỳnh xúc động nhất trong chương trình này là ngay những ngày đầu bắt đầu lên kế hoạch cho chương trình thì các bạn khiếm thị đã rất nhiệt tình tham gia. Các bạn không chỉ thể hiện được tài năng hát, ca múa, âm nhạc, sử dụng đàn và thậm chí sự nhiệt huyết của các bạn còn gấp mấy lần Quỳnh nữa.

Các bạn tập luyện không biết mệt mỏi và khi tập luyện như vậy, các bạn dành hết năng lượng vào trong tiết mục mà các bạn đã đăng ký tham gia. Thậm chí là khi một ai khác đến thay thế chỗ của các bạn mà đạo diễn đã sắp xếp rồi thì các bạn không cho nữa. Các bạn bảo là “đó là vị trí của em, em phải làm tốt vị trí của em” mà trong khi các bạn không nhìn thấy. Mỗi lần chú đạo diễn nhắc các bạn chỗ này phải giơ tay trái lên, chỗ kia phải giơ tay phải lên hay chỗ này các con phải cười là các bạn làm hết sức hết lòng.

Khi mà nhìn các bạn, mình cảm thấy được sâu trong trái tim của các bạn là các bạn rất háo hức tham gia bằng hết sự nhiệt huyết, nhiệt tình, bằng hết sức của các bạn. Các bạn hát rất hay, các bạn đưa tay, đưa chân, múa hoặc ngay cả khi đàn cũng vậy, các bạn thể hiện hết tài năng mà các bạn có, không khác gì người sáng mắt. Cho nên mỗi lần các bạn tập là Quỳnh rất xúc động.

Quỳnh chỉ mong là nếu được mình sẽ có các chương trình hàng năm cho các bạn chứ không phải chỉ có 5 năm, 10 năm, 15 năm, 25 năm hay 30 năm, mà hàng năm nếu có những chương trình nghệ thuật dành cho các bạn thì chắc chắn chúng ta sẽ thưởng thức được rất nhiều tài năng về âm nhạc, về nghệ thuật mà được thể hiện bởi những bạn khiếm khuyết”.

MC Quỳnh Lê, Đài Truyền hình TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày