Trọn lòng biết ơn

Ảnh: Phùng Anh Quốc
Ảnh: Phùng Anh Quốc
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Báo Giác Ngộ trích đăng những chia sẻ đặc biệt về quá trình tu học của các giới tử đạt giải cao trong kỳ thi khảo hạch tại Đại giới đàn Bửu Huệ Phật lịch 2567 do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức và xin giữ nguyên phép xưng hô “con” theo đề nghị của các giới tử, để bày tỏ tấm lòng biết ơn chư tôn đức.
Giới tử Sa-di-ni Thích nữ Diệu Tịnh
Giới tử Sa-di-ni Thích nữ Diệu Tịnh

* Giới tử Thích nữ Diệu Tịnh, có điểm khảo hạch cao nhất của giới tử Sa-di-ni, Hệ phái Bắc tông: “Lần đầu thọ giới của con có quá nhiều điều đáng nhớ”

Khi được sư phụ và sư huynh thông báo cho biết là đạt giải trong kỳ thi khảo hạch, con vui muốn khóc. Ngay lúc đó con không tin là mình đạt điểm cao như vậy. Khi nghĩ về kết quả, nhớ đến nụ cười của sư phụ và các sư huynh với tin con được giải, ai cũng vui và bản thân con hạnh phúc với niềm vui đó.

Con không dám nghĩ con là người đứng đầu hay con học giỏi, mà chỉ luôn nghĩ rằng mình may mắn khi có được sư phụ và các sư huynh rất thương yêu, chỉ dạy cho con trong suốt bước đường con chập chững tu học cho đến ngày đi thọ giới.

Lần đầu tiên trong đời được thọ giới, lần đầu tiên nhập giới đàn, con rất xúc động và cũng có nhiều nỗi lo. Tại điểm truyền giới chùa Thanh Tâm, từ ngày nhập chúng, con được sự hướng dẫn chu đáo của chư tôn đức trong Ban Kiến đàn, được chia sẻ mọi thứ và điều con nhận được tại đây là hương pháp; sự ấm áp của tất cả chư tôn đức đem đến cho con niềm hạnh phúc vô biên.

Thời gian ở Đại giới đàn là khoảng thời gian con thấy được nhiều ý nghĩa, con đã dành trọn vẹn cho việc sám hối và ghi nhớ lời dạy của chư tôn đức, để sửa mình tu học tốt hơn. Có nhiều điều con không biết, thì tại đây, nhờ ở giới trường, cận kề chư tôn đức mà con được hiểu thêm qua những lời dạy đầy từ bi.

Điều con học được và khắc cốt ghi tâm khi thọ giới là phải nhắc luôn tự nhắc nhở mình giữ chánh niệm từ trong tâm đến mọi hành động, việc làm. Con sẽ không quên những điều con học được từ giới đàn đầu đời này của con.

Giới tử Tỳ-kheo-ni Thích nữ Lệ Nhã
Giới tử Tỳ-kheo-ni Thích nữ Lệ Nhã

* Giới tử Thích nữ Lệ Nhã, có điểm khảo hạch đứng thứ 3 của giới tử Tỳ-kheo-ni, Hệ phái Bắc tông: “Con đã học và tu với trọn lòng biết ơn”

Khi con nhận được tin mình đạt giải ba trong kỳ thi khảo hạch Đại giới đàn, người đầu tiên con báo tin là mẹ. Mẹ là người đã dìu dắt con đến với Phật pháp. Ngày con còn nhỏ, khi đi chùa tụng kinh, mẹ đều dẫn con theo, hai mẹ con đã cùng tu với nhau. Mặc dù khi con nói với mẹ “con có giải thưởng”, mẹ không nói vui hay gì cả, nhưng trong thâm tâm con biết, mẹ đang vui và hạnh phúc hơn tất cả.

Sau khi báo cho mẹ biết, con đã lặng lẽ đến bàn thờ thắp hương cho sư bà của con - Ni trưởng Thích nữ Tịnh Giới. Con nhớ mãi ngày đó, sư bà vừa ký hồ sơ cho con đi thọ giới, tiễn con từ chùa Ưu Đàm (TP.Thủ Đức) đến chùa Thanh Tâm (H.Bình Chánh) nhập hạ, để con chuyên tâm tu học trong ba tháng an cư - tiền đề để thọ giới Tỳ-kheo, thì vài ngày sau sư bà viên tịch. Con về lo đám cho sư bà xong liền trở lên chùa Thanh Tâm nhập chúng trở lại. Trong suy nghĩ của con, con cần chuyên tâm tu học để báo ơn sư bà, sư phụ - người đặt nền móng đầu tiên cho con trên bước đường tu học.

Ba tháng nhập hạ là thời gian con chuyên tâm học tụng 4 bộ luật. Học âm Hán khó, con phải ghi ra cuốn sổ nhỏ để lúc nào cũng có thể cầm lên học, nhưng đó không phải là điều khó nhất. Khó là khi học thuộc âm rồi, muốn áp dụng thì phải hiểu nghĩa. Việc tu và học với con chưa bao giờ là dễ, chỉ cần một chút không chánh niệm là có thể gây ra bao lỗi lầm.

Học thuộc 4 bộ luật, con càng nhắc nhở mình tỉnh thức, người xuất gia phải khác người thế tục ở cả tâm hồn và lý tưởng, trong đó oai nghi là điều con luôn giữ gìn. Khi “có việc”, con thường sờ lên đầu của mình, để nhắc mình nhớ bản thân là người xuất gia, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng thế nào cho đúng chuẩn mực.

Trong thời gian được học và tu, điều con khắc cốt ghi tâm đó là luôn nhắc mình nhớ đến tứ trọng ân. Con đúc kết được rằng, mình không nhớ ơn thì khó, đúng hơn là không thể thành công. Ơn Thầy tổ - sư phụ, ơn cha mẹ, ơn đất nước là điều con luôn nhớ. Nhất là ơn đàn-na tín thí, con rất lưu tâm, trong đó hàng ngày con nhắc mình, phải tu tập như thế nào để đền đáp lại họ - trong lúc họ đau khổ, lúc họ cần có chiếc phao nương tựa tâm linh. Bởi tu không phải chỉ đem lại lợi lạc cho mình.

Giới tử Thức-xoa Thích nữ Trung Đạo
Giới tử Thức-xoa Thích nữ Trung Đạo

* Giới tử Thích nữ Trung Đạo, có điểm khảo hạch cao nhất của giới tử Thức-xoa, Hệ phái Bắc tông: “Con chăm chỉ học các bộ luật, vì đó là nền tảng cho bước đường tu của con”

Khi nhận tin mình đạt giải nhất trong kỳ thi khảo hạch, con không dám tin, con kiểm tra thông tin rất nhiều lần, cho đến khi chắc chắn con mới dám thưa với sư phụ. Cảm xúc của con lúc đó vỏn vẹn trong hai từ “rất vui”. Con cảm thấy rằng bản thân con may mắn rất nhiều khi có được kết quả này.

Con nhớ về tâm huyết dạy dỗ của sư phụ. Khi xác định cho con đi thọ giới, trong ba tháng an cư kiết hạ, sư phụ đã ôn luật cho con, dạy cẩn thận về 4 bộ luật. Con đã học với trọn lòng tôn kính và biết ơn sư phụ. Động lực để con học các bộ luật là để bản thân con biết được oai nghi của người tu cần như thế nào, học để biết cách hầu Thầy sao cho đúng và học để tu cùng mọi người xung quanh. Con đã học trong niềm hạnh phúc, mà không có bất kỳ một áp lực nào. Con nghĩ bản thân mình cần học, thuộc nằm lòng và thực hành cho tốt. Các bộ luật là nền tảng cho bước đường tu của con.

Con biết đến Phật pháp vào năm 2015. Đó là khi con nghe được những lời pháp thoại của Sư ông Làng Mai – Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thầy đã dạy cách nói lời ái ngữ, và dùng tình thương để chuyển hóa những mối quan hệ có “nút thắt”. Con đã áp dụng và đã thực hiện được điều đó với ba, với con đó là sự nhiệm mầu, từ đó con thêm yêu mến đạo Phật.

Con xuất gia tu học vào năm 2018, khi đó gia đình phản đối nhưng con đã quyết đi, với niềm tin rằng con phải giúp cho bản thân con an lạc, sau đó con mới có thể độ cho người thân. Quê con ở miền Trung, không chỉ người thân mà xóm giềng nơi con ở cũng ít tiếp cận được Phật pháp. Nhưng rất nhanh, sự nhiệm mầu đã đến với con và gia đình, niềm hạnh phúc nhất khi con xuất gia là cả ba và mẹ quyết định đến với đạo Phật. Con nhớ mãi ngày hôm đó, từ miền Trung xa xôi, ba và mẹ đã bắt xe vào chùa Phước Thiện (Q.12) để thăm con, sau đó quy y cửa Phật, đó là điều mà trước đây con không bao giờ dám nghĩ tới.

Ngày hôm nay khi được thọ thêm giới đức, ngoài niềm hỷ lạc, con cũng nhắc nhở bản thân giữ giới thật tốt, vì mình tu không chỉ cho mình.

Giới tử Tỳ-kheo Thích Quảng Thiền
Giới tử Tỳ-kheo Thích Quảng Thiền

* Giới tử Thích Quảng Thiền, có điểm khảo hạch cao nhất của giới tử Tỳ-kheo, Hệ phái Bắc tông: “Học và tu để không phụ lý tưởng người xuất gia”

Là người xuất gia, chúng con luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Trúng tuyển trong kỳ khảo hạch, con vô cùng hạnh phúc khi được chính thức nhập giới trường để lãnh thọ giới pháp.

Với người xuất gia, việc thọ trì giới pháp chính là được sinh ra trong ngôi nhà Phật pháp. Từ đây, chúng con càng ý thức về trọng trách phải gánh vác khi được tham dự vào hàng ngũ Tăng đoàn. Ngoài nỗ lực thọ trì giới pháp đã lãnh thọ để trang nghiêm tự thân, bản thân con cũng sẽ nỗ lực để phụng sự chúng sanh theo lời các bậc tiền nhân chỉ dạy.

Như cổ đức dạy, là người xuất gia, phải hướng đến lý tưởng giải thoát và phụng sự, không chỉ có hình dáng khác người thế tục, mà phải làm cho lý tưởng giải thoát giác ngộ đến với mọi người. Có như vậy, chúng con mới không cô phụ sự tin tưởng của thầy tổ, lòng thương tưởng của các bậc giới sư và sự kỳ vọng của tín thí đàn-na dành cho hàng ngũ xuất gia đệ tử Phật.

Là giới tử được thọ giới tại Đại giới đàn tôn hiệu Bửu Huệ. Chúng con được biết, Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ đã hiến trọn cuộc đời thanh tu của mình phụng sự cho chúng sanh và đặc biệt là việc đào tạo Tăng tài. Chúng con nguyện nỗ lực tu học, giữ gìn giới pháp thọ trì để tự thân được thanh tịnh và làm gương hạnh cho mọi người quy hướng.

Giới tử Tỳ-kheo Thích Đăng Bình
Giới tử Tỳ-kheo Thích Đăng Bình

* Giới tử Thích Đăng Bình, có điểm khảo hạch cao nhất của giới tử Tỳ-kheo, Hệ phái Khất sĩ: “Học để khảo thí nhưng đó cũng là đang tu”

Trước kỳ khảo hạch Đại giới đàn Bửu Huệ con có tâm trạng khá hồi hộp. Nhưng dưới sự chỉ dẫn của chư tôn đức, sự cổ vũ tinh thần của chư huynh đệ, con có được sự tự tin bước vào kỳ thi. Để chuẩn bị cho kỳ thi con ôn bài rất kỹ, học lại Phật học cơ bản, ôn lại 4 quyển luật, Hiến chương GHPGVN và Quy chế Ban Tăng sự T.Ư, như quy định của Ban Tổ chức.

Trong quá trình thi, Ban Giám khảo cũng tạo cơ hội cho giới tử có được kết quả tốt nhất. Như khi thi vấn đáp, trong khi trả lời các câu hỏi của chư tôn đức, con cũng không tránh khỏi tinh thần lo lắng. Nhưng khi tiếp xúc với sự từ bi của quý thầy, thì con bớt hồi hộp và trả lời tự tin những câu hỏi.

Với người tu, khi mới tập sự thì những oai nghi tế hạnh trong các quyển luật không thể nào mình bỏ, hoặc không ứng dụng, vì nó là những bài học chánh niệm của người tu. Những bài kệ đó giúp mình có chánh niệm trong giờ phút hiện tại, để mình sống tỉnh thức trong những giờ phút mình đang có mặt trong sinh hoạt hay hành động của mình. Cho nên nói học để khảo thí nhưng đó cũng là đang tu, là những oai nghi đi đứng thường ngày của người tu. Nên kỳ khảo hạch mang tính khảo nghiệm lại những gì mình đã thực tập trong quá trình tu.

Trước đây con là một Phật tử thuần thành, học và thực tập pháp từ sớm, năm 18 tuổi bắt đầu ăn chay trường. Khi sắp xếp được công việc, và cảm thấy cuộc sống bên ngoài không còn thích hợp với mình nữa, con nhận thức như vậy, cho nên phải tìm tới con đường xuất gia, con đường giải thoát giác ngộ.

Lý tưởng xuất gia của con là tự mình tìm đến pháp Phật, tự mình tìm đến phương thuốc chữa những vết thương ở quá khứ đã gặp phải bằng những lời Phật dạy, để chuyển hóa những phiền não, nghiệp chướng, để mình thật sự có an lạc trong bản thân mình. Thứ nữa là học theo tinh thần tự độ độ tha của các vị hiền thánh, nguyện dứt các điều ác, nguyện làm tất cả các việc lành, nguyện độ tất cả chúng sanh. Con nương theo tâm hạnh đó mà tu.

Giới tử Thức-xoa Thích nữ Liên Huyền
Giới tử Thức-xoa Thích nữ Liên Huyền

* Giới tử Thích nữ Liên Huyền, đứng thứ 3 trong khảo hạch giới tử Thức-xoa, Hệ phái Khất sĩ: “Con chăm chỉ học giới luật để tu sửa thân tâm mỗi ngày”

Để chuẩn bị cho kỳ khảo hạch, con được chư tôn đức trong hệ phái hướng dẫn và giảng dạy những nội dung cần thiết để ôn tập và trong quá trình học sơ cấp cũng đã được học căn bản Phật học, 4 bộ luật, đã được giáo thọ dạy cẩn thận.

Khi vào khảo hạch thì tâm lý chung ai cũng hồi hộp, vì khảo thí chứng tỏ cái tiếp thu học hỏi của mình, và đáp lại công ơn dạy dỗ của chư tôn đức. Cũng là quá trình tu tập của mình trong một thời gian phấn đấu để thọ giới. Nên con nghĩ ai cũng nỗ lực làm hết sức mình, và làm sao cố gắng thể hiện những cái mình đã được học, đã được dạy, và cái nhận thức của mình đối với con đường cao quý - con đường giác ngộ. Trước khi khảo thí được nghe lời khai thị của Hòa thượng Chánh Chủ đàn nên con cũng cố gắng làm hết sức mình với tâm tha thiết cầu thọ giới pháp.

Với các quyển luật, những ngày đầu khi vào tu con cũng rất bỡ ngỡ, vì sống ngoài đời huân tập những tập khí xấu lâu ngày nên khi thực tập oai nghi người tu cảm thấy hơi khó, nhưng khi thực tập vào rồi thì thấy những oai nghi này giúp mình có ý thức mình là người xuất gia. Và khi hành trì nhiều mình có được sự tỉnh thức, biết rõ các oai nghi cử chỉ của mình, và biết điều tiết để thân khẩu ý cho thanh tịnh.

Nhờ đó con cũng cố gắng sửa thân khẩu ý, cải sửa những thói hư, tật xấu, tập khí nhiều đời để có hình tướng cho đúng với người xuất gia. Và chính những thực tập ấy thấy mình có được sự gột rửa, có sự chững chạc, tự tin hơn khi đắp y cao quý.

Con xuất gia muộn, khi đã 60 tuổi, thời gian còn quá ngắn, nên ý thức là mình cố gắng chỉnh sửa thân tâm, rèn giũa oai nghi thân tướng cho trang nghiêm, để giúp cho cư sĩ khi nhìn vào họ có lòng tin tưởng tôn kính Tam bảo. Thì đó cũng là góp rất nhỏ như hạt cát trong sa mạc mênh mông này, để đền ơn thầy tổ.

Ngày trước bận rộn với các bổn phận lo cho gia đình, nên phải sau khi nghỉ hưu con mới có thời gian tham dự các khóa tu, tiếp xúc được với Chánh pháp và lời dạy của Đức Phật, cảm nhận được những đau khổ, những vô thường của cuộc sống. Kể cả khi mình sướng mình vui thì tất cả đã hàm chứa cái khổ. Khi nghe quý thầy giảng thì cảm nhận điều đó sâu sắc, và thấy rõ ràng con đã uổng phí rất nhiều thời gian của mình.

Con thấy cuộc đời khổ, thấy bản thân nhiều nghiệp nặng, do đó muốn đi xuất gia để học Phật pháp, hiểu pháp chuyển hóa chỉnh sửa thân tâm mình, chuyển hóa một phần nào nghiệp của mình, để đời sau mình bước vào con đường tu sớm hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày