“Trước khi là thầy tu, tôi từng là thầy giáo”

Sư chú Thích Từ Viên khi còn là thầy giáo, đang xem lại bài kiểm tra của học sinh trong giờ giải lao tiết học
Sư chú Thích Từ Viên khi còn là thầy giáo, đang xem lại bài kiểm tra của học sinh trong giờ giải lao tiết học
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đang là giáo viên trường Trung học Phổ thông tại TP.HCM và giảng viên thỉnh giảng cho một số trường Đại học, thầy giáo Ưng Trần Hoàng Duy bỗng rời bục giảng ở tuổi 27, về mái chùa quê Phước Phú, ấp Bắc Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xuất gia tu học.

Người thầy giáo hôm nào, bây giờ đã là Sa-di Thích Từ Viên. Vị Sa-di trẻ đã có những chia sẻ thú vị với báo Giác Ngộ về nhân duyên giác ngộ, hướng đi riêng biệt của chính mình:

Xuất gia từ lòng từ bi của sư phụ

- Vốn xuất thân trong gia đình không mang tín ngưỡng tôn giáo, chỉ lấy việc thờ tổ tiên ông bà là chính. Nhưng từ lúc nhỏ thường được bà nội hay dẫn đi chùa, rồi dần dần Từ Viên hình thành nên ý thức đến chùa để lễ Phật, chỉ để cầu nguyện bình an cho mọi người và gia đình. Đến lớn sau khi học xong, tới lúc ra trường đi làm thì vẫn dành ra chút ít thời gian để đến chùa.

Trong lần bị stress về công việc và quá áp lực của cuộc sống thì Từ Viên đã trở về ngôi già-lam để tìm cho mình chút bình an. Tại đây, Từ Viên đã kể cho sư phụ nghe những bức bách, những nỗi khổ, những cú sốc mà bản thân đã và đang gặp phải. Thầy không phán xét, không la rầy, mà ôn hòa dùng lòng từ bi khuyên Từ Viên “thôi kệ đi con, thôi buông đi con. Buông để cho nhẹ vơi đi những gì trong lòng còn nặng trĩu”. Tình thương của Thầy đã trở thành chỗ dựa cho Từ Viên, cũng chính điều thiêng liêng đó đã mở ra bước đường tu học cho Từ Viên.

Sư chú Thích Từ Viên thọ giới Sa-di tại Đại giới đàn Liễu Lạc, do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An tổ chức, tháng 5-2023 - Ảnh: Quảng Đạo

Sư chú Thích Từ Viên thọ giới Sa-di tại Đại giới đàn Liễu Lạc, do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An tổ chức, tháng 5-2023 - Ảnh: Quảng Đạo

* Quá trình xuất gia của Sư chú diễn ra như thế nào?

- Vì những cảm xúc bình an Từ Viên tìm thấy ở già-lam khi gặp biến cố, nên sau đó Từ Viên quyết định xuất gia. Khi sư phụ cho xuất gia, Từ Viên rất hạnh phúc nhưng có chút buồn là gia đình không ủng hộ.

Ngày thế phát xuống tóc, ai cũng có người thân gia đình đến, riêng mình thì không. Từ Viên rơi nước mắt rất nhiều, vì khao khát gia đình chứng kiến khoảnh khắc này, cùng mong gia đình ủng hộ trên bước đường tu học. Từ Viên không phải xuất gia vì chán đời hay chạy trốn cuộc đời, mà chọn xuất gia là vì hạnh nguyện của bản thân và muốn được an lạc thật sự.

* Sư chú đã làm gì để chuyển hóa, thuyết phục gia đình?

- Từ Viên đã thay đổi bản thân từng ngày, sống tốt hơn mỗi ngày, sống với trái tim từ bi của mẹ, lòng nhân từ độ lượng của cha và tình thương của người bà, mang tình thương đến với những người cơ nhỡ hay trẻ em không có tình thương của một gia đình. Từ đó gia đình Từ Viên mới dần dần thay đổi, hướng về Phật pháp. Từ Viên đã thực hành theo lời sư phụ dạy, cái chúng ta cần làm là thay đổi cách nhìn của mọi người về Phật giáo, theo đúng tinh thần từ bi mà Đức Phật đã dạy.

Tu học nhiều bỡ ngỡ

* Sư chú còn nhớ những ngày đầu tiên khi mới được xuất gia?

- Mặc dù là quyết tâm xuất gia, cãi gia đình để đi xuất gia, trước khi xuất gia thì đã ở chùa được một năm, nhưng nói thật, những ngày đầu mới xuất gia, Từ Viên nhớ gia đình không thể kể xiết. Khóc miết từng đêm, sư phụ phải đi theo dỗ dành. Sư phụ kể những ngày đầu sư phụ đi xuất gia, vô chùa ở là vậy đó con, rồi bắt đầu chỉ dạy cho Từ Viên những bài học đầu tiên của người xuất gia, hướng dẫn cách bái sám, lễ Phật, công phu.

Nói chung, khi “ở chùa thì mới thấm cơm chao nhà chùa”, nhiều điều bỡ ngỡ. Nhưng nói thật, sau khi cạo đi mái tóc hàng ngày hay chải chuốt, khoác lên mình những bộ đồ màu sắc để đi dạy thì giờ đây lại sống một cách dung dị đời thường, không còn phải se sua chưng diện, được làm chú Sa-di nhỏ, khoác chiếc áo nâu thô với ý nghĩa giải thoát, ngày nào cũng được sư phụ chỉ dạy, uốn nắn, thì mỗi ngày của Từ Viên an lạc hơn nhiều.

Niềm hạnh phúc là được sư phụ dạy dỗ, được chữa lành tâm hồn, được thấy hạnh phúc sâu sắc, rồi được sư phụ cho đến trường lớp để được học và hiểu hơn về những giáo lý mà Đức Phật đã dạy. Hiện tại, Từ Viên đang học ở Trường Trung cấp Phật học tỉnh Long An.

* Thưa Sư chú, hạnh phúc khi làm thầy giáo và thầy tu, có khác gì nhau?

- Khác rất nhiều. Khi làm thầy giáo, dù đam mê với việc dạy học, hết lòng với từng tiết dạy và muốn phải truyền đạt kiến thức đến các học trò, để các em thi tốt nhất. Dù hết mình với nghề, với học sinh thì suy cho cùng mình làm cũng vì mưu sinh, đi dạy cũng để lo cơm, áo, gạo, tiền. Khi còn là thầy giáo, mỗi ngày mình đều phải phấn đấu, chạy theo công danh, sự nghiệp, tiền tài vật chất khiến bản thân trở nên lao lực, lao tâm rồi dần bị vòng xoáy của đồng tiền dẫn mình chạy theo với những thứ vô nghĩa.

Nhưng khi trở thành người thầy - tu sĩ, khi khoác chiếc áo màu nâu rồi, biết tự soi - tự sửa, thì mình không còn làm vì đồng tiền, không còn làm vì sự tính toán, mà ở đây mình làm thật, tu cho mình, sửa bản thân mình và sau đó là chia sẻ vô điều kiện, hướng dẫn Phật tử hữu duyên cùng tu học, cùng hướng đến lợi lạc và hạnh phúc, từ việc thực hành giáo lý Đức Phật. Cuộc sống từ đó mà ý nghĩa hơn, mình sống tử tế hơn với người xung quanh mình.

* Điều gì Sư chú tâm đắc nhất ở Thầy bổn sư của mình?

- Xuất gia vỏn vẹn được 2 năm, ở bên sư phụ được 3 năm ngắn ngủi nhưng Từ Viên luôn nhớ đến sư phụ với vẻ ngoài ôn hòa, từ tốn, dạy Từ Viên rất nghiêm khắc nhưng luôn đầy tình yêu thương. Sư phụ luôn dùng thân giáo để làm gương, đệ tử nhìn theo mà học. Sư phụ luôn dạy Từ Viên học về kinh, luật, luận và 4 cái ân lớn cần phải nhớ, đó là ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân quốc gia và ân đàn-na tín thí. Nhớ 4 cái ân này thì mới thành tựu trong Chánh pháp.

Điều quan trọng là, mặc dù hàng ngày học nhiều nhưng khi học và thực hành theo những lời dạy của Đức Phật, của sư phụ và quý thầy giáo thọ, Từ Viên thấy bản thân mình nhận được nhiều hỷ lạc, bản thân chuyển hóa nhiều hơn sau mỗi ngày tinh tấn tu và công phu. Mỗi ngày bản thân sửa được một tính xấu, hoặc làm được điều gì đó mang đến niềm vui cho người xung quanh, thì đã tối ngủ rất ngon, phiền não cũng bớt đến tìm như khi còn ngoài đời.

* Xin cảm ơn những chia sẻ đầy thú vị, chúc Sư chú luôn tinh tấn tu học!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm

Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng

GNO - Sáng 19-11, Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm chuẩn bị cho dự án “Tổ chức điều tra, sưu tầm tài liệu nghiên cứu biên soạn bộ tổng tập Phật giáo Thăng Long - Hà Nội”, tại chùa Bằng - Linh Tiên tự (Q.Hoàng Mai).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1276 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Thân bệnh mà tâm không khổ

GNO - Già bệnh là một sự thật của thân này, ai rồi cũng phải trải qua. Hiếm hoi mới có người già mà ít hay không bệnh. Vấn đề là, làm sao khi thân già bệnh mà tâm bớt khổ hoặc không khổ?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1278 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Nắng sẽ về trên môi em thơ

GNO - Ba hôm rồi không thấy các em Kha, Nhi, Long đến lớp, Thư sốt ruột. Cơn bão vừa rồi mạnh quá, dù đã chuẩn bị trước nhưng những hậu quả mà nó để lại thì không thể lường trước được.

Thông tin hàng ngày