Tuổi trẻ hướng Phật

Ngô Xuân Trọng, pháp danh Thiện Pháp, thường dành thời gian chụp ảnh các sự kiện của Phật giáo và đi thiện nguyện với tinh thần phụng sự
Ngô Xuân Trọng, pháp danh Thiện Pháp, thường dành thời gian chụp ảnh các sự kiện của Phật giáo và đi thiện nguyện với tinh thần phụng sự
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngoài thời gian dành cho công việc và gia đình, những thời gian còn lại, Ngô Xuân Trọng, pháp danh Thiện Pháp, sinh năm 1993, TP.HCM đều dành cho chụp ảnh các sự kiện của Phật giáo và đi thiện nguyện.

Những sự kiện quan trọng của Phật giáo rơi vào ngày thứ, Trọng sẽ xin công ty nghỉ phép hoặc làm việc online. Tất cả xuất phát từ tinh thần phụng sự.

Gieo những mầm thiện

Câu chuyện Trọng bén duyên với Phật pháp bắt đầu vào năm 2012, lúc ông ngoại của bạn mất. Trong những ngày tang, gia đình có thỉnh quý Thầy đến tụng kinh cho ông. Những lần nghe Thầy tụng sám, nghe được lời dạy của Đức Phật về báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ, Trọng thấy hay và có thỉnh quyển sám đó về đọc. Từ những lời kinh, Trọng đã thực hành theo, bản thân tìm thấy được sự bình an, hiểu được ý nghĩa trong giáo lý của đạo Phật và phát tâm gắn bó với Tam bảo.

Trước khi quy y ở một ngôi chùa tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trọng có một tuần ở tại nơi đây để làm công quả và học về giáo lý căn bản của người Phật tử. Thời gian ở chùa cũng là lúc Trọng phát tâm xin được phụng sự Tam bảo bằng tất cả những gì mình có thể. Trọng biết chụp ảnh và có niềm đam mê với chiếc máy hình, sư phụ biết điều đó, đã tạo duyên cho Trọng phụng sự. Đầu tiên, Trọng chụp ảnh cho các sự kiện do chùa tổ chức, sau đó Trọng được quý Thầy trong Ban Thông tin-Truyền thông Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mời vào cộng sự.

Ngô Xuân Trọng (trái) lưu niệm cùng ekip truyền thông trong sự kiện Đại giới đàn
Ngô Xuân Trọng (trái) lưu niệm cùng ekip truyền thông trong sự kiện Đại giới đàn

Nhớ về lần đầu tiên được chụp ảnh cho một Đại giới đàn lớn của Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trọng chia sẻ: “Ngày đầu nhìn thấy nhiều Tăng Ni đến giới trường và chụp hình sự kiện này, em nhiều bỡ ngỡ lắm. Nhưng quý Thầy, quý Sư dù xa lạ nhưng ai cũng thương và đối xử với em như người nhà, người quen từ rất lâu. Điều đó làm em thêm xúc động về nét đẹp của Phật giáo mình”. Đó cũng là một trong những lý do lúc nào quý Thầy, quý Sư gọi điện báo chùa có việc, Trọng luôn sắp xếp để tham gia, chụp ảnh cho nhà chùa.

Trong tất cả các chuyến đi như thế, Trọng không yêu cầu bất cứ điều gì liên quan đến tiền nong hay thù lao. Hầu như Trọng tự túc, tự đổ xăng cho tất cả những việc này, rất hiếm khi nhận tiền xăng của nhà chùa. Trọng cho biết: “Khoản tiền di chuyển là tiền em trích trong lương, là phần sử dụng cho Phật sự. Thay vì tiền đó em cúng dường thì em đổ xăng để phụng sự cho các sự kiện của Phật giáo”.

Khi chùa có lễ, quý Thầy, quý Sư gọi điện thì Trọng luôn sắp xếp công việc ở công ty để đến tham gia buổi lễ. Những trường hợp không đi được, khi công ty vào lúc cao điểm thực hiện các dự án, Trọng liên lạc các bạn khác đến hỗ trợ giúp. Hỏi Trọng lý do vì sao tâm huyết thực hiện công việc này? Bạn chia sẻ, vì muốn đóng góp một phần nho nhỏ để lưu niệm lại các khoảnh khắc quý giá cho chùa - nó cũng là một phần truyền thông các hình ảnh đẹp, để nhà chùa lan tỏa đến quý Phật tử trên các trang mạng xã hội, giúp mọi người biết đến nhiều hơn về ngôi chùa, về các bậc chân tu, về tín ngưỡng và hình ảnh đẹp của tu sĩ Phật giáo.

Hạnh phúc từ những điều đơn sơ nhất

Hiện tại, mặc dù không còn là thành viên của Ban Thông tin-Truyền thông của Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do công việc phải ở lại TP.HCM làm trực tiếp, Trọng tham gia vào Ban Thông tin-Truyền thông huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhưng khi có việc, Vũng Tàu gọi Trọng vẫn sắp xếp để về phụng sự.

Khi được hỏi rằng trong quá trình phụng sự như thế, niềm vui lớn nhất là gì, Trọng trải lòng: “Bản thân được hưởng lợi lạc rất nhiều, nhất là được mở mang nhiều kiến thức, nhìn nhận các sự việc theo nhiều cách hơn từ việc tiếp cận các vấn đề. Khi được tiếp xúc với quý Thầy, quý Sư, em được học nhiều điều nhất là tính biết khiêm nhường, khiêm cung, sự kiên nhẫn. Trong những chuyến thiện nguyện với các chùa, mọi người là thiện tri thức đã chia sẻ, hướng dẫn em thực tập thêm Chánh pháp. Đó là những điều may mắn rất lớn của em, cũng nhờ đó mà đời sống em thêm an lạc”.

Trọng đón nhận phần quà bất ngờ trong ngày sinh nhật của mình từ Sư cô Trung Hiếu, trụ trì chùa Tân Phước, tỉnh Long An, khi chụp ảnh cho nhà chùa
Trọng đón nhận phần quà bất ngờ trong ngày sinh nhật của mình từ Sư cô Trung Hiếu, trụ trì chùa Tân Phước, tỉnh Long An, khi chụp ảnh cho nhà chùa

Trọng kể thêm, Phật giáo mình là ngôi nhà rất ấm áp, có những tình cảm thân thương đó bên ngoài không tìm được. Đó là những lần Trọng đến các chùa quê chụp ảnh cho các sự kiện Vu lan, Phật đản. Chùa nghèo, được cho tiền xăng, Trọng không nhận, vậy là quý Sư cho rất nhiều bánh quê và trái cây.

Có vài lần, sự kiện ở chùa trùng ngày sinh nhật nhưng Trọng vẫn nhận lời. Quý Sư biết vậy nên khi lễ vừa xong là tặng bánh sinh nhật, chúc mừng, và cảm ơn vì nhận lời đi đường xa đến chùa, thay vì hôm nay ở nhà với gia đình. Với người Phật tử, đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng, mà không phải mua được bằng tiền.

Cũng chính những tình cảm thiêng liêng đó đã đem đến cho Trọng thêm sự vững chãi trong sự chọn lựa hướng đi cho cuộc đời mình: “Những lúc khó khăn em nhớ tới câu ‘mình không có quyền lựa chọn được nơi mình sinh ra nhưng mình có quyền lựa chọn sống thế nào cho cuộc đời của mình’. Cách em chọn sống hiện nay đã và đang đem đến cho em rất nhiều hạnh phúc”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày