Bắc Ninh: Thỉnh chuông trống chùa Hồng Ân khai hội Lim

Tam quan chùa Hồng Ân trong ngày khai hội Lim
Tam quan chùa Hồng Ân trong ngày khai hội Lim
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hội Lim là lễ hội lớn nhất ở tỉnh Bắc Ninh. Sau 3 năm tạm dừng vì dịch Covid, năm nay, H.Tiên Du tiếp tục tổ chức hội Lim nhằm phát huy, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương Kinh Bắc và quảng bá hình ảnh, con người, quê hương Tiên Du.

Tiếng chuông khai hội Lim đã dóng lên từ chùa Hồng Ân

Sáng 2-2 (12 tháng Giêng-Quý Mão), Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn dâng hương trước Tam bảo chùa Hồng Ân, sau đó đánh trống khai hội Lim tại ngôi chùa lịch sử này ở thị trấn Lim, huyện Tiên Du.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh dâng hương lễ Phật khai hội Lim tại chùa Hồng Ân

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh dâng hương lễ Phật khai hội Lim tại chùa Hồng Ân

Núi Lim (tên chữ là Hồng Vân sơn) nằm ở trung tâm thị trấn Lim (Tiên Du). Trên đỉnh núi có chùa Hồng Ân, một danh lam cổ tự nổi tiếng, địa điểm hội tụ của đông đảo quý khách muôn phương trong mỗi độ Tết đến Xuân về khi người vùng Lim tưng bừng mở hội hát Quan họ. Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử cũng như những di vật, cổ vật còn lưu giữ tại di tích cho biết, chùa Hồng Ân được xây dựng lớn từ thế kỷ XV. Trong bài thơ “Lên chơi chùa Hồng Ân” của quan đại thần Tiến sĩ thần Nguyễn Thiên Tích người làng Đình Cả thì Hồng Ân tự khi ấy đã được xây cất với nhiều hạng mục công trình đồ sộ nguy nga, tượng phật, bia đá, đồ thờ tự bài trí rực rỡ uy nghi. Đến thế kỷ XVIII, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769), chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng qui mô bởi sự hưng công của tướng công Nguyễn Đình Diễn, người làng Đình Cả và Bồ Đề Ni (tục gọi là Mụ Ả), người xã Nội Duệ Nam xuất gia thụ giới ở chùa Hồng Ân.

Trải trường kỳ lịch sử chùa Hồng Ân luôn được quan tâm gìn giữ, đến nay khu di tích bao gồm các hạng mục công trình: Tam quan, gác chuông, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, Hành lang, Tháp, nhà Điện, Tăng phòng… Trong chùa còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Chuông đồng “Hồng Ân tự chung” đúc thời vua Cảnh Thịnh thứ 4 (1795), 16 đạo sắc phong, bia đá cùng hệ thống tượng Phật, hoành phi, câu đối, đồ thờ tự phong phú mang nhiều ý nghĩa giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…

Bên cạnh những giá trị về văn hóa khu di tích núi Lim - chùa Hồng Ân còn là một địa điểm lịch sử quan trọng của Bắc Ninh. Năm 1999, khu di tích Núi Lim - chùa Hồng Ân đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đông đảo người dân đến chùa Hồng Ân

Đông đảo người dân đến chùa Hồng Ân

Hội Lim nhiều đổi thay

Hội Lim năm nay diễn ra ngày 2 và 3 – 2, (tức 12 và 13 tháng Giêng-Quý Mão). Theo chương trình, hội Lim xuân Quý Mão có nhiều hoạt động đặc sắc với phần lễ và hội, hứa hẹn mang đến không khí tưng bừng rộn rã ngày đầu năm mới nhưng cũng đậm đà bản sắc dân tộc. Theo chương trình, sáng ngày 3-2-2023 (tức 13 tháng Giêng Quý Mão) sẽ diễn ra lễ rước sắc từ làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa ở các làng thuộc các xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim. Đến với hội Lim, bên cạnh việc hòa mình vào không gian văn hóa ​quan họ, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau.

Không thể thiếu trong phần hội là những tiết mục hát Quan họ. Rất nhiều lán, trại quan họ được các Câu lạc bộ Quan họ phục vụ du khách thưởng thức các làn điệu quan họ.

Song song với phần lễ, phần hội diễn ra tại trung tâm đồi Lim và khu vực Hồ điều hòa Vân Tương với nhiều trò chơi dân gian như: hát đối đáp quan họ, hát canh quan họ, đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân… Đặc biệt, huyện Tiên Du khánh thành Hồ điều hòa Vân Tương và tổ chức bắn pháo hoa vào 21 giờ tối 2 -2 (tức 12 tháng Giêng) tại đây.

Lễ Phật cầu an lành

Lễ Phật cầu an lành

Chúng tôi đến Đồi Lim vào ngày đầu của Hội Lim năm nay, chứng kiến dòng người đến hội nườm nượp, đông hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách thập phương đã có mặt trên đồi Lim và khu vực hồ điều hòa Vân Tương du xuân, trẩy hội.

Lễ hội được tổ chức rất quy củ, bài bản với rất nhiều điểm thay đổi so với những năm trước. Điểm mới nhất, là khu vực quảng trường trước sân khấu lớn – nơi mặt bằng thấp nhất trên khu vực Đồi Lim, nền sân trường đã được lát đá nên sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, trước đây là nền cỏ nên người ta thường trồng những cây đu và tổ chức trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đập niêu… trên nền sân này. Nhưng nay, do nền đá đã thay thế nền cỏ, nên không còn hình ảnh cây đu cổ truyền, và cũng không còn thấy các trò chơi dân gian tại khu vực này. Tại sân khấu của Quảng Trường, các liền anh liền chị liên tục biểu diễn các tiết mục hát Quan họ.

Sắc màu hội Lim

Sắc màu hội Lim

Trên sườn đồi lim, hai bên lối đi từ quảng trường lên chùa Hồng Ân, bên dưới những tán cây cổ thụ là những trại của các câu lạc bộ, nhóm Quan họ của các làng xã trong vùng. Để du khách được “thỏa lòng” với tình yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ban tổ chức dựng 8 lán hát Quan họ trên đồi Lim, đồng thời tổ chức hát Quan họ tại nhà các nghệ nhân, tại các nhà chứa Quan họ... để du khách có dịp tìm hiểu văn hóa Quan họ Bắc Ninh, góp phần đưa Quan họ trường tồn và lan tỏa. Biểu diễn hát Quan họ tại Đồi Lim đã bài bản hơn nhiều so với trước đây, các liền anh liền chị têm trầu cánh phương để mời du khách tạo nên hình ảnh rất ấn tượng, và cũng không còn hiện tượng Quan họ ngửa nón xin tiền như những năm trước. Tuy nhiên, thưởng lãm các tiết mục Quan họ tại sân khấu lớn và tại các lán trại, thấy các liền anh liền chị tham gia biểu diễn hầu hết đã đứng tuổi, phần lớn trên 55 tuổi, liền anh liền chị tuổi dưới 50 tìm đỏ mắt cũng chỉ thấy một, hai người. Điều này lo lắng cho sự tiếp nối thế hệ gìn giữa và phát huy nghệ thuật Quan họ là rất đáng trăn trở.

Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 209, sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù. Cùng với Hội Lim diễn ra từ đầu Xuân, ông Nguyễn Xuân Trung - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết năm nay, Festival "Về miền Quan họ" sẽ tiếp tục được tổ chức, vào cuối tháng 2-2023, nhằm quảng bá sâu rộng với bạn bè trong nước và quốc tế về truyền thống văn hóa đặc sắc, gia tăng sự hiểu biết của cộng đồng về vùng đất, văn hóa và con người Bắc Ninh. Trong đó, có thể kể đến chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng miền Quan họ" được tổ chức vào ngày 25-2 tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc. Chương trình dân ca Quan họ trên thuyền, tổ chức vào ngày 27-2, tại đây sẽ giới thiệu, trình diễn những nét đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày