“Vô vi nhi vô bất vi”1
Suy nghĩ về lời dạy của Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ “… Tôi tự thấy mình chưa có công đức gì nhiều đối với Giáo hội, nhưng các vị trong Giáo hội nước ta lại ép, đưa tôi lên ngôi Pháp chủ…” khiến tôi nhớ lại cuộc phỏng vấn của Thời báo Ấn Độ (Times of India) với diễn viên Amitabhachan, một huyền thoại sống của điện ảnh Ấn Độ vào thập niên 80 của thế kỷ trước. “Đạo Phật đã đóng góp gì cho dân tộc Ấn Độ” là một trong những câu hỏi ký giả thời báo này dành cho tài tử Amitabhachan. Huyền thoại này đã trả lời rằng “Phật giáo đóng góp cho Ấn Độ và nhân loại con số Không”. Lời phát biểu này đã tạo ra nhiều cách đón nhận: thích thú, ngạc nhiên, không đồng tình…
Thử tưởng tượng nếu Triết học Tánh không của Phật giáo không đóng góp cho nền triết học nhân loại con số “Không” thì không biết thế giới ngày nay đã có thể phát triển đến đâu! Ý nghĩa và tầm quan trọng của con số “Không” này thật sự là không thể nghĩ bàn. Nhìn chung, mọi sự việc trong cuộc đời này đều có sự liên hệ đến con số “Không”.
Từ góc độ xã hội, hạnh phúc và bình an mà mỗi chúng ta đang thọ hưởng chính là sự phụng hiến, hy sinh của biết bao con người đã làm việc một cách thầm lặng nhưng không ai biết đến… Từ góc nhìn tôn giáo, sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam khó có thể đạt được nếu không có sức gia trì hộ niệm từ nguồn tâm linh không thể kiểm chứng của liệt vị tổ sư ẩn cư tu hành. Chúng tôi tạm gọi các Ngài là “vô tác chân nhân” với ý nghĩa “vô tác nhi vô bất tác”, nghĩa là ‘làm mà không thấy người làm và việc làm’.
Nói khác đi, đó là sức mạnh nội tâm từ cuộc sống của những bậc chân tu, thể nhập thánh lưu, vượt ngoài mọi sự trói buộc của huyễn pháp. Trong thâm cảm của người học Phật, tôi xem Đức Pháp chủ đệ tam là “Bậc vô tác chân nhân”, một nhân cách thật sự đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Bởi vì xã hội hiện nay, bao gồm cả cộng đồng Phật giáo đang bị ảnh hưởng bởi tư tưởng vật chất, thực dụng thì đời sống vô nhiễm, vô cầu của ngài chính là bài pháp không lời có khả năng tạo ra niềm tin cho những ai chưa có niềm tin Phật, đồng thời củng cố niềm tin cho những ai đang quy ngưỡng Phật Pháp Tăng.
Cần thấy rằng nếu thiếu chánh niệm, hàng đệ tử xuất gia của Phật dễ bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng sống “sở hữu thay vì hiện hữu”2 của văn hóa thế gian. Như là hệ quả, rất nhiều người trong số đó đã và đang mải miết tìm kiếm mọi phương kế để thể hiện cái bản ngã (chức vụ, địa vị) và ngã sở (bằng cấp, chùa chiền, của cải…) của mình trên mọi phương diện, vốn đi ngược với lý tưởng sống vô ngã, vô dục của Phật giáo.
Trong khi đó, trước sự tha thiết của toàn thể Tăng đoàn về việc thỉnh cầu ngài giữ vai trò lãnh đạo tinh thần cao nhất của Giáo hội, Đức Trưởng lão Thích Phổ Tuệ lại từ chối và tự xem mình chưa phù hợp với vị trí này “… Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện”3. Đây có thể xem là một thông điệp sống động và ý nghĩa nhất về bài học vô chấp hay buông xả cho Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hiện nay. Quả thật, ngài đúng là trưởng tử của Như Lai, người đã tiếp nhận và thực hành một cách nghiêm túc lời dạy ‘Thừa tự pháp”4 của Thế Tôn.
Chính vì ngài tự thấy mình KHÔNG nên ngài đã tròn vẹn với ngôi vị Pháp chủ. Ngài đã ở đó, không mệnh lệnh, không lễ nghi, sống lặng lẽ, nhưng đã trở thành “Sơn môn bảo chướng”5 của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, khi Tăng đoàn biểu hiện quá nhiều bất hòa, rối ren trong nếp sống, vi phạm nhiều học giới do đời sống thiếu tu tập, quá hướng ngoại, dễ dàng bị thế tục hóa, vật chất hóa thì hình bóng nâu sồng, giản dị của Ngài chính là hồi chuông cảnh tỉnh giới xuất gia về sự tỉnh thức và hòa hợp.
Rõ ràng, “sự bất động giữa cuộc đời vọng động” và “sự vô chấp giữa biển người vọng chấp” của ngài khi đảm nhiệm ngôi vị Pháp chủ trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này đã tạo nên một sự cân bằng cần thiết đối với niềm tin của tín đồ. Trước ngọn gió tài danh sắc thực thùy đang ăn mòn các giá trị văn hóa, đạo đức, tâm linh cả đời lẫn đạo, hơn bao giờ hết, con thuyền Giáo hội đang rất cần được lãnh đạo bởi các bậc mô phạm như ngài.
Vì vậy, để có thể lèo lái con thuyền Giáo hội trong bối cảnh hiện nay, theo lời dạy của Đức Đệ tam Pháp chủ, Tăng đoàn không chỉ cần những tu sĩ điều hành có khả năng gánh vác các công tác hành chánh-xã hội như những chuyên viên, mà quan trọng hơn cả là các tu sĩ phải có đạo hạnh qua việc thực nghiệm lời Phật dạy, vì Đức Pháp chủ dạy rằng “Mình giảng dạy tín đồ mà không có Giới Định Tuệ thì giảng dạy ai?”.6
Nói rõ hơn, Tăng Ni lãnh đạo các cấp phải là người có cả đức hạnh lẫn trí tuệ, nói phải đi đôi với làm. “Sư là khuôn mẫu, mô phạm của loài người, chí ít là trong cộng đồng người. Nếu không có đạo hạnh, không có trí tuệ thì lấy gì dạy người? Lấy gì làm gương tốt để mọi người noi theo?”.7
Ý nghĩa hơn nữa là làm sao giới xuất gia phải lấy hạnh thiểu dục tri túc làm tiêu chí, phải thực hành nếp sống thanh bần và mẫu mực như nếp sống của Đức Pháp chủ đệ tam lúc còn sinh tiền. Ai đã từng một lần ghé thăm trú xứ nơi ngài ở tại chùa Viên Minh (chùa Giáng, Hà Tây, Hà Nội) mới cảm nhận được giá trị tri hành hợp nhất của Tổ Ráng, bậc lãnh đạo tối cao của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
Vào năm 2019 (Kỷ Hợi), tháp tùng phái đoàn Hội đồng Điều hành Học viện TP.HCM đến đảnh lễ ngài sau khi kết thúc ba tháng kiết hạ an cư, tôi đã nín lặng và thật sự xúc động khi bước vào liêu phòng của bậc tòng lâm thạch trụ này. Với cương vị là Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, căn phòng ngài thường trú chỉ khoảng 20 mét vuông, tường vách hoen ố, gạch nền đã sậm màu với một số vật dụng để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, bao gồm một chiếc gường ngủ cá nhân 1.2m, một bàn làm việc đầy kinh sách bút viết, một chiếc tủ cũ kỹ đựng quần áo, một cái quạt máy, một chiếc tủ lạnh nho nhỏ…
Trang nghiêm quỳ dưới chân thầy, hướng mắt đến vị cao tăng thạc đức được Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước tôn kính đang rất hiền hòa, từ ái ngồi trước mắt, lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Ở tuổi 102, với nụ cười hiền từ và gần gũi, Đức Pháp chủ thật nhẹ nhàng, thanh thoát trong chiếc áo hậu vàng theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Bằng những lời ngắn gọn, ngài sách tấn chúng tôi cố gắng tu tập giới định tuệ để trang nghiêm thân tâm, hãy hòa hợp, đoàn kết trong sự nghiệp giáo dục hoằng pháp để báo đáp ân Phật, ân Tổ. Mắt tôi như nhòa lệ, một cảm giác khó tả trộn lẫn của sự cảm thán, xót xa, kính phục, hân hoan,… ngập tràn tâm tôi.
Lời kinh Thừa tự pháp còn vang vọng: “Vị Đạo sư sống viễn ly các đệ tử tùy học viễn ly. Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ; và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rời về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly…”.8 Cuộc sống của bậc thầy tôn kính nhất của Giáo hội lại rất thanh bần, đạm bạc, tri túc… như thế, hàng hậu học chúng ta đã và đang mang tâm thế nào để hoàn thiện phạm hạnh của tự thân trên bước đường học đạo và hành đạo.
Đời sống thật của ngài là bài pháp hùng hồn nhất của tinh thần “nói sao làm vậy và làm sao nói vậy”9 mà Thế Tôn đã dạy, là nguồn sức mạnh tâm linh khiến cho lòng tin của tín đồ Phật giáo trở nên kiên cố, mạnh mẽ hơn đối với Tam bảo, và tin về một tương lai tươi đẹp của thế nhân nhờ sự tỏa rạng của chánh pháp. Chính nếp sống phạm hạnh của Ngài đã khiến cho giới Phật tử tin rằng các bậc thánh, các bậc chân nhân với mật hạnh cao quý vẫn hiện hữu trong cuộc đời này để thầm lặng phụng sự Phật pháp vì lợi ích của mọi loài.
Viết về cuộc đời và đạo nghiệp của cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ chính là sự thể hiện lòng kính ngưỡng và tri ân sâu xa của chúng con đối với Tổ Ráng chùa Viên Minh, đồng thời nhắc nhở tự thân hãy học và tu theo gương sáng của Ngài. Cầu mong nếp sống giản đơn nhưng thấm nhuần đạo vị giải thoát của Đức Pháp chủ đệ tam sẽ lan tỏa khắp chốn thiền môn để nuôi dưỡng đạo tâm của những người con Phật đang hướng đến con đường chân thiện mỹ mà Đức Phật đã dạy.
Thành kính cúi đầu đảnh lễ “Bậc Vô tác Chân nhân”!
--------------------------
1 Lão Tử Đạo đức kinh; 2 Erich Fromm “To Be or To Have”; 3 Trích lời dạy của Đức Pháp chủ đệ tam; 4 Kinh Trung bộ; 5 Trích (Bình phong che chướng khí cho Sơn môn); 6 Trích lời dạy của Đức Đệ tam Pháp chủ; 7 Trích lời dạy của Đức Đệ tam Pháp chủ; 8 Kinh Trung bộ, “Kinh Thừa tự pháp”; 9 Kinh Tương ưng bộ.
Chùa Từ Mãn, Củ Chi - TP.HCM