GN - Ngày Chủ nhật vừa rồi, 17-9, trên Giác Ngộ online có hai bản tin được bạn đọc quan tâm. Đó là thông tin về lễ tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo VN - TP.HCM và phát ngôn của người đứng đầu Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An về “Hai sư thầy 'triệu view’”, cư trú trên địa bàn của tỉnh Long An.
Bên cạnh những lời chúc mừng các vị tân thạc sĩ, cử nhân Phật học cùng những bước tiến của giáo dục Phật giáo nói chung, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM nói riêng, bạn đọc cũng dành thời gian chia sẻ ý kiến cá nhân về vụ “nhà sư” tham gia dự thi một trò chơi ca hát truyền hình có tên gọi Tuyệt đỉnh song ca 2017 gây xôn xao dư luận.
Còn bạn đọc Hồng Vân than: “Khổ lắm, nói mãi! Người khác tôn giáo hay tín đồ mà không học Phật kỹ càng thì hễ thấy đầu tròn áo nâu, áo vàng thì dứt khoát là sư, đã là sư thì cứ là Hòa thượng”, nên dễ có cái nhìn sai lệch về Phật giáo, nhiều ngộ nhận với Tăng đoàn.
Trong khi đó, bạn đọc Thanh Nguyên nói ngắn gọn: Giáo hội nên “góp ý với Bộ VH-TT&DL, thí sinh không được mặc áo tu hành tham gia chương trình” mang tính trò chơi giải trí.
Tuy nhiên, nhân đây, nhiều bạn đọc khác cũng nêu ý kiến: “Nếu đã là tu sĩ Phật giáo thì phải theo đúng giới luật Phật dạy. Trong kinh Di giáo, Phật nói rõ là chỉ cần là Sa-di mới tu thôi cũng không được ca múa đàn hát, huống gì hai vị này nhìn vô rất dễ nhận lầm là người đã thọ giới Tỳ-kheo. Nếu hai vị này không phải tu sĩ thì không nói gì vì họ có quyền tự do và họ là một công dân bình thường - việc họ đăng ký thi là không trái với đạo đức. Còn khi đã nhận Phật làm thầy thì họ phải tuân theo giới và luật của Phật chế ra, cũng như cộng đồng Tăng đoàn các truyền thống ở khắp nơi vẫn đang tuân thủ”.
Đơn vị tổ chức chương trình trò chơi truyền hình này sau hồi im lặng, cũng đã lên tiếng đính chính và xin lỗi vì đã có những đồng hóa những người có hình thức tu sĩ là các vị giáo phẩm trong Phật giáo, gây nên sự ngộ nhận đáng tiếc.
Tuy nhiên, dư luận vẫn rất quan tâm, đó là chưa kể những người có ý kiến không thiện cảm với Phật giáo đã nhân sự việc này có những bình phẩm, chỉ trích và trưng dẫn thêm nhiều trường hợp liên quan tới việc một số cá nhân trong hình thức của tu sĩ tham gia các sự kiện không phù hợp với cái nhìn truyền thống, hoặc có những biểu hiện thiếu sự chuẩn mực trong ứng xử.
Và cũng có một số ý kiến mở rộng, cho rằng, Giáo hội cần có sự quản lý người tu thật nghiêm, tránh việc một số cơ sở dễ dàng cho người xuất gia, thọ giới trong khi họ không thực tu, nên dù là “tu sĩ thật” (có giấy tờ đúng quy định) nhưng có lối sống, hành xử chưa đúng với người xuất gia - biểu tượng cho đạo đức. Theo bạn đọc, đó mới là điều quan ngại hơn hết, còn đối tượng giả sư tuy cũng để lại những ảnh hưởng xấu nhưng nếu quyết tâm thì không khó để giải quyết dứt điểm.
Tổ CTBĐ