Băn khoăn vì yêu người xuất gia đã hoàn tục

Ở đời mấy ai mà không vấp ngã, quan trọng là biết gượng dậy và đứng lên
Ở đời mấy ai mà không vấp ngã, quan trọng là biết gượng dậy và đứng lên
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ở đời mấy ai mà không vấp ngã, quan trọng là biết gượng dậy và đứng lên. Sau sự cố, bạn biết nương tựa chùa chiền để chiêm nghiệm lại đời mình, tu tâm dưỡng tánh và học hành là điều tốt. Còn anh ấy đã hoàn tục từ lâu, hiện cũng đã ly hôn nên hoàn toàn tự do.

HỎI: Tôi hiện là sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Mấy năm đi học xa nhà, tôi luôn cố gắng học tập và giữ gìn bản thân nhưng gần đây đã trót sa ngã. Sau sự cố, tôi được một ngôi chùa cưu mang, cho tôi nương nhờ và công quả, hiện tôi luôn cố gắng tu tâm dưỡng tánh và chăm chỉ học hành.

Ở chùa, có một nam cư sĩ (là bạn của sư phụ) hiện đang công quả, năm nay anh đã ngoài 35, trước đây là người tu nhưng hoàn tục đã khá lâu. Ban đầu, chúng tôi chỉ nói chuyện bình thường, tôi luôn tôn trọng và kính nể anh ấy nhưng rồi dần dần tôi bắt đầu có tình cảm. Anh cũng nói với tôi rằng anh mến tôi từ lần đầu gặp nhau, lúc tôi hay lui tới thăm chùa.

Quá khứ của tôi không tốt, anh ấy biết rõ và chẳng quan tâm. Nhưng tôi thì mặc cảm, cho dù đã cất vào lòng và cố gắng làm lại từ đầu. Nhiều lúc nhìn anh buồn buồn, tôi rất muốn đến bên chia sẻ và động viên nhưng lại không dám, phần vì mặc cảm, phần vì tôi biết anh ấy từng tu hành sau đó lại hoàn tục.

Như đọc được suy nghĩ của tôi, anh đã kể cho tôi nghe về cuộc đời anh. Thuở bé nhà nghèo, anh lại ốm yếu nên ba mẹ gửi vào chùa, lớn lên thành người tu. Khi đã trưởng thành, anh biết mình không đủ duyên tu hành lâu dài nên xin phép hoàn tục, rồi sau đó anh lập gia đình. Anh là một người tài hoa, hiểu rộng biết nhiều, cầm kỳ thi họa cũng đều giỏi. Nhưng anh nghèo, sống với nhau được hai năm thì vợ anh đòi ly hôn. Sau bao lần cố gắng níu giữ không được, anh đã tùy thuận, coi như giải thoát cho cả hai. Rồi anh về quê lập nghiệp nhưng cũng không thành nên lang bạt khắp nơi.

Anh cũng rất mặc cảm vì đã nhiều tuổi mà không có sự nghiệp. Tôi cũng từng bị phản bội nên sợ rằng liệu anh sẽ ở bên mình đến bao lâu? Liệu anh có quay về với quê hương, gia đình? Có lúc tôi tự hỏi tại sao một người tài hoa như vậy, từng lập nghiệp bằng nhiều cách mà vẫn không thành? Phải chăng nghiệp của anh là tu hành? Nếu như vậy, anh không quay về với người cũ thì liệu có ở bên mình mãi không hay lại đi tu? Nhưng mỗi khi thấy anh chăm chỉ làm việc, hăng say miệt mài bên những tác phẩm nghệ thuật, tôi khát khao muốn đến bên, chia sẻ và giúp đỡ anh lập nghiệp. Với tôi, mọi khoảng cách từ tuổi tác đến quá khứ của cả hai, hay tiền tài danh vọng đều không quan trọng.

Tôi đang sống trong sự chở che đùm bọc của nhà chùa, nghĩ đến việc yêu thương người đã hoàn tục, lại là bạn của sư phụ, cảm thấy mình thật không phải. Bao nhiêu suy nghĩ, đắn đo, dồn dập trong đầu khiến tôi tránh né anh. Anh buồn, tôi cũng chẳng thể vui. Nhiều lúc tôi muốn đi thật xa, nhưng nghĩ đến ân tình của sư phụ đã cưu mang nên chưa thể rời đi. Hơn nữa, tôi thật lòng chẳng muốn rời xa anh ấy. Xin cho tôi lời khuyên.

(ĐỖ THÙY, thuydo...@gmail.com)

Bạn Đỗ Thùy thân mến!

Ở đời mấy ai mà không vấp ngã, quan trọng là biết gượng dậy và đứng lên. Sau sự cố, bạn biết nương tựa chùa chiền để chiêm nghiệm lại đời mình, tu tâm dưỡng tánh và học hành là điều tốt. Còn anh ấy đã hoàn tục từ lâu, hiện cũng đã ly hôn nên hoàn toàn tự do. Bạn và anh ấy đều là Phật tử, cùng lý tưởng, lại có nhân duyên tình cảm với nhau nên suy tính đến chuyện dài lâu là điều nên làm.

Anh ấy đã mở lòng với bạn thì bạn cũng nên mở lòng mình. Sự cởi mở, thành thật và chân tình là những chất liệu căn bản để kiến tạo các mối quan hệ bền vững. Anh ấy là người xuất gia hoàn tục, điều này rất đáng trân trọng vì nhờ ở chùa khá lâu nên anh được thấm nhuần đạo đức và từ bi của nhà Phật. Không hề có chuyện người đã đi tu rồi thì sớm muộn gì cũng quay lại đường tu, trừ một số ít người không tìm ra hạnh phúc trong đời sống thế tục. Cũng không hề có chuyện “nghiệp của anh là tu hành” vì người con Phật nào cũng phải tu hành. Nên bạn thấy mình “tình trong như đã” thì hãy mạnh dạn đến với anh ấy.

Quan trọng là tìm hiểu, bạn và anh ấy đều có vết thương lòng trong quá khứ, mỗi người một hoàn cảnh và mang một mặc cảm riêng nhưng nếu biết trị liệu vết thương, bao dung thông cảm và thương yêu thật sự, có thể sưởi ấm đời nhau thì nên đến với nhau. Tình yêu có thể đến rất nhanh nhưng để đi đến hôn nhân thì cần thời gian và tìm hiểu kỹ càng.

Bạn hãy xem anh ấy là một thanh niên Phật tử bình thường như bao người khác để yêu thương và tìm hiểu. Tình cảm của hai bạn chỉ mới bắt đầu, tương lai còn dài ở phía trước. Qua thời gian tìm hiểu, nếu yêu thương, hòa hợp, đồng cảm và đồng lòng thì cùng nhau tiến tới xây dựng hạnh phúc hôn nhân.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự sách tấn chư Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM)

"Tăng Ni cần tu hành chân chánh để đánh tan những dư luận, nhiễu loạn không đúng về Phật giáo"

GNO - Đó là lời sách tấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong buổi thăm Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì 2024, do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, sáng nay 8-12.

Thông tin hàng ngày