Đọc bài "Nỗi buồn Thiên Ấn" (GNO ngày 29-1), tôi thấy đây không còn là hiện tượng của riêng Thiên Ấn mà nỗi buồn này đã lan rộng ra nhiều ngôi chùa khác.
1. Tết này đi lễ chùa, thấy nhiều “cảnh” giống như Thiên Ấn vậy. Đau lòng thay khi trước chùa Hoằng Pháp (TP.HCM), người ta bày ra nhiều dịch vụ như: mua bán sách bói toán, xin xăm xem quẻ. Và những người ăn xin thì người quỳ, người ngồi lê lết gần trước cổng chùa hoặc hai bên đường đi.
Không đông đúc, bát nháo như trước cổng chùa Hoằng Pháp, nhưng chùa Quan Âm (Bình Dương) thì lại có hiện tượng xin xăm cúng tiền. Nhiều người chen chúc xin xăm rồi bỏ tiền vào cái dĩa để dưới sàn ở một bên phía trong chánh điện. Người năm ngàn, người mười ngàn, hai chục. Xin được quẻ số mấy thì đến lấy tờ giấy “giải quẻ xăm” tương ứng.
Một số ngôi chùa có tổ chức xin xăm nhưng không cúng tiền tại chỗ như trên. Một số ít khác hoàn toàn không có hiện tượng này.
Còn về vấn đề ý thức giữ gìn cảnh quan chung thì hầu như nơi nào cũng yếu kém, đặc biệt là những nơi có đông du khách thập phương. Đất thì ngậm ngùi với rác thải, không khí thì nhọc nhằn với khói nhang. Mỗi người cầm cả bó nhang, khói bay nghi ngút, họ chen chúc trong đám đông, chỉ sơ ý một chút là có thể làm phỏng người bên cạnh. Và cũng có người rủ nhau “hái lộc” làm xơ xác bao cây xanh hoa thắm!
Chùa, đền, đình miễu, hễ nơi nào được nhiều người viếng thăm thì lại xuất hiện nhiều “dịch vụ” đánh vào tâm lý du khách. Nào là bán nhang đèn, hoa quả, xin xăm, bói toán. Không chỉ vậy, không ít người còn tụ tập về đây với mong mỏi kiếm được bữa ăn kha khá hơn. Nhiều người tàn tật, ốm đau, mất sức lao động thật đáng thương. Nhưng cũng lắm người “ăn theo”, vờ đau ốm, bệnh tật, nằm la liệt khắp lối vào. Có người run bần bật, quần áo tả tơi, có người mắt lờ đờ, miệng lẩm nhẩm.
2. Nói như vậy không có nghĩa là bao gồm tất cả. Một số nơi cửa Phật trang nghiêm đã và đang gìn giữ được những nét đẹp đậm chất văn hóa. Tiếng kệ, lời kinh vẫn ngày ngày âm vang hòa hợp với những tâm thành ý đẹp. Đó là những hình mẫu đáng để học hỏi và nhân rộng.
Ngày Tết, ngày lễ, người ta lên chùa thắp hương lạy Phật với ước nguyện một cuộc sống bình an, sức khỏe dồi dào, ấm no, hạnh phúc - cho bản thân và gia đình. Thế nhưng nhiều người đã lãng quên những việc làm nhỏ nhặt mang ý nghĩa lớn lao đối với cộng đồng xã hội và với cả bản thân mình. Nhiều người vì miếng cơm, manh áo cũng đã làm mất đi nét đẹp thanh tịnh, trang nghiêm.
3. Vấn đề đặt ra là ai sẽ là người giữ gìn những nét đẹp đó? Có lẽ, đáp án hoàn mỹ nhất là sự chung tay từ cả ba phía. Nhà chùa cần thường xuyên nhắc nhở người Phật tử về ý thức và hành động từ những việc nhỏ nhặt nhất, đồng thời, không ngừng nâng cao công tác Phật sự.
Về phía cơ quan quản lý cũng nên có sự quan tâm hơn trong việc gìn giữ những khuôn mẫu văn hóa, chống các hiện tượng mê tín dị đoan, hiện tượng phi văn hóa.
Và quan trọng nhất là ý thức của mỗi người chúng ta. Suy nghĩ đúng sẽ dẫn đến hành động đúng.
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất quanh mình!