Con số này cho thấy xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để truyền bá Chánh pháp ngày càng phát triển mạnh. Những trang web Phật giáo này phần nào đã đáp ứng được nhu cầu học hỏi giáo pháp của Đức Phật một cách nhanh chóng và hiệu quả cho mọi thành phần xã hội.
Tờ báo Phật giáo điện tử xuất hiện sớm nhất trên thế giới có lẽ là tờ Mandala, ra mắt vào thập niên 1980. Ngay khi góp mặt vào làng báo điện tử, tờ báo này đã thu hút sự quan tâm theo dõi của rất nhiều độc giả trên khắp thế giới.
Mandala vốn là ấn phẩm chính thức của Hiệp hội Duy trì Đại thừa Phật giáo, một tổ chức từ thiện quốc tế được thành lập cách đây hơn 30 năm bởi hai vị Lạt ma Tây Tạng Thubten Yeshe và Thubten Zopa Rinpoche. Mandala sớm phát triển thành tuần báo Phật học vào năm 1980, sau đó ra mắt trang điện tử (www.mandalamagazine.org), nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng các thành viên mới của Hiệp hội. Hiện nay, Mandala được xem là tiếng nói của cộng đồng quốc tế sinh động có thành viên đến từ hơn 30 nước và hình thành trên 150 trung tâm chi nhánh, cùng với nhiều dự án và dịch vụ. Mandala đăng tải những bài viết và nghiên cứu Phật học của các học giả, các vị thầy,… giới thiệu đến độc giả khắp thế giới về nền văn hóa Tây Tạng sinh động, về đời sống tu tập đầy trí tuệ của các vị Lạt ma, tu sĩ Tây Tạng sống và tu tập tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, trang điện tử Mandala còn cập nhật nhiều ấn phẩm Phật giáo mới phát hành như băng đĩa, kinh sách, DVD, CD, các bộ sưu tập văn học nghệ thuật, v.v…
Từ sự thành công của tờ báo này, một loạt tờ báo Phật giáo khác cũng lần luợt ra mắt trang điện tử dưới hình thức song ngữ hoặc đa ngữ, như: Shambhala Sun (shambhalasun.com), Tricycle (tricycle.com), Dharma Life (dharmalife.com), BuddhaNet (buddhanet.net), DharmaNet (dharmanet.org), Buddhadarma (buddhadharma.com), The Middle Way (themiddleway.net), Inquiring Mind (Inquiringmind.com), Western Buddhist Review (westernbuddhistreview.com), Urthona (urthona.com), v.v…
Tại các nước châu Âu, tờ báo được nhiều người đón đọc, được xem là người bạn đồng hành không thể thiếu là tạp chí Tricycle (Tam thừa) của Hiệp hội Tam thừa (The Tricycle Foundation). Là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, Hiệp hội Tam thừa được thành lập năm 1990 nhằm mục đích xiển dương sâu rộng những giá trị và giáo lý nhà Phật. Năm 1991, Hiệp hội xuất bản tạp chí Tricycle, tờ đặc san chuyên giới thiệu về giáo lý và quan điểm của Phật giáo tới độc giả Tây phương. Tờ báo này phát hành hai tháng một số và mau chóng trở thành tờ báo Phật giáo hàng đầu của phương Tây. Chỉ sau 3 năm phát hành, Tricycle nhận được giải thưởng Tạp chí có nội dung về tâm linh hay nhất (Best Spiritual Magazine). Nội dung chủ yếu của Tricycle là giới thiệu về Ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng, và ba thừa đã hình thành nên lịch sử Phật giáo, đó là Tiểu Thừa, Đại thừa và Kim cang thừa. Độc giả của tạp chí này phần lớn là những hành giả Phật tử và những người thích nghiên cứu về giáo pháp từ bi và trí tuệ của Đức Phật. Điểm “hạn chế” của trang điện tử Tricycle có lẽ là việc độc giả không thể đọc trọn vẹn bài báo nếu không đăng ký tài khoản để mua.'
Trong khi đó, đại diện cho Mỹ châu là tạp chí Shambhala Sun. Ra đời năm 1992, Shambhala Sun là tạp chí Phật giáo phát hành 2 tháng một số, mau chóng phát triển mạnh mẽ và trở thành một tờ báo Phật giáo được nhiều người đón đọc nhất ở Bắc Mỹ. Tờ báo đã mang lại trí tuệ cho mọi thành phần, mọi giới trong xã hội nhờ thực hành thiền theo sự hướng dẫn đầy trí tuệ của các vị thiền sư, các vị giáo sư và nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, như: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền sư Nhất Hạnh, Alice Walker, Pico Iyer, Jon Kabat-Zinn, Elaine Pagels, Alex Grey, và Natalie Goldberg. Shambhala Sun chuyển lòng từ bi và trí tuệ của Phật giáo và Thiền tông vào các tác phẩm nghệ thuật, quan điểm chính trị, các mối quan hệ, các vấn đề xã hội, đời sống và mặt khác của cuộc sống trong thế giới hiện nay. Năm 2002, đáp ứng nhu cầu ngày càng đông số lượng độc giả trường kỳ của báo là các hành giả thiền định, Ban Biên tập đã cho ra đời thêm tờ đặc san Buddhadharma phát hành theo quý, chuyên hướng dẫn thực hành về Thiền. Hai tờ báo này đã nhận được giải thưởng cả về chất lượng bài viết lẫn hình thức trình bày. Phát triển từ một tờ báo quần chúng thành 2 tờ báo Phật giáo, Shambhala Sun và Buddhadharma hiện đang có số lượng độc giả đông nhất và bán chạy nhất với tổng số lượng phát hành hơn 100.000 bản mỗi kỳ. Vào trang điện tử của hai tờ báo này, những độc giả không có điều kiện mua báo in vẫn có thể đọc được những bài viết bổ ích.
Một “tân binh” châu Á, tuy mới ra đời không lâu, song đã chiếm được một lượng dân cư mạng khổng lồ mỗi ngày trên thế giới chính là trang Buddhist Channel (Kênh Phật giáo - buddhistchannel.tv). Buddhist Channel là trang báo điện tử thuần túy, chính thức ra mắt vào ngày 25 tháng 10 năm 2004, vốn là phiên bản mới của trang web Hệ thống tin tức Phật giáo "Buddhist News Network" bắt đầu hoạt động từ ngày 8 tháng 5 năm 2001. Sử dụng các kỹ thuật xuất bản báo chí mới nhất, Buddhist Channel còn là trang báo Phật giáo duy nhất trên thế giới cập nhật thông tin mỗi ngày và có mức bao trùm sâu rộng (do sử dụng thuần tiếng Anh - thông tin Phật giáo thế giới do Giác Ngộ sử dụng thường lấy nguồn chính từ trang này). Có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia, Buddhist Channel là đứa con tinh thần của nhà sáng lập Lim Kooi Fong. Ngài là vị pháp sư nổi tiếng khắp Malaysia và làm nhiều Phật sự từ năm 1985. Ngoài việc thuyết pháp, ngài còn xuất bản sách truyện thiếu nhi dựa vào bộ kinh Bổn Sanh (Jataka).
Ngoài các tạp chí Phật giáo vừa nêu trên, còn một số tờ báo Phật giáo có trang điện tử khác với nhiều nội dung chuyên biệt dành cho nhiều thành phần độc giả trên thế giới. Chúng tôi xin giới thiệu một vài tờ nổi bật:
The Western Buddhist Review chuyên tìm hiểu các khía cạnh của Phật giáo theo cái nhìn của người phương Tây. Tờ báo này được xem là tiếng nói của Hội Phật giáo Tăng già Tây Âu (The Friends of the Western Buddhist Order)
Turning Wheel là tờ báo của Hội Phật giáo yêu chuộng Hòa bình thế giới (The Buddhist Peace Fellowship). Hình thức trình bày của tờ báo 48 trang này bao gồm các bài viết thời sự, phỏng vấn, thơ, hội họa và điểm sách mới với nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề về hòa bình thế giới, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và hướng dẫn ứng dụng lời dạy của Đức Phật vào trong cuộc sống hàng ngày.
Tờ báo của cộng đồng Phật giáo thế giới theo thiền phái Tùng Lâm của Thiền sư người Thái Ajahn Chah, Forest Sangha's Newsletter (forestsangha.org), giới thiệu tới độc giả các tin tức Phật giáo, các quan điểm, các sự kiện Phật giáo nổi bật, các bài thuyết pháp, các vị đạo sư, các thời khóa tu tập.
The Middle Way là tuần báo xã hội Phật giáo Anh quốc, chủ yếu đăng các bài viết của học giả trí thức, giáo sư Phật giáo với các nội dung về lịch sử, giáo lý Phật giáo và phương pháp tu tập, các chương trình hoạt động xã hội nổi bật trong tuần, các tin tức Phật giáo trong nước và quốc tế.
Dharma the cat (dharma thecatcartoons.com) là trang web chuyển tải triết lý Phật giáo được thể hiện trong truyện tranh theo khuynh hướng hài hước. Truyện viết cuộc đối thoại của một chú tiểu và chú mèo Phật giáo đang trên con đường đầy gai góc để đi tìm Niết bàn.
Gateway Journal and Zen Karmics là tờ đặc san dành cho các tù nhân và những người quan tâm đến vấn đề giáo dục tội phạm. Tờ báo này mỗi ngày nhận một số lượng khổng lồ email của các tù nhân từ nhiều nước trên thế giới hỏi về phương pháp thực hành thiền. Dựa vào các nhu cầu và quan điểm của các tù nhân được thể hiện trong các thư điện tử này, Gateway Journal and Zen Karmics đưa ra những lời khuyên hữu ích của các vị giáo sư của nhiều tông phái Phật giáo và hướng dẫn cách thực tập thiền cho các phạm nhân. Có thể xem nội dung của tờ báo này tại địa chỉ: http://www.thelivingweb.net/prisons.html.
Riêng ở Việt Nam, hiện có nhiều trang web Phật giáo được nhiều người tìm đọc như: Chuyển Pháp Luân, Đạo Phật ngày nay, Phật tử Việt Nam, Gia đình Phật tử Việt Nam, Người Cư sĩ, Thiền tông Việt Nam, Tuổi trẻ Phật giáo, Thư viện sách nói, Đến từ trái tim, Phật Việt, Pháp tạng PGVN, Phật giáo Nguyên thủy, Văn hóa Phật giáo, Liễu Quán Huế, v.v…, và gần đây là Giác Ngộ online. Ngoài ra, còn có một số trang web Phật giáo hải ngoại bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài như: Làng Mai, Tu viện Quảng Đức, Thư viện hoa sen, Giao điểm, Đạo uyển, Ni giới ngày nay, Con đường giải thoát, Budda sasana, v.v… Các trang báo điện tử này đã góp phần rất lớn vào công tác truyền bá Chánh pháp và đưa tin tức Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế đến độc giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu như các trang báo điện tử này không hoàn toàn là một tờ báo điện tử chính thức và đúng nghĩa, duy nhất trang Giác Ngộ online được xem là cơ quan ngôn luận của Thành hội PG TP.HCM, song do chỉ mới ra đời hơn 2 tháng nên tờ báo điện tử này vẫn đang cố gắng hoàn thiện nội dung để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và tu học của độc giả trong và ngoài nước.