Cư dân mạng tranh luận về án tử hình

Bài viết của một Phật tử trẻ thể hiện cái nhìn về bản án tử hình được đăng tải trên trang web www.giacngo.vn (Cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo TP.HCM) đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng mạng Việt Nam.

Án tử hình đã lỗi thời?

Mở đầu bài viết trên, tác giả đặt vấn đề: Ở các khung hình xử phạt của pháp luật, tử hình là mức án cao nhất nhằm mục đích loại bỏ người phạm tội ra khỏi cuộc sống xã hội và răn đe những người còn sống về hậu quả cao nhất của những hành vi sai trái đạo đức. Tuy vậy, những mục đích này có được thực hiện đầy đủ hay không?

Liên hệ với thực tế: Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa xảy ra cách đây không lâu là một trong những vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Tòa đã tuyên án tử hình với sự đồng tình của đông đảo người dân. Nhưng ngay sau đó, một loạt những vụ giết người dã man và kinh hoàng vẫn xảy ra mà điển hình là vụ Lê Văn Luyện giết 3 người để cướp của tại một hiệu vàng ở Bắc Giang. Như vậy, phải chăng sự răn đe của án tử hình đã thất bại? 

cu-dan-mang-tranh-cai-nay-lua-ve-an-tu-hinh-0.jpg

Việc bãi bỏ án tử hình là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới

Một lý do nữa khiến án tử hình vẫn được xã hội chấp nhận là quan niệm “mạng đổi mạng” vốn có nguồn gốc ở những xã hội bán khai vẫn tồn tại dai dẳng trong tiềm thức con người. Quan niệm này dần dần trở nên không còn phù hợp nền tảng xã hội hiện đại, nên hiện nay có 89 quốc gia trên thế giới đã hủy bỏ án tử hình. Người viết cho rằng án tử hình không có sự nhân văn và không thể đại diện cho đức hiếu sinh của dân tộc Việt - một dân tộc mà “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Mặt khác, hệ quả của bản án tử hình là dẫn đến một hình thức khác của cái ác. Ví dụ như trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, khi bản án được tuyên, một nhóm người trong phiên tòa đã có hành động “kỳ quặc” là vỗ tay tán thưởng. Thậm chí, một tấm ảnh đã cho thấy một phóng viên tươi cười ngắm lại bức ảnh mình vừa chụp, bên cạnh là ánh mắt tuyệt vọng của tử tù vừa bị tuyên án.

Tác giả cho rằng, từ sự phẫn nộ trước cái ác cho đến thái độ hả hê khi kẻ phạm tội bị tiêu diệt, cái ác đã được lan truyền một cách tinh vi. Một câu hỏi được đặt ra: “Đâu là giới hạn giữa sự hướng thiện và cái hả hê cá nhân, giữa sự chống lại cái ác và lòng trả thù vì ích kỷ, sân hận?”.

Những người muốn bảo vệ cái thiện thực sự cần phải đặt câu hỏi, “làm thế nào để cái ác không thể sinh ra” chứ không phải chỉ có “làm thế nào để ‘tiêu diệt’ cái ác”. Tuyên án và kết thúc cuộc đời của một tội phạm thì quá dễ dàng so với việc khiến người đó hối cải và làm lại cuộc đời.

Người viết bài kết luận: “Dư luận có quyền bức xúc. Những người yêu cái thiện có quyền bức xúc trước những tội ác dã man. Nhưng, tại sao chúng ta phải giết chết những kẻ đã giết người, để rốt cuộc chứng minh ngược lại, giết người là sai?”.

Tội ác và sự trừng phạt

Bài viết trên đã được dẫn lại ở các mạng xã hội và diễn đàn lớn Việt Nam và nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, cả ủng hộ cũng như phản bác.

“Tác giả lập luận rằng: sau khi có án tử hình, xã hội vẫn xảy ra tội ác, từ đó cho rằng án tử hình vô tác dụng. Điều này là sai về mặt nhận thức. Bất cứ bản án nào, kể cả án tử hình cũng không thể chấm dứt hoàn toàn tội ác, nó chỉ làm giảm bớt phần nào mà thôi”, thành viên Ngnam88, diễn đàn Linkhay bày tỏ.

Những người ủng hộ việc thực thi bản án tử hình đưa ra các mặt tích cực của bản án này như làm an tâm dư luận, giáo dục cho mọi người biết việc nào cần tuyệt đối tránh, ngăn ngừa những đối tượng liều lĩnh manh động thực hiện hành vi tội ác…

Một ý kiến đồng tình với việc bãi bỏ bản án tử hình thì cho rằng: “Có rất nhiều yếu tố đưa đẩy một con người đến hành vi phạm tội mà bản thân con người đấy không thể quyết định được như hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, giáo dục, tính khí cá nhân, óc nhận thức… Bản tính mỗi con người hoàn toàn có thể thay đổi nhờ sự giác ngộ. Không ai có đủ tư cách để tước bỏ quyền làm người cũng như cơ hội hoàn lương của con người đó”.

Việc bãi bỏ bản án tử hình ở Việt Nam dường như chưa phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại, nhưng vẫn là một khả năng để mở trong tương lai gần...?

Theo Đất Việt

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Ở Luyện vẫn còn… “chất người”

Hoàn toàn chia sẻ với dư luận xã hội song ông Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng không thể để cảm tính chi phối, lấn át lề luật.

Không thể vì ghét mà cộng thêm hình phạt

Hung thủ của vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích đã bị sa lưới nhưng làn sóng dư luận những ngày qua vẫn chưa thể lắng xuống. Trước thông tin không thể tử hình kẻ ác vì hành vi gây án trong độ tuổi vị thành niên, nhiều người đang tỏ ra rất phẫn nộ, thậm chí lên tiếng đòi sửa luật để đảm bảo tính răn đe, giáo dục…

1motminh1.jpg

Lê Văn Luyện

Nhận xét về điều này, PGS-TS.Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) chia sẻ: “Có thể nói, dư luận hiện đang “phát cuồng” về Lê Văn Luyện”. Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu và dễ… cảm thông”.

Theo ông Bình, với logic thông thường, tại sao một đứa trẻ không tắm trong môi trường máu lạnh, tàn ác và đầy rẫy áp bức, bóc lột lại có thể xuống tay một cách tàn ác như vậy? Hành động của hắn cũng không phải xuất phát từ những ấm ức đối chọi với hiện thực xã hội hay tước đoạt tài sản của kẻ mạnh, kẻ ác…

Người ta thấy rằng, cuộc đời Luyện chưa mất mát gì trong khi nạn nhân của vụ thảm sát lại là một gia đình trẻ có cuộc sống tương đối hài hòa. “Đó là những lý do khiến người ta phải “nhảy cẫng” lên khi phán xét Luyện”, ông Bình lý giải.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, dù xuất phát từ suy nghĩ muốn tiêu diệt cái ác, muốn loại trừ cái ác khỏi xã hội thì chúng ta vẫn cần phải tôn trọng pháp luật, không thể vì một trường hợp của Luyện mà yêu cầu sửa đổi pháp luật.

Ông Bình phân tích: “Luật pháp là một thiết chế có tính chất bảo lưu tương đối, bảo thủ và lâu bền, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi. Đó là quá trình vận động, một quá trình xem xét những đòi hỏi của thời đại, của đất nước, của con người. Trong trường hợp đặc biệt, người ta mới có thể thay đổi khung hình của nó.

Tức là, với một xã hội tư duy luật pháp, không phải chỉ vì ái ố, hỉ nộ, yêu ghét, tội lỗi… mà có thể đưa vào chi phối pháp luật. Chúng ta phải tuân thủ theo luật pháp, không thể nào vì ghét hung thủ quá ác, ác hơn lứa tuổi của nó, mà cộng thêm hình phạt cho chúng được. Nhìn một cách khái quát thì xã hội ta còn cảm tính, xúc cảm yêu ghét lấn át lề luật”.

Ở Luyện vẫn còn… “chất người”?

Bên cạnh việc chia sẻ với dư luận xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, ở Luyện, kẻ sát nhân bị lên án với những hành vi không thể dung tha vẫn còn những vùng sáng trong tâm thức.

tiensytrinhhoabinh.jpg

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

“Khi bị cơ quan chức năng bắt, Luyện hỏi: "Tội của cháu có bị bắn không?”. Như vậy, từ chỗ sâu thẳm nhất của một kẻ phạm tội, không phải là không có những vùng sáng. Tâm thức của Luyện vẫn thức tỉnh, vẫn có cái chất người.

Chúng ta không phải vì thấy đứa trẻ xuống tay dã man như vậy mà nghĩ rằng nó đã không phải là con người. Cách nghĩ như vậy chưa thực sự chuẩn mực và chính xác”.

Lý giải thêm về điều này, ông Bình cho hay: “Có thể là trong một cơn nông nổi, hành vi của Luyện là “say máu”, cần phải giải quyết triệt để. Lúc đó, bất cứ tiếng kêu khóc, tiếng động nào cũng có thể là sự kích thích. Cái ác được gặp gỡ và nhân lên trong trường hợp này chứ không hẳn theo cách suy diễn thông thường của dư luận là: giết một người đã ghê rồi mà lại giết tận 3 người, đứa trẻ 18 tháng tuổi cũng không tha…”.

Đứng trước lo lắng của nhiều người: liệu bản án nhân đạo mà Luyện nhận được có thiếu đi tính răn đe, gây tác động tiêu cực tới xã hội? Ông Bình chia sẻ: “Tất cả mọi công dân, mọi con người trong xã hội này, khi đối diện với tội ác, trở thành một phần của tội ác thì phải trả giá. Mọi án tuyên phạt đó đều có tính giáo dục, răn đe.

Chúng ta không thể nói rằng, Luyện không bị tử hình, không bị xử cao hơn khung hình phạt hiện tại thì sẽ phản tác dụng. Về mặt xúc cảm, về mặt tinh thần người ta cảm thấy, trừng phạt kẻ thủ ác như vậy không xứng đáng. Nhưng theo chiều ngược lại thì phải nhận thức rằng, ở độ tuổi vị thành niên, kẻ gây án chưa đủ chín cả về mặt sinh học lẫn tinh thần để bị xử như một người đàn ông, một người trưởng thành”.

Ông Bình cũng nhấn mạnh: “Kẻ gây tội ác dứt khoát phải đền tội. Tinh thần duy lý, chủ nghĩa coi trọng luật pháp phải thắng thế và phải xử đúng tuổi, đúng khung hình phạt. Có thể, những kẻ thủ ác lại thấy rằng đó là con đường cứu sinh cho những người chưa đủ độ chín chắn, hoặc đến phút chót có thể trở lại với cộng đồng.

Cho nên, tác dụng giáo dục của nó là chiều kích tích cực chứ không phải ở chỗ trừng phạt không đầy đủ thì làm cho cộng đồng phẫn nộ”.

Điều mà PGS.TS Trịnh Hòa Bình muốn gửi gắm là thông qua trường hợp của Lê Văn Luyện, chúng ta không nên quá coi nặng vấn đề hình phạt mà phải biến dư luận xã hội thành bài học thuộc lòng trong chuyện giáo dục vị thành niên và thanh niên biết quý trọng lao động, tôn thờ cái đẹp, cái chân thiện mỹ. Sự phẫn nộ của dư luận xã hội cần phải kích theo chiều khác để thay đổi các thành viên của xã hội đang ở khu vực chập chờn giữa bóng tối và ánh sáng.

“Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng là do xã hội đang chuyển mình. Có nhiều vấn đề khiến con trẻ không thể thừa nhận được trật tự của xã hội hiện tồn. Về mặt lối sống có những điều bị pha trộn, bị thách đố rất lớn và những giá trị có thể đảo lộn, rối loạn…

Suy cho cùng, đây vẫn là câu chuyện của giáo dục gia đình, câu chuyện của con người ta phải quay trở lại với những răn dạy về luân lý cá nhân, biết coi trọng lao động và yêu quý mạng sống của người khác…”, ông Bình chia sẻ.

Tuấn Minh (GDVN)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày