Tiếng chuông chùa giữa biển Ðông

Hòa trong hương vị mặn mà gió biển, tôi thoáng nghe mùi hương trầm lan tỏa giữa bao la; Và lẫn trong tiếng sóng biển rì rào ngoài khơi xa, tiếng chuông chùa dịu vợi! Không chỉ có bão giông, sóng dữ, Trường Sa hôm nay xanh tươi cây trái và tháng ngày rôm rả tiếng cười của trẻ nhỏ giỡn đùa sóng sánh nước biển Đông

Đứng giữa mênh mông trời nước, chợt nghe tiếng chuông chùa làm lòng người dâng trào bao điều trắc ẩn…

Linh thiêng hồn Việt

Trong cuộc hành trình về Trường Sa và được lưu lại trên đảo Trường Sa Lớn 9 giờ đồng hồ, tôi đã có những giây phút trải nghiệm để hiểu giá trị cuộc sống và thấm thía niềm khát vọng hòa bình có ý nghĩa quý giá và lớn lao đối với con người dường nào.

Ở Trường Sa, đêm xuống rất nhanh. Tách mình ra khỏi đoàn công tác đang phục vụ văn nghệ cho quân, dân trên đảo, tôi thơ thẩn đi dọc mép nước ven đảo. Từng con sóng nhỏ ngoài khơi xa lăn tăn xô lên những mỏm đá san hô tạo ra thứ âm thanh trầm bổng và đêm Trường Sa chợt lắng đọng bởi tiếng chuông chùa khoan thai loan ra trên sóng biển.

Dù bị pha trộn trong tiếng sóng và tiếng gió biển đêm nhưng không lấn át tiếng chuông chùa từ trung tâm thị trấn Trường Sa Lớn vọng lại. Giữa tứ bề sóng gió trùng dương; giữa bao nhiêu khắc nghiệt của thiên nhiên và bất trắc tiềm ẩn, bỗng du dương tiếng chuông chùa làm lòng tôi trào dâng nỗi niềm thiêng liêng khó tả. Và rồi, bước chân đã dẫn tôi tìm đến nơi phát ra thứ âm thanh dịu vợi ấy…

Tiếng chuông chùa giữa biển Ðông ảnh 1

Chùa Trường Sa Lớn được xây dựng rất uy nghi, tọa lạc giữa khu vực trung tâm thị trấn Trường Sa, sát cạnh sân bay Trường Sa, mặt tiền đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Đây là nơi mà bất cứ ai đến với Trường Sa không thể không vào thăm, thắp nén hương để nghe lòng thanh tịnh và thấy ấm áp một niềm tin rất thiêng liêng. So với ngôi chùa ở đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn, chùa Trường Sa Lớn có diện tích nhỏ hơn (chừng 200m2) và được xây dựng theo phong cách truyền thống: một gian hai chái, mái ngói cong có đầu đao, nguyên liệu được sử dụng bằng nhiều loại gỗ quý có sức chịu được độ mặn của nước biển.

Vào bên trong, chùa Trường Sa Lớn có sáu bức tượng Phật được chế tác công phu bằng ngọc quý có màu trắng (còn gọi là Phật ngọc). Phật ngọc được thờ ở chùa Trường Sa Lớn hôm nay cũng là một cơ duyên. Đây là quà tặng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công tác thăm nước bạn Myanmar; khi đến Chùa Vàng ở Thủ đô Yangon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Phật ngọc.

Và bộ tượng Phật bằng ngọc quý này đã được Thủ tướng kính tặng lại chùa Trường Sa Lớn, kèm bức thư chứa đựng tâm nguyện của Thủ tướng gửi quân, dân huyện đảo Trường Sa. Bức thư có đoạn “Mong Đức Phật phù hộ độ trì: Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi. Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng…

Bên trong hai chái của ngôi chùa, hoành phi câu đối được sơn son thếp vàng ghi lại hào khí của dân tộc ta. Trên bức liễng được khắc câu đối: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền; Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ...”.

Hay câu đối: “Cá đọc kệ được thành tiên, Rồng nghe kinh mà mộ đạo” thể hiện sức mạnh cảm hóa, lay chuyển tạo hóa vạn vật theo hướng thiện của nhà Phật. Đọc những câu đối trong chùa, những dòng chữ thép vàng hiện hữu trên trống đồng, bức liễng…, bất cứ người con đất Việt nào cũng cảm thấy tự hào, yêu quý giang sơn gấm vóc nước non mình.

Tiếng chuông chùa giữa biển Ðông ảnh 2

Đứng trước biển cả mênh mông, tâm người thật tịnh mới cảm nhận hết được sự linh thiêng của đất trời biển đảo Trường Sa. Giữa trùng dương mênh mông, những tưởng chỉ có sóng, gió bão giông khắc nghiệt, nhưng không, đức Phật từ bi có ở khắp nơi. Nói đúng hơn, bất cứ ở đâu, hễ có người dân đất Việt sinh sống, an cư thì ở đó có các đền, chùa, miếu mạo…- đó là tín ngưỡng bao đời của người Việt.

Ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng, thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự chở che, cầu mong yên bình, an lạc. Trên các đảo của quần đảo Trường Sa đã có nhân dân an cư, lạc nghiệp và các thế hệ con cháu được sinh ra, lớn lên tiếp nối truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

Chùa lớn ở đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn ngoài là những thiết chế văn hóa mang đậm sắc thái tâm linh truyền thống của người Việt còn khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam ta, Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của hình hài Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!

Ðêm ở Trường Sa, thời gian trôi cũng rất nhanh. Trên lá cây bàng quả vuông cổ thụ đã trĩu nặng những giọt sương khuya và bắt đầu ơi nhè nhẹ. Tiếng chuông chùa lại điểm những tiếng khoan thai loan ra trên sóng nước và khói hương trầm hòa quyện trong gió biển mặn mà. Tiếng chuông chùa Trường Sa trong đêm nghe sao da diết như được gióng lên từ niềm khát vọng hòa bình của người Việt giữa biển Ðông…

 Khát vọng hòa bình

Những ngôi chùa trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều hướng mặt chính diện ra phía biển Đông, đối diện với biển cả, che chắn bão giông để con người được yên bình trước bao nhiêu ẩn họa.

Bên cạnh bóng dáng cây đa, bồ đề mang cốt cách chùa Việt Nam, những ngôi chùa ở Trường Sa còn có thêm bóng mát của những cây tra, cây phong ba, cây bàng quả vuông xanh tốt tỏa bóng mát ôm choàng và nở hoa tươi thắm mỗi khi mùa xuân sang.

Trường Sa không còn là những doi đất nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển cả; nơi chỉ có sóng gió, bão giông mà trở nên thân quen, gũi gần như một dải đất liền, như một làng chài của ngư dân ven biển. Bởi ở đó, cuộc sống đang sinh sôi, ngọt ngào cây trái, trong trẻo tiếng cười của trẻ thơ và nét mặt rạng ngời hạnh phúc của những người mẹ, người vợ trẻ…

Song, biển cả bao dung mà cũng thật…vô tình! Sống giữa tứ bề mênh mông trời nước, mưa gió thất thường và những ẩn họa khó lường, lòng người đều hướng niềm tin nơi cửa Phật bao dung, che chở, mong cầu biển yên, sóng lặng, hòa bình… để ra khơi chài lưới, an sinh…

Bởi vậy, chẳng biết từ bao giờ, công dân trên miền đất đảo đều hướng tâm niệm của mình về những đấng siêu nhiên. Những ngôi chùa giữa biển Đông không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo, mà còn thể hiện khát vọng cuộc sống bình yên, hòa bình, hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng. Mỗi sáng, mỗi chiều, ngày rằm hay những ngày lễ lớn…, công dân trên các đảo Trường Sa đều đi lễ chùa, thắp nén hương, khấn vái, cầu an…

Tiếng chuông chùa giữa biển Ðông ảnh 3
 Đoàn công tác chia tay các chiến sĩ đảo Trường Sa.  Ảnh: PV

Đã nhiều năm rồi, anh Nguyễn Tấn Thi (Tổ trưởng dân phố thị trấn Trường Sa Lớn) được lãnh đạo và nhân dân trên đảo tín nhiệm giao trông nom, chăm sóc chùa Trường Sa. Ngoài lo cho dân, anh Thi còn là “ông từ” cần mẫn ngày tháng giữ gìn cảnh chùa sạch, đẹp, thanh tịnh và là người thường xuyên gióng lên những hồi chuông quen thuộc ngân nga giữa gió ngàn Trường Sa để lòng người tịnh tại.

Sau khi đưa chúng tôi thắp hương, viễn cảnh chùa, anh Nguyễn Hữu Lục - Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa Lớn tâm sự: “Từ khi chùa và các công trình văn hóa, lịch sử được xây dựng đã giúp cho người dân yên tâm sinh sống trên đảo, đáp ứng nhu cầu ngưỡng vọng tâm linh của nhân dân...”.

Ngoài 3 ngôi chùa lớn trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được trùng tu, xây dựng và hoạt động đáp ứng nhu cầu cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, tại đảo chìm Đá Tây (cách đảo Trường Sa Lớn 20 hải lý về hướng Đông Bắc) hiện có nhiều ngư dân đang đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản.

Nơi đây, chẳng biết  từ bao giờ đã có một ngôi miếu thờ tháng ngày được nhân dân hương khói; tại đây có tấm bia chẳng biết ai đã khắc bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt lên đó. Người dân đến  đây làm ăn nuôi trồng, khai thác hải sản và cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên hòn đảo nhỏ này ai cũng hiểu sâu sắc tâm nguyện mà cha ông xưa đã dạy con cháu rằng: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư...”; Hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đấu tranh giữ gìn biển đảo một phần xương thịt thiêng liêng của Tổ quốc!

Có thể thấy, từ đảo Đá Tây đến thị trấn Trường Sa Lớn, xã Sinh Tồn hay thị trấn Song Tử Tây - trên quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa, đền miếu mang đậm nét văn hóa tâm linh người Việt hiển hiện một cách bền chặt trong lòng mỗi người con đất Việt.

Đền, chùa, miếu mạo… không chỉ là một nét văn hóa dân tộc, là nơi gửi gắm niềm tin của con người còn thể hiện tâm nguyện và khát vọng cuộc sống yên bình, an lạc nơi đầu sóng ngọn gió trước mọi hiểm họa của thiên nhiên và con người tứ phía…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày