Bao giờ thì đủ thời gian?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1137 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1137 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Những ngày cuối năm, ai cũng tất bật. Người lo việc này kẻ chạy việc kia, với mong muốn hoàn tất mọi thứ dở dang, tồn đọng trước khi bước sang năm mới.

Mọi người thường nói vui với nhau rằng năm rồi đúng là kỳ nghỉ Tết dài nhất trong lịch sử, nghỉ Tết vừa xong chuyển sang nghỉ hè, thành phố mở cửa, chưa kịp đi làm được bao nhiêu ngày, lại nghỉ Tết. Một năm quanh quẩn trong nhà nhiều hơn ra đường, kiểm đếm lại, ai cũng thấy mình chẳng làm được bao nhiêu việc. Một năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, giãn cách xã hội kéo dài, mọi thứ đều ít nhiều ngưng trệ, ai cũng nghĩ rằng Tết này sẽ trôi đi thật đơn giản, bình thường.

Thế nhưng thực tế lại không như nghĩ, tháng Chạp tới, người ta vẫn bận rộn, tất bật, vẫn phải xoay xở với hàng trăm nỗi lo: công việc, gia đình, buôn bán thế nào, về quê, đi lại ra sao. Quanh những bàn cà-phê buổi sáng, giữa những cuộc trò chuyện, tôi thỉnh thoảng nghe những người quen lo lắng đủ thứ chuyện trên đời. Nhiều người than thở rằng không đủ thời gian để hoàn tất công việc, kế hoạch,… Một năm quá nhiều thời gian trống, hóa ra, vẫn không đủ chỗ để lấp đầy những nỗi lo.

“Không đủ thời gian”, ai trong chúng ta rồi cũng nghe hay nói qua câu than thở đó một lần trong đời. Đó là cái cớ để viện ra khi chúng ta lỡ một vài cái hẹn, giải thích cho sự chậm trễ công việc, biện minh cho sự xao lãng trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, thậm chí dùng để từ chối khéo những cuộc gặp gỡ mà mình không muốn. Chúng ta tất bật, mong mỏi và kỳ vọng rất nhiều để rồi lúc nào cũng thấy “không đủ thời gian”. Nhưng đôi khi, tôi tự hỏi thời gian như thế nào mới là đủ?

Tôi từng nghe nhiều bạn bè bảo rằng nếu một ngày nhiều hơn 24 giờ, họ sẽ làm được nhiều việc hơn; nếu một tuần nhiều hơn 7 ngày (9 hoặc 10 ngày chẳng hạn), họ sẽ có thể bớt bận rộn, gấp gáp hơn. Có lần hỏi ngược lại với họ, mà hình như có lúc cũng là hỏi lại với chính mình, rằng có dám chắc nếu có nhiều thời gian hơn như vậy họ và tôi sẽ bớt bận rộn hoặc làm được nhiều việc hơn không? Nhiều người trả lời rằng “có lẽ vậy”, nhiều người lại im lặng, tôi cũng im lặng.

Một trong những bài học mà người học Phật đều được nhắc nhở, đó là “thiểu dục tri túc”, ít mong muốn và biết đủ. Ở quê tôi, những người lớn cũng thường dạy con cái nôm na rằng biết đủ là đủ. Nghe thật đơn giản, nhưng khi đem ra áp dụng mới thấy khó không tưởng.

Tâm lý học phương Tây từng đi đến kết luận rằng bẩm sinh mong muốn của con người luôn tăng dần theo cấp độ và không có giới hạn. Điều đó không khó để nhận ra trong cuộc sống xung quanh. Một người đi làm mong muốn có tiền, có tiền rồi lại mong có nhiều hơn, nhiều hơn nữa; ngồi ở vị trí thấp lại mong tiến lên vị trí cao, rồi cao hơn nữa… cứ vậy, người ta lao vào guồng xoáy của công việc, để rồi khi mọi thứ vượt quá tầm tay, họ lại kêu lên rằng “không đủ thời gian”.

Những ngày đình đốn, tổn thất vừa qua khiến nhiều người trong số chúng ta nhận ra rằng hóa ra cái “không đủ thời gian” đó đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ. Chúng ta không đủ thời gian để sống, chăm lo cho gia đình, quay về với nội tâm. Biến cố xảy đến, chúng ta phải đối diện với những thương tổn, hụt hẫng, bất an. Thời điểm mà tất cả buộc phải dừng lại, trong khi nhiều người tìm cách thích nghi, cân bằng thì cũng có rất nhiều người khác bị sang chấn, sẩy chân rơi vào hố đen của cảm xúc.

Ngay chính tôi, những ngày đó, cũng nhận ra rõ hơn rằng “thiểu dục tri túc” là bài học khó nhất đối với bản thân mình. Tôi tập sống khác, loại bớt những món đồ không cần thiết, gạch bỏ bớt những kỳ vọng không hẳn phải thực hiện cho bằng được, tôi chắc mẩm mình sẽ làm được như vậy, nhưng rồi khi biến cố qua đi, mọi thứ tương đối ổn định, những nhu cầu, kỳ vọng mới nhanh chóng xuất hiện để thay chỗ cho nhu cầu cũ. Đâu lại vào đó. Thôi thì tự an ủi rằng cũng may mắn là tôi chưa kịp thấy mình “không đủ thời gian”.

Những tưởng Tết này, chúng ta sẽ ít bận rộn, suy nghĩ hơn, hóa ra lại không. Sau tất cả, thay vì đưa mọi thứ về mức đơn giản, rất nhiều người cố gắng đẩy cuộc sống của mình đi nhanh hơn, như để bù lại quãng thời gian đã phải ở yên một chỗ. Sau những ngày tạm được sống chậm, thảnh thơi đôi chút thì những nỗi lo vẫn ở đó, chực chờ lôi cuốn nhiều người vào lại guồng máy của cuộc đời, lại thêm vô số lần, chúng ta vật lộn để học lại bài học “thiểu dục tri túc”.

Cuối tháng Chạp, trong những cuộc hẹn với bạn bè trước khi một số rời thành phố về quê, và một số khác ở lại, chúng tôi tự nhủ với nhau rằng thôi thì còn gặp mặt đầy đủ, còn sống được là may. Mỗi người một dự định riêng, công việc với bộn bề riêng, nhưng thôi, mấy ngày cuối năm, tạm gác lại một chút để tận hưởng khoảnh khắc “còn sống được là may”.

Tự dưng, tôi nghĩ vui rằng phải chăng khi bật ra được cái câu nói ấy, trong khoảng thời gian vừa đủ để đặt xuống nỗi lo, kiểm đếm lại những khuôn mặt thân thuộc quanh mình, chúng tôi ít nhiều cảm nhận được phần nào bài học biết đủ là đủ?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày