Mong ngóng quê nhà

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - “Muốn về Việt Nam lắm rồi mà chưa được…” là câu nói mà cả năm nay lần nào gặp nhau bạn bè chúng tôi cũng thở dài cảm thán.

Có vẻ như nỗi nhớ nhà bị dồn nén nhiều đến vậy suốt hai năm đại dịch vừa qua. Không, thật sự là chưa qua với các biến thể mới không dứt, vậy nên nỗi nhớ nhung vẫn còn nguyên vẹn ở đó.

Người thì ít nhất 2 năm, người thì 4-5 năm chưa về Việt Nam, lúc sắp xếp được để về thì vướng Covid-19. Tuấn suốt ngày cứ nói tao thèm cơm tấm, nếu mà về được chắc tao ăn cơm tấm 1 tháng cho thỏa lòng. Ngọc thì nói tui thèm món Huế Thành Nội ngay Hồ Con Rùa, còn nếu mà có thời gian đi Huế tui sẽ chui vô chợ Đông Ba ăn sập các sạp trong đó. Ngọc là con gái Sài Gòn lấy chồng gốc Huế, được đi Huế có 1 lần mà mê sông Hương núi Ngự và ẩm thực xứ này. Chị Hà thì suốt ngày ối giời ơi tao thèm cái cảm giác, trong không khí lạnh của Hà Nội, choàng khăn ấm ra ngõ làm bát phở nóng. Nói chung là không thấy ai nói nhớ người, chỉ thấy nói nhớ chuyện ăn uống, đúng kiểu ta đi ta nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Hơn 2 năm rồi tôi chưa về Việt Nam. Với người xa xứ thì 2 năm chưa về là chuyện bình thường, kiểu như hai tháng ở Sài Gòn chưa về miền Trung hay miền Tây vậy thôi. Có người 10, 20, 30 năm chưa về. Cứ như Từ Thức lên động hoa vàng trong phút chốc mà lúc trở về cõi hồng trần thì như đã quá lâu, quá lâu, ngơ ngác giữa dòng người xuôi ngược và ngơ ngác cả trong tâm tưởng.

Chị Hương qua Mỹ đã hơn 30 năm, lâu lâu chị hay hỏi những câu rất Từ Thức, kiểu Việt Nam bây giờ có pizza không? Nhiều khi chị hỏi làm tôi ngớ ra vài giây, không biết phải trả lời sao, đôi khi có vài nốt ngậm ngùi len lỏi. Nói chuyện với chị, lâu lâu thấy chị ngờ mặt ra, tôi hỏi chị có hiểu không? Chị thỏ thẻ, em nói mấy từ chi lạ lạ, chị chẳng hiểu gì. Tôi phải giải thích nghĩa từng từ cho chị, rồi chị bảo, hết dịch này chị nhất định phải về Việt Nam một chuyến để úp-đây (update – cập nhật) tình hình.

Dù có đi bao lâu, cách xa bao nhiêu, lắm thứ rào cản, thì mối liên hệ giữa bản thân và gia đình ở Việt Nam vẫn là điều nằm sâu bên trong mỗi người. Những câu chuyện của chúng tôi thời gian gần đây hầu như xoay quanh quê nhà, chủ yếu nói tình hình dịch bệnh và các món ăn. Lạ thật, chỉ có chuyện ăn uống mới có thể tạm làm vơi đi nỗi nhớ.

Mỗi lần ngồi lại là bao nhiêu món ăn vùng miền từ Nam ra Bắc, xuôi về miền Tây, ghé ngang miền Trung đủ các thể loại. Nhưng cũng có những chuyện xảy ra cần mình có mặt mà không thể, nên nỗi đau lắm khi thấm thía, không thể nào vơi. Ví như bữa trước chị Thúy gọi, nói em ơi, mẹ chị mất ở Cần Thơ mà chị không thể về được, không cách gì có vé để về, chấp nhận bỏ ra số tiền lớn nhưng cũng không lấy được vé, đó là chưa kể tới nơi thì cách ly các kiểu, đến khi về được nhà thì cũng xong hết mọi việc, nên thôi, chị dành số tiền đó gửi về cho gia đình trang trải lo hậu sự cho mẹ.

Thỉnh thoảng thấy nhớ Việt Nam, chúng tôi lại rủ nhau đi chùa. Một số chùa dù lớn hay nhỏ ở vùng này đều cố gắng làm hoạt động gì đó để giúp Phật tử vơi đi nỗi nhớ quê hương. Tôi thường hay đến một ngôi chùa nhỏ nằm tại một vùng hẻo lánh, lái xe 45 phút mới tới nơi, nhưng tôi thích vẻ yên bình tĩnh mịch của nó, có cảm giác như những ngôi chùa thanh vắng ở Huế.

Ngày thường thì vắng vẻ, Phật tử ít, nhưng đến đêm 30 theo giờ Việt Nam thì thầy trú trì vẫn cố gắng mời các Phật tử đến cùng nhau gói bánh chưng, cùng nhau uống trà ăn mứt đón giao thừa. Đến sáng mồng một thầy phát lì xì cho tất cả các Phật tử, già trẻ lớn bé sắp hàng khoanh tay chúc thầy năm mới, trông cũng vui vui, ít nhiều mọi người sống trong không khí Tết truyền thống giữa xứ người trong chốc lát, dù chỉ là một kiểu truyền thống đang mai một dần, có muốn giữ lâu cũng khó.

Cũng có năm mà dịp Tết rơi vào ngày bình thường, phải đi làm, buổi tối tranh thủ chạy lên chùa thắp hương bàn Phật, quày quả gửi thầy một món quà năm mới rồi cũng lẹ làng ra về. Đôi khi thấy mình tệ thật, nhưng tự an ủi, rằng có đi chùa rồi, còn hơn không đi sẽ thấy áy náy trong lòng suốt.

Hôm qua Tuấn khoe là đã lấy được vé về Sài Gòn với giá rất cao. Anh nói “Thôi kệ, phải chịu, nhớ ba mẹ nhớ đủ thứ chịu hết nổi rồi, về ăn cái Tết quê hương đã rồi ra sao thì ra, chứ sợ con Covid đó hoài biết bao giờ mới về Việt Nam. Giờ hình dung cái cảm giác sáng sớm mồng 1, cả nhà cùng nhau ăn bánh chưng, lì xì, rồi kéo nhau lên chùa thắp nhang xin lộc, ta nói nó ‘đã’ gì đâu”. Vậy là cả bọn xúm lại đặt chỗ trước gửi đủ thứ về cho gia đình, gửi cả nỗi nhớ thương làm Tuấn cũng nôn nao quá trời chờ ngày lên máy bay. Là đi về nhà. Là nỗi mong ngóng của nhiều người con xa xứ chưa thể thực hiện được. Hẹn hết dịch chúng mình sẽ gặp nhau nhé, quê hương!

Texas, Hoa Kỳ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày