Bình Định: "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo có năng lực, áp dụng công nghệ số trong điều hành Phật sự"

Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định - Ảnh: Đăng Huy
Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định - Ảnh: Đăng Huy
0:00 / 0:00
0:00
GN - Bình Định là vùng “đất võ trời văn”, nơi xuất hiện nhiều bậc Tổ sư, các vị cao tăng đã góp công duy trì mạng mạch tâm linh Chánh pháp, xiển dương tinh thần Phật giáo Việt Nam, góp phần hộ quốc an dân.

Trải qua 40 năm hoạt động, từ khi thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định vào năm 1982 đến nay, chư vị giáo phẩm lần lượt đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Trị sự là Hòa thượng Thích Kế Châu, Hòa thượng Thích Phước Thành, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và Hòa thượng Thích Nguyên Phước từ 2013 đến nay.

Đại giới đàn Trí Hải - Bích Liên với gần 400 giới tử Tăng Ni cầu thọ giới pháp - Ảnh: Anh Quốc

Đại giới đàn Trí Hải - Bích Liên với gần 400 giới tử Tăng Ni cầu thọ giới pháp - Ảnh: Anh Quốc

Tiếp nối sự nghiệp chư tôn đức tiền nhiệm để lại, Tăng Ni, Phật tử Bình Định đã toàn tâm toàn trí hoàn thiện, ổn định và phát triển Phật giáo tỉnh nhà có nề nếp, duy trì quy củ tòng lâm, trong sự nghiệp chung vì Đạo pháp và Dân tộc.

Nói về những Phật sự nổi bật nhiệm kỳ VI, Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định cho biết, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phòng dịch vừa nỗ lực tổ chức thành công nhiều Phật sự quan trọng như: tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Phật giáo và Văn học Bình Định: Thành tựu và giá trị”, với sự tham dự của trên 100 nhà nghiên cứu, học giả tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các học viện Phật giáo trên toàn quốc.

Phật giáo tỉnh Bình Định hiện có 394 cơ sở tự viện. Trong nhiệm kỳ Ban Trị sự đã bổ nhiệm trụ trì cho hơn 50 cơ sở thờ tự; Có 134 đạo tràng tu học thường xuyên; Có 25 đơn vị Gia đình Phật tử đang sinh hoạt; Từ thiện xã hội trong nhiệm kỳ gần 84 tỷ đồng. Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Định từ năm 1992-2020, đào tạo được 8 khóa học, gần 1.400 vị tốt nghiệp. Hiện khóa IX (2020-2023) có hơn 210 Tăng Ni sinh đang theo học.

Tổ chức thành công Đại giới đàn Trí Hải - Bích Liên với gần 400 giới tử Tăng Ni cầu thọ giới pháp; Tổ chức Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì cho 371 Tăng Ni đang đảm nhiệm vai trò ở Giáo hội cấp huyện, tỉnh và trụ trì các cơ sở tự viện trong tỉnh. Kiện toàn công tác quản trị văn phòng, tổ chức nhiều buổi tọa đàm tìm giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác hoạt động Phật sự để thích ứng với xu hướng hiện đại của xã hội và nhiều hoạt động Phật sự có liên quan khác mà cụ thể là tổ chức khóa cấm túc An cư kiết hạ tập trung 10 ngày cho các thành viên của Ban Trị sự…

* Theo Hòa thượng, đâu là yếu tố đã tạo nên những thành tựu Phật sự nêu trên của Phật giáo tỉnh Bình Định?

- Kết quả thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ VI của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Định chính nhờ vào sự giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp từ Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, sự đồng thuận cao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQVN tỉnh Bình Định.

Bên cạnh đó, còn có sự thống nhất của tập thể, sự đoàn kết, hòa hợp, phát huy vai trò người đứng đầu các Ban và Phân ban trực thuộc trên tinh thần thống nhất ý chí, thống nhất hành động, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Điều này đã khẳng định rõ nét năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2017-2022.

Ngoài ra, Tăng Ni và tín đồ Phật tử đều đồng hành, chung sức trong các Phật sự của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các hoạt động của Ban Trị sự, từ đó tập trung triển khai các giải pháp, phương hướng hoạt động, chỉ đạo đồng bộ, nên các Phật sự được thành tựu và phát triển trong nhiệm kỳ qua.

Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định - Ảnh: Bảo Toàn

Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định - Ảnh: Bảo Toàn

* Có những hạn chế, tồn đọng nào trong các hoạt động nhiệm kỳ VI của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Định không, thưa Hòa thượng?

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định nhiệm kỳ qua cũng còn những hạn chế nhất định, xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch, hầu như các cấp Giáo hội từ tỉnh đến địa phương, các tự viện, Tăng Ni và tín đồ Phật tử trong toàn tỉnh đều thực hiện nghiêm các hướng dẫn về phòng chống dịch của chính quyền tỉnh cũng như các hướng dẫn và chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự. Chính vì thế, các tự viện gần như tạm hoãn và ngừng các hoạt động để tập trung tu tập, hành trì cầu nguyện cho dịch bệnh sớm được tiêu trừ.

Bên cạnh đó, Phật giáo tỉnh Bình Định còn tập trung nguồn lực tặng quà từ thiện cho các khu điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, chia sẻ những khó khăn với bà con nhân dân do ảnh hưởng bởi đại dịch, hỗ trợ các nhu yếu phẩm và vật tư y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn tại các chốt kiểm dịch, ủng hộ tiền mặt để mua vật tư y tế và quỹ mua vắc-xin…

Công tác xuất bản cuốn sách Những ngôi chùa tỉnh Bình Định, Hành trạng các bậc danh tăng tỉnh Bình Định và xây dựng kế hoạch tổ chức thư viện Phật giáo tại các huyện, thị xã, thành phố cũng chưa thực hiện được. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập Ban Biên tập bộ sách Lịch sử Phật giáo Bình Định và đến nay đã xuất bản được quyển Lịch sử Phật giáo Bình Định giai đoạn 1975-2021.

* Trong nhiệm kỳ 2022-2027, nhân sự dự kiến sẽ được cơ cấu như thế nào để tiếp tục giữ gìn và truyền thừa những giá trị tâm linh, lịch sử Phật giáo Bình Định, thưa Hòa thượng?

- Bình Định là một trong những địa phương có đông Tăng Ni và tín đồ Phật giáo trong khu vực. Số lượng đến năm 2021 được Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh thống kê gồm 1.221 Tăng Ni, trong đó 23 Hòa thượng, 44 Thượng tọa, 14 Ni trưởng, 17 Ni sư; chính do đặc thù này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cần có những vị tôn túc có đủ phẩm hạnh đạo đức, tinh thần nhiếp chúng cao để tiếp tục điều hành các công tác Phật sự trong nhiệm kỳ tới.

Trên tinh thần phụng hành các thông tư về hướng dẫn tổ chức đại hội Phật giáo cấp tỉnh của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, đồng thời căn cứ vào nhu cầu đặc thù của Phật giáo tỉnh Bình Định, Tiểu ban Nhân sự Đại hội lựa chọn những bậc tôn đức đủ sức khỏe, kinh nghiệm, trí tuệ để tiếp tục điều hành các Phật sự của tỉnh nhằm hướng đến ổn định và phát triển tại tỉnh Bình Định trong nhiệm kỳ 2022-2027. Ngoài ra, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định cũng có lộ trình cụ thể để cho Tăng Ni trẻ có đủ năng lực trí tuệ, phẩm hạnh, độ tuổi có sự kế thừa để lãnh đạo Phật giáo tỉnh.

* Để tiếp nối tinh thần đoàn kết hòa hợp phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, trong nhiệm kỳ VII, Phật giáo tỉnh Bình Định sẽ chú trọng đến các Phật sự trọng tâm gì, thưa Hòa thượng?

- Trong số các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định sẽ tập trung xây dựng một đội ngũ lãnh đạo Giáo hội có năng lực, trình độ, có tinh thần phụng sự cao, nhiệt huyết với các hoạt động Phật sự để tiếp tục kế thừa và phát triển Giáo hội tỉnh nhà. Bên cạnh đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cũng đặt trọng tâm áp dụng công nghệ số trong công tác điều hành Phật sự, đơn cử như số hóa các văn bản hành chánh Giáo hội.

Tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xin công nhận các cơ sở tự viện chưa được công nhận trong tỉnh. Đặc biệt, tập trung thực hiện triển khai hiệu quả Nghị quyết của Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ VII, từ đó giúp ổn định và nâng cao đời sống, phẩm hạnh của Tăng Ni nhằm xây dựng Phật giáo tỉnh Bình Định theo phương châm của đại hội là “Kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, phát triển”.

Cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian chia sẻ với Báo Giác Ngộ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự sách tấn chư Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM)

"Tăng Ni cần tu hành chân chánh để đánh tan những dư luận, nhiễu loạn không đúng về Phật giáo"

GNO - Đó là lời sách tấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong buổi thăm Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì 2024, do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, sáng nay 8-12.

Thông tin hàng ngày