GNO - Sáng 19-8 (nhằm ngày 24-7-Giáp Ngọ), tứ chúng tông phong tổ đình Niệm Phật (thị xã Thuận An, Bình Dương) đã trang nghiêm tổ chức lễ an vị tôn ảnh của cố Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh và tưởng niệm 12 năm ngày viên tịch của cố HT.Thích Thiện Huê.
Tác bạch cung thỉnh chư tôn Hòa thượng quang lâm chứng minh buổi lễ
Lễ thỉnh an vị tôn ảnh và tưởng niệm có sự quang lâm chứng minh của Đại lão HT.Thích Tắc An, Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN TP.HCM; Đại lão HT.Thích Tâm Từ, Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương; HT.Thích Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, viện chủ tu viện Huệ Quang (Q.Tân Phú, TP.HCM); HT.Thích Hoằng Thông, đại diện chư Tăng Ni pháp tử của cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh.
HT.Thích Thiện Huê sinh ngày 11-3-1925 (Ất Sửu) tại Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngài xuất thân trong một gia đình phúc hậu, sùng tín Tam bảo.
Năm 12 tuổi, Hòa thượng đã cắt ái ly gia, xuất gia cầu Phật, quy y với Tổ thượng Giác hạ Ngọc, đời thứ 44 thuộc dòng Tế Thượng, được Bổn sư đặt cho pháp danh Tín Huê, húy Quảng Lăng và theo ân sư học đạo tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Điện Bà - Tây Ninh).
Năm 1943, ngài thọ giới Sa-di tại giới đàn chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc, Long An) do Tổ Liễu Thoàn làm Đường đầu Hòa thượng.
Sau khi Bổn sư viên tịch, HT.Thiện Huê đã xin cầu thọ y chỉ và cầu học với cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh (nguyên Đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN) và được ban pháp hiệu là Thiện Huê.
An vị tôn ảnh cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh tại tổ đình Niệm Phật
Hòa thượng tu hành một cách miên mật về pháp môn trì danh niệm Phật, cũng vì thế ngài đã sớm trở thành một trong những rường cột xiển dương pháp môn Tịnh độ tại các tỉnh miền Đông lúc bấy giờ.
Năm 1951, Hòa thượng đã trở về quê hương xã An Sơn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương khai sơn tổ đình Niệm Phật dưới sự chứng minh của cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh và tên ngôi chùa này cũng do chính cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh đặt cho.
Hòa thượng nguyện xây cất nhiều công trình có quy mô đại tòng tâm để làm nơi cho Tăng Ni tu tập như tịnh xá Liên Trì ở núi Thị Vải. Sau đó, thể theo lời tha thiết thỉnh cầu của Hội Phật tử Bắc Việt, ngài đã nhận trụ trì chùa Đại Giác (TP.HCM) để tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh đào tạo và giúp đỡ Tăng sĩ tu học, tiếp độ chúng sanh.
Khi nhân duyên hội đủ, Hòa thượng đã khai sơn khởi công xây dựng tịnh xá Niết Bàn (Vũng Tàu). Khi vân du về miền cao nguyên Lâm Đồng, ngài khai sơn xây cất Lạc Cảnh Tăng Xá (nay là chùa Tánh Hải, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng).
Thời gian kế tiếp, Hòa thượng đã khai sơn tu viện Bát Nhã tại thôn Vạn Hạnh (Phú Mỹ, BR-VT). Cùng với các Phật sự xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, ấn tống kinh điển, ngài cũng tích cực tham gia vào các công tác hoạt động từ thiện xã hội.
Với hơn năm mươi lăm năm hành đạo, Hòa thượng đã góp phần làm rạng rỡ thiền môn, truyền đăng tục diệm giáo pháp của Đức Như Lai. Đến năm Nhâm Ngọ (2002) hóa duyên đã mãn, ngài an lành viên tịch vào ngày 24-7 ÂL tại chùa Đại Giác (TP.HCM) trong sự thương tiếc của Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước.
Môn đồ pháp quyến tưởng niệm cố HT.Thích Thiện Huê
Chư tôn đức trang nghiêm tại lễ hành chánh, tưởng niệm cố Hòa thượng Thiện Huê
Được biết, vào những ngày cuối đời, HT.Thiện Huê có dạy đệ tử rằng sau khi Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh viên tịch, phải thỉnh di ảnh về tổ đình Niệm Phật phụng thờ cùng với Tổ Liễu Thoàn vì đây là nhị vị Hòa thượng đã chứng minh khai sơn tổ đình này.