HỎI:
Tôi là Phật tử, năm nay 38 tuổi. Vì lý do lập gia đình muộn, tuổi lại khá cao nên không muốn và không thể sinh nở nhiều. Gia đình có hoàn cảnh riêng, chồng tôi là con trai trưởng nên tôi đã cầu xin Bồ-tát Quán Thế Âm cho tôi sinh được bé trai. Trong những giấc mơ, tôi cũng mơ thấy có bé trai chịu làm con của tôi. Dù tôi đã thành tâm cầu nguyện, thường xuyên làm nhiều công đức lành (tụng kinh, niệm hồng danh Bồ-tát Quán Thế Âm, phóng sanh, ấn tống kinh, tượng Phật, cúng dường xây chùa, sớt bát, dâng y...) nhưng mong cầu của tôi lại không được như ý nguyện (siêu âm là bé gái). Như vậy có phải chăng là tôi chưa đủ sự thành tâm? Hay tôi còn thiếu phước? Hay Bồ-tát không linh ứng? Hiện tôi rất băn khoăn, tín tâm với Tam bảo có phần lung lay làm chểnh mảng việc tu hành. Xin quý Báo hoan hỷ giải đáp và chỉ bày cho tôi để giữ vững tín tâm.
(LIÊN THỦY, hoaoaihuong75@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Liên Thủy thân mến!
Dù rằng bạn cầu mong con trai mà hiện tại thì bạn được con gái nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là kết quả của một quá trình dài mà bạn đã thành tâm, tích lũy đầy đủ phước báo, và Bồ-tát cũng đã linh ứng trợ duyên với những cầu nguyện của bạn.
Sở dĩ chúng tôi khẳng định như vậy vì để có một đứa con, dù trai hay gái, tuy là chuyện bình thường nhưng không phải dễ dàng, không phải người nào muốn cũng có được. Bạn cần biết rằng cha mẹ có quan hệ cộng nghiệp rất thâm thiết với con cái. Một người tái sanh làm con cháu quyến thuộc của mình tất yếu có duyên nghiệp sâu dày với mình.
Là một người con Phật chân chính, điều cần quan tâm nhất là xem xét con cái có duyên nghiệp với mình theo hướng tích cực hay tiêu cực chứ không phải là trai hay gái. Trong dân gian hay nói “con là nợ” chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm này. Nếu có cộng nghiệp tích cực với nhau thì con cháu ngoan hiền, hiếu thảo, là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc. Ngược lại, nếu có cộng nghiệp tiêu cực với nhau thì con cháu chính là người mang đến phiền não khổ đau cho mình nhiều nhất, thậm chí có thể thân bại danh liệt.
Vì vậy, nếu là con trai mà cộng nghiệp xấu với cha mẹ cũng chẳng nên tích sự gì, nếu không muốn nói là gánh nặng ưu sầu phiền não thêm cho cả nhà. Thực tế cuộc sống cho thấy không ít những cậu quý tử từng là niềm hy vọng của cha mẹ nhưng rồi gây nên bất hạnh cho gia đình nhiều nhất bởi những thói hư tật xấu của mình. Và ngược lại nếu là con gái mà cộng nghiệp tốt với cha mẹ thì rất đáng để vui mừng, tự hào mà không có gì phải băn khoăn cả.
Truyền thống văn hóa xứ ta chịu ảnh hưởng tư tưởng trọng con trai hơn con gái. Quan niệm cổ hủ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” tạm hiểu là dù có đến mười người con gái cũng là không nhưng một người con trai thôi cũng là có, thực sự đã lạc hậu và lỗi thời. Người Phật tử có chánh kiến lại càng không nên bị những quan niệm lạc hậu ấy trói buộc, vì con nào cũng là con, đồng thời lo vun bồi phước báo để cầu mong con cái có phước duyên và cộng nghiệp tích cực với cha mẹ mình.
Bạn đã “cầu” con bằng cách đã làm vô số công đức lành, thiết nghĩ với nhân tốt như vậy thì chắc chắn bạn sẽ có một đứa con có cộng nghiệp tích cực với mình. Bạn hãy nghĩ đến những phụ nữ thành danh được mọi người trên thế giới kính ngưỡng, hâm mộ mà hoan hỷ, yêu thương và tự hào với con gái của mình.
Chúc bạn tinh tấn!