Bố thí đồ tốt quả phước tốt - xấu

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1206 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1206 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ở pháp thoại trước, Đức Phật đã dạy, tuy bố thí đồ thô xấu nhưng biết cách cho vẫn có quả phước tốt đẹp. Trích đoạn này, Đức Phật dạy tiếp, nếu bố thí đồ vật tốt đẹp mà không biết cách cho thì quả phước vẫn ít nhỏ, còn bố thí đồ vật tốt đẹp mà biết cho đúng pháp thì quả phước tròn đầy.

"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Cư sĩ Tu-đạt-đa đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi:

- Gia đình của Cư sĩ có thực hành hạnh bố thí chăng?

Cư sĩ trả lời:

- Dạ có, bạch Thế Tôn, gia đình con có bố thí; nhưng chỉ bố thí những thức thô xấu, không được mỹ diệu, như cơm lẫn với cám, canh lá gai, chỉ có một miếng gừng, một lá rau.

Đức Thế Tôn bảo:

- Này Cư sĩ, dù bố thí những thức thô xấu, hay bố thí những thức mỹ diệu, thì đều có quả báo.

- Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức mỹ diệu, không tín mà bố thí, không cố tâm bố thí, không tự tay bố thí, không tự mình đến bố thí, không tư duy mà bố thí, không do tín mà bố thí, không quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, tâm không muốn được nhà đẹp, không muốn được xe đẹp, không muốn áo chăn đẹp, không muốn được đồ ăn thức uống ngon, không muốn được ngũ dục công đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm mà hành bố thí. Này cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.

- Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức mỹ diệu, lại có tín mà bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là do tâm muốn được nhà đẹp, muốn được xe đẹp, muốn áo chăn đẹp, muốn đồ ăn thức uống ngon, muốn được ngũ dục công đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí tâm mà bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Phạm chí, kinh Tu-đạt-đa, số 155 [trích])

Ở pháp thoại trước, Đức Phật đã dạy, tuy bố thí đồ thô xấu nhưng biết cách cho vẫn có quả phước tốt đẹp. Trích đoạn này, Đức Phật dạy tiếp, nếu bố thí đồ vật tốt đẹp mà không biết cách cho thì quả phước vẫn ít nhỏ, còn bố thí đồ vật tốt đẹp mà biết cho đúng pháp thì quả phước tròn đầy.

Điều quan trọng nhất là “chí tâm mà bố thí”, nói dễ hiểu là bố thí có tâm. Chính cái tâm sẻ chia với tất cả sự chân thành và tấm lòng tha thiết phụng sự mới là nhân tố quan trọng tạo nên quả phước. Vậy nên, những ai biết cho, đã đang và sẽ cho cần học tập “có tín mà bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí”.

Nhiều người có tâm bố thí rộng lớn nhưng vì không có thời gian để tham gia trực tiếp nên thường ủng hộ từ xa. Người cho của cải, kẻ tặng công sức, cùng nhau làm việc thiện là điều tốt. Trong trường hợp này, các nhà hảo tâm cần nhớ nghĩ “do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí” để cho phước quả được đầy đủ. Tin vào quả phước của việc thiện mà mình đang làm, thấy rõ những hoa trái tốt đẹp cho mình và người sẽ nở rộ từ những hạt giống lành được gieo trồng hôm nay.

Đỉnh cao của bố thí là xả buông, không dính mắc vào bất cứ thứ gì, không trú vào bất cứ đâu. Tuy nhiên điều ấy không phải dễ làm, chỉ dành cho hạng bố thí ba-la-mật. Ở cấp độ thông thường, bố thí với tuệ, hiểu biết sâu sắc về lợi ích của việc đang làm, tin tưởng và thấy rõ quả phước của thực hành bố thí. Thực hành bố thí có tâm trong đời sống hàng ngày, trong khả năng có thể. Cứ vun bồi phước đức như thế thì chắc chắn đời này và đời sau sẽ được an vui và đầy đủ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày