Cả nhà cùng tu

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hơn một lần tôi đọc được trên báo, hay ở đâu đó lời tự sự chơn thành của những ông bố, bà mẹ, rằng, “từ khi có con, mẹ đã biết... tu”, hay “ba đã biết... tu, kể từ khi có con trên cuộc đời”. Tất nhiên, tu ở đây là sửa ý-ngữ-thân theo hướng tốt lên, vì con, cho con!


Ông bà mình thường ân cần nhắc nhở, sống sao còn “để đức cho con”. Nghĩa là muốn khuyên nhủ chúng ta nên sống cho tốt (mới có đức) để cho con. Để đức cho con là để tiếng lành, rồi một mai con lớn, người ta nhắc đến cha mẹ của con mà còn xuýt xoa thương nhớ, trọng thị, để con còn ngửng mặt vào đời và làm người. Để đức cho con quan trọng hơn chính là từ tấm gương tuyệt vời nhơn nghĩa, hành xử có trước có sau, biết giúp đời, giúp người, sống tử tế với họ hàng, xóm giềng và với nhau trong giềng mối gia đình để “dạy con từ thuở còn thơ” bài học đạo đức. Rồi con thẩm thấu dần dần, thấm cái nghĩa cái nhân ở đời để rồi mốt mai con lớn, con sẽ sống đẹp như ba má đã từng sống.

Giáo dục con như thế là giáo dục một cách tự nhiên, bằng cách sống của ba má, của chính cách nghĩ, lời nói và những cử chỉ hàng ngày, trong công việc đến giao tế, từ người thân tới người quen và cả vạn loại chúng sinh.

Tôi nhớ mấy từ rất hay mà một người anh có hai con đã nói, đó là “giáo dục nêu gương”, nghĩa là ta chẳng cần phải soạn giáo án, chương mục hay chẳng cần phải ra rả suốt ngày câu nói cửa miệng rằng, con phải làm thế này, phải sống thế kia, mà hãy sống như chính những điều cần truyền trao cho con, thứ tặng phẩm được viết bằng hành động chứ không phải bằng lời nói hay những con chữ nhùng nhằng.

Muốn vậy thì “má phải tu”, “ba phải tu”, bắt đầu từ việc nhẹ nhàng với nhau trong nếp nghĩ, lời nói và cả ánh nhìn. Chẳng phải người ta vẫn đau đầu nhức óc, ân hận muộn màng khi nhìn thấy con mình hung hăng, cãi cha, đánh mẹ vì chính bạo lực trong nếp sống gia đình, đứa con đã học được từ người mẹ, người cha trong nếp sống hàng ngày? Người ta nói, trẻ con như tờ giấy trắng, nếu có những chấm đen do nghiệp lực mang theo trong trùng trùng duyên khởi thì đó cũng chính là sự chiêu cảm tất yếu của những “chấm đen” ấy vào gia đình mà cha mẹ vốn lấm lem những vết xám, những ô uế từ lối sống chẳng ra gì của mình. Cộng với đó là sự giáo dục, như câu thơ mà mình đã học “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà ra”.

Đừng chỉ nhìn vào số ít những nỗi buồn mênh mang do biệt nghiệp của cha mẹ tử tế, sinh con lại không ra gì để mà đổ thừa, quy chụp cho việc giáo dục vốn luôn là cái cốt quan trọng hơn, trong đó, giáo dục nêu gương chính là điều tối quan trọng trong việc hình thành nhân cách một con người.

Ở đây, “người truyền thụ” là cha mẹ, nhã nhặn, yêu thương, biết tương kính trong đời sống hàng ngày với nhau và với mọi người, mọi loài thì chắc chắn, ít nhiều, với sự tu sửa chơn thành, thường xuyên của mình cũng sẽ chuyển hóa, trao cho con bài học sống động trong cách sống hàng ngày.

Khi đó, câu ca dao “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa” không phải chỉ mang mỗi ý nghĩa tiêu cực về sự kế thừa mãi mãi của chiếc ghế-quyền lực trong xã hội mà nó còn mang ý nghĩa giáo dục tích cực, chính là ở mỗi môi trường sống sẽ tác động đến cách nghĩ, lời nói, hành động của mỗi người và quyết định cả một tâm thế, một con đường, một tương lai cũng như nhân cách của người ấy. Như, “con sãi” thì sẽ lại học được bài học từ-bi-hỷ-xả, ít muốn biết đủ, sống với đời phạm hạnh, áo nâu sồng mà vững dạ quét lá sân chùa, quét dọn tâm mình thanh thoát, vô ưu...

Cũng có câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” để chỉ cho việc “kế thừa” mang tính đương-nhiên-phải-có của hình tướng lẫn tánh cách con người trong chiều dài sinh ra, trưởng thành của mình. Kế thừa cái xấu lẫn cái tốt, trong đó, chúng ta thừa biết, cái xấu bao giờ cũng sẽ mau học và hành hơn là cái tốt bởi nó phù hợp với dòng đời, dòng sống và tư duy dễ dãi của con người-chúng sanh từ muôn kiếp tử sanh rồi.


Thế nên, ý thức về việc tu cho con, để đức cho con chính là ý thức nhơn quả, ý thức về hệ quả truyền thừa trong phạm vi giáo dục con người, đặc biệt là từ hành vi, lối sống mà thương con. Cụ thể, ta sẽ bắt đầu sửa mình cho con, vì con... Đó chính là tình thương lớn nhất, quan trọng nhất, vì chúng ta trao cho con mình chiếc chìa khóa, chỉ cho con con đường để con đi chứ không phải cõng con đi qua những con đường rồi đến lúc hết sức thì bỏ đó cho con loay hoay trong vỏ bọc, trong vốn liếng nghèo nàn của mình! Thương con như thế bằng mười hại con, phải không?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày