Có thứ tình thương tên là “bỏ mặc”

Ảnh minh họa - Ảnh: Internet
Ảnh minh họa - Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ta thường có xu hướng lo lắng, đỡ đần tất tần tật mọi khó khăn, nặng nhẹ cho ai đó, nếu mình thương họ. Một người mẹ thương con sẽ luôn muốn con mình ấm êm, hạnh phúc, sẽ ra sức bảo bọc con mọi lúc có thể.

Đó là điều tốt, nhưng đôi khi “thói quen” ấy trở nên quá đà, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của con trẻ vì người mẹ xen vào “đời tư” của con đến mức gần như biến đứa con thành người thụ động, kiểu của “gà công nghiệp” - điều mà ta vẫn thường nghe, người ta giáo dục rập khuôn, ép đứa trẻ theo ý mình nghĩ là tốt, chứ không cần biết khả năng của trẻ hay những sở thích rất riêng của con mình.

Không ít người mẹ, người cha thương con bằng cách chăm tận răng cho con đã biến con mình thành người yếu đuối, thích hưởng thụ và chẳng bao giờ biết “ngó xuống” những phận người đen đủi hơn mình (rất nhiều) ngoài xã hội, quanh mình. Thậm chí có người còn “nuôi dưỡng” cho trẻ tính khí khinh người chỉ vì những bộ áo quần, tiện nghi cao cấp… mình khoác lên người đứa trẻ khi con cái chưa làm ra tiền, hay khi đồng tiền mà mình kiếm được chưa phải là… tiền sạch.

Tôi nhớ câu nói của một người thầy khả kính, rằng, khi mình kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt, bằng sự lao động chân chính thì mình sẽ nuôi dạy những đứa con ngoan, chúng sẽ nên người, biết thương cha, thương mẹ hơn.

Khi mình “bắt” một cái cây, một loại quả lớn quá nhanh bằng thuốc kích thích thì sản phẩm hoa quả, rau dưa ấy ăn vào sao tránh khỏi những tai họa, do “đột biến gen” gây nên ung thư? Bây giờ, ung thư trở thành căn bệnh thời đại mà nguyên nhân phải chăng do quá nhiều độc tố bởi chính con người tham lam tuồn vào trong thức ăn qua đường chăn nuôi, trồng trọt, rồi phá rừng, giết thú gây mất cân bằng sinh thái dẫn tới mất cân bằng bên trong cấu trúc cơ thể, cấu trúc tế bào?

Ngẫm thế, để thấy việc muốn giàu nhanh bằng mọi giá đã buộc người ta phải tìm cách “tăng trọng” bằng những ngõ ngách, luồn lách ngoài khả năng thực tế của mình để “bơm” cho nhanh gia tài, thì số tiền kiếm được từ sự bất minh ấy dùng vào việc nuôi con sao khỏi có những hệ lụy, không khác việc ăn các loại rau quả lớn nhanh, lớn vội, mượt mà bằng thuốc kích thích là mấy?

Muốn con cái mình thành thiên tài, rồi phụ huynh hướng (hoặc ép) con chạy đua chuyện học, bỏ quên chuyện chơi cũng là cách ta nghĩ mình đang thương con, lo cho con, nhưng kỳ thực đang hại con. Những đôi mắt trẻ thơ với kính cận dày cộp, suy nghĩ kiểu của người lớn, những cơ thể đủ lớn để có những rung cảm giới tính nhưng lại thiếu một sự sâu sắc cần thiết để bảo hộ thân-tâm không phải rơi vào bế tắc trong những pha trục trặc tình cảm đã dẫn tới những vấn nạn mà sự tàn phá là kết quả dễ thấy. Khi con em mình trẻ quá, trẻ đến độ không chịu được đau mà đã dấn thân vào những chuyện chắc chắn cần những trải nghiệm đau thương, cần một độ tuổi vững chãi để bước qua thì khi các em chạm ngõ sẽ nghĩ tới chuyện trốn đời bằng cách này, cách khác. Trốn bằng tự tử hay bằng cách biến đổi thói quen, tính cách để quên đời, để rời xa thực tế thông qua những hình thức hoan lạc khác thì lỗi phải chăng do mình quá bảo bọc, thương con không đúng, bằng cách nuôi con từ những chất liệu không-an-toàn của mình.

Lại nhớ đến bài học cũ xưa, mình đã nghe nhiều lần, rằng, khi con té, đừng vội đỡ lên, hãy để con tự đứng dậy, khuyến khích con đứng dậy để chúng không ỷ lại.

Trong kinh Pháp hoa, cũng có câu chuyện trưởng giả rèn con từ bài học hốt phân vì tinh thần gã hạ liệt, rồi dần dần mới giao việc lớn để làm và sau đó là đến quản lý cả gia tài khi người con đủ vững. Chuyện Đức Thế Tôn nói là trao giáo pháp, tất nhiên nếu ứng dụng thì việc trao những cơ hội, tài sản trong cuộc sống này cho con cái cũng tương tự như thế. Không phải bao giờ thương con cũng là sắp xếp, cắt đặt mọi thứ, bởi, “thương con mà không dạy con lễ nghĩa thì có của nhiều chúng lại càng hoang phí, học càng hay chúng lại càng gian trá”, lời của người xưa đúc kết.

Thật ra, không thiếu những trường hợp cô chiêu, cậu ấm hư hao thân xác lẫn bê bối đời sống tinh thần bởi vì cha mẹ đã sử dụng tiền bất chính để cung phụng hoặc cung phụng tiền bạc một cách thiếu định hướng. Đồng thời, có những phụ huynh dành những vị trí liên quan tới quyền lợi một cách vô điều kiện, kể cả chạy chọt, khiến người ấy ỷ lại, dễ tự mãn hoặc lạm quyền…

Nếu chịu khó quan sát, ta sẽ thấy, những đứa trẻ nghèo thường giàu nghị lực, những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh tốt thường dễ hư. Tất nhiên, sự giàu có không phải là cái tội trong mệnh đề vừa rồi, mà cái tội là ở chỗ giáo dục con cái của ta. Vì nghĩ thương con, cho con mọi thứ cần thiết, mà ta quên mất, đôi khi để con đổ mồ hôi, chịu nhọc, chịu khổ cũng là cách thương con, giúp con thành người, vững vàng trước bão giông cuộc đời!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày